Vụ ép học sinh không thi vào lớp 10: bức xúc và hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bức xúc, xót xa, phẫn nộ, chờ đợi..., đó là những tâm trạng đi kèm những lời chia sẻ mà phụ huynh, học sinh và bạn đọc gửi đến VietTimes sau khi thông tin về việc "ép học sinh không thi vào lớp 10" được công khai.
Getty
Getty

Sau khi đưa tin về việc một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội có hành vi “ép học sinh không thi vào lớp 10 để tạo ra thành tích ảo”, trong suốt mấy ngày qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi và chia sẻ của học sinh, phụ huynh, giáo viên và độc giả nói chung về tình trạng này.

Đáng chú ý là nó diễn ra ở khắp nơi, chứ không chỉ riêng Hà Nội, với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Một nữ sinh lớp 10 tại Hà nội cho biết về những gì đã xảy ra đối với hai bạn cùng lớp buộc phải chuyển trường năm ngoái: “Nhà trường đã rất khôn ngoan khi không để lại bất cứ bằng chứng gì, tất cả được lấy danh nghĩa là "tâm sự", "khuyên giải"; và chuyện này được thực hiện vô cùng kín đáo, chỉ được biết đến qua lời truyền miệng của các học sinh và sự tiết lộ của hai bạn đó”. Em nữ sinh này cũng nhắc đi nhắc lại là xin hãy giấu tên, vì rất sợ rắc rối.

Một phụ huynh Hà Nội cho hay: "Năm ngoái, đầu học kỳ 2 lớp 9, cô chủ nhiệm của con trai tôi cũng 'gợi ý' để cháu và một số đứa chuyển qua trung tâm giáo dục thường xuyên vừa học vừa làm. Lúc đấy tôi cũng biết là cô chạy theo thành tích nhưng không ngờ nó lại phổ biến và gắn với nhiều thứ lợi ích của các cô như vậy. Thế nhưng cô nào cũng mở miệng ra là 'thương các con'. Nghĩ lại chuyện đó mà bỗng thấy ghê quá. Tôi vẫn chưa dám nói với thằng con, vì sợ nó mất niềm tin”.

Một cô giáo chua chát tâm sự: "Nó diễn ra trên 10 năm nay tại chỗ tôi. Có lúc tôi muốn tìm cách đấu tranh nhưng vô vọng. Không biết sau lần này sẽ thay đổi như nào… Thực ra họ (phụ huynh, học sinh) muốn lên tiếng lắm nhưng không biết lên tiếng kiểu gì. Và chính tôi là người trong nghề, tôi cũng bất mãn nhưng có khi con em mình cũng bị trù nên chúng tôi bảo nhau, thôi im lặng vì con mình bị họ hành thì cũng tội lắm. Bản thân tôi thấy nhục. Vì người đời họ khinh rẻ giáo viên. Họ vơ tất vào và họ bảo lũ giáo viên mất dạy! Chứng kiến học sinh khóc lóc vì không được thi, tôi trào nước mắt mà không làm được gì. [Mà chỉ vì chứng kiến và tỏ thái độ trên gương mặt thôi] tôi bị “họ” gọi điện, đe dọa luôn đến con mình và giữ luôn hồ sơ của em học sinh kia, không cho trả, đến khi các trường thi xong mới trả" – cô Th (Hà Nội).

“HS lớp 9 bị áp lực, chặn đường thi lên 10 diễn ra ở ngay trường tôi. Chính tôi đã phê phán, và năm ngoái đã phản ánh bằng văn bản với cấp trên thực trạng giáo viên chủ nhiệm khối 9 là tay sai cho hiệu trưởng trong công cuộc làm đẹp con số thi đỗ vào cấp 3, tạo thành tích thi đua khen thưởng và chắc ghế bổ nhiệm lại ban giám hiệu” – cô L ở Hưng Yên búc xúc nói.

“Trường nào có sự hợp lực của hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn mà kiểu như này thì họ cho ai giỏi thì người đó được và ngăn ai thì người đó khó mà ngóc đầu lên. Đối với con trẻ thì sau 2 hoặc 3 năm là trẻ sẽ dễ rẽ sang hướng khác” – cô giáo Th ở Vinh nhận định.

Nhân vụ việc “ép học sinh không thi lớp 10” này, nhiều vấn nạn khác trong giáo dục cũng được đông đảo bạn đọc chia sẻ, từ tài chính, nạn văn mẫu, học thêm, nhồi nhét quá tải, bè phái, trù dập…

Nhưng trên tất cả những điều đáng buồn và đáng lên án ấy, phụ huynh, học sinh và người dân luôn thể hiện khao khát về một nền giáo dục lành mạnh, trong sạch, tiến bộ. Nỗi sợ hãi nhiều chiều đã ngăn họ lên tiếng công khai, nhưng không thể chặn được ước mơ và sự đòi hỏi như câu khẩu hiệu vẫn luôn treo trong mọi nhà trường: Tất cả vì học sinh thân yêu.

Kỳ thi tuyển sinh sắp đến, nhân dân đang chờ đợi và âm thầm kêu đòi những hành động thiết thực, mạnh mẽ, quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng ngành Giáo dục nói chung, trước các vấn đề nhức nhối của ngành mà có nguy cơ hủy hoại thế hệ trẻ một cách đau xót, như sự việc ép học sinh không thi vào 10 đang diễn ra trên nhiều địa phương.