Hà Nội: Hơn 1.500 học sinh tham gia kì thi Hội của sân chơi trực tuyến Trạng Nguyên tiếng Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 1.515 học sinh của 28 quận, huyện của TP. Hà Nội vừa tham dự kì thi Hội dành cho học sinh khối 4 và 5. Cuộc thi Trạng Nguyên tiếng Việt giúp học sinh ôn luyện, nâng cao kiến thức tiếng Việt, văn hóa, lịch sử... 
Trạng Nguyên Tiếng Việt giúp các em tham gia học được học về kiến thức cơ bản cũng như nâng cao về môn học Tiếng Việt.
Trạng Nguyên Tiếng Việt giúp các em tham gia học được học về kiến thức cơ bản cũng như nâng cao về môn học Tiếng Việt.

Tại kì thi Hội (cấp Thành phố) diễn ra sáng nay (18/3), học sinh được làm hai bài thi trong 30 phút với những bài tập tư duy ngôn ngữ và kiến thức tiếng Việt.
Bài thứ nhất kiểm tra khả năng điền từ, gõ máy tính cũng như hiểu các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Bài thứ hai kiểm tra trắc nghiệm kiến thức từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt khối 4 và khối 5.

Hai em Thẩm Anh Quân và Đặng Đức Vinh - 4A1 trường Tiểu học Long Biên - cho biết năm nay là lần thứ 3 các em đến với kỳ thi Hội (cấp Thành phố) của sân chơi Trạng Nguyên tiếng Việt. Với nội dung chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa, mỗi bài thi tích hợp nhiều dạng khác nhau như trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, ô chữ,… Anh Quân và Đức Vinh rất thích cuộc thi này vì được sử dụng máy tính, được ôn luyện kiến thức, được sáng tạo qua các bài kiểm tra.

Hai em Thẩm Anh Quân và Đặng Đức Vinh - 4A1 trường Tiểu học Long Biên.

Hai em Thẩm Anh Quân và Đặng Đức Vinh - 4A1 trường Tiểu học Long Biên.

Là chương trình thường niên, mô phỏng theo các kỳ thi khoa bảng thời xưa, Trạng Nguyên tiếng Việt đã mang đến cho học sinh những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua các bài thi phân cấp khác nhau. Các cấp độ bài thi bao gồm thi Hương – cấp huyện, thi Hội – cấp tỉnh, thi Đình – cấp quốc gia.

Trong thời gian chờ học sinh làm bài thi, một giáo viên của quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, đây là một cuộc thi giúp các em học sinh nhà trường vừa chơi vừa học. Không chỉ được rèn luyện các kiến thức tiếng Việt mà các em còn được làm quen và sử dụng Internet cho việc học tập. Đây là một môi trường học tập thân thiện, không tạo ra áp lực, nhờ đó các em hoàn toàn tự chủ và thấy hứng thú trong việc tiếp nhận tri thức.

Nội dung chương trình câu hỏi của Trạng Nguyên tiếng Việt giúp học sinh học trực tuyến, ôn luyện được cả kiến thức học trên lớp, nâng cao kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn hóa, lịch sử...

Ngoài ra, Trạng Nguyên tiếng Việt giúp giáo viên được tiếp cận công nghệ thông tin để quản lý học sinh. Các thầy cô được sử dụng kho học liệu, bài giảng bằng video 3D trong việc làm giáo án.

Bên cạnh đó, 12 dạng bài thi tượng trưng cho 12 con giáp, thể hiện bằng 12 hình ảnh đặc trưng của đất nước, như Tháp Rùa, Văn Miếu, chợ Bến Thành, vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, nhà rông Tây Nguyên, mũi Cà Mau, hang Sơn Đoòng, ruộng bậc thang, đảo Trường Sa - Hoàng Sa, trống đồng Đông Sơn,... Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, nhớ về cội nguồn trong tâm trí, tình cảm của các em học sinh.

Năm học 2022 - 2023, Trạng Nguyên tiếng Việt đã có 6.974 trường, 459 phòng giáo dục và đào tạo trên cả nước với gần 2 triệu lượt thí sinh tham dự. Riêng tại khu vực Hà Nội, đã có 74.183 học sinh tham dự cấp trường và có 36.340 học sinh tham dự cấp quận, huyện. Qua 17 vòng thi, Ban Tổ chức đã chọn ra hơn 1.500 học sinh xuất sắc nhất để mời tham dự tập trung kì thi Hội – cấp Thành phố.

Một số hình ảnh trong buổi thi Hội Trạng Nguyên tiếng Việt của học sinh TP. Hà Nội:

Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Trạng Nguyên (sở hữu Chương trình Trạng Nguyên tiếng Việt) đã ký thoả thuận bảo vệ bản quyền với Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) để bảo vệ kho học liệu cũng như các tài sản số khác.

Cuộc thi Trạng Nguyên tiếng Việt được tổ chức hàng năm, thu hút hàng triệu thí sinh tiểu học trên cả nước tham gia. Chương trình Trạng Nguyên Tiếng Việt là chương trình thực hiện theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025”./.