|
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số báo cáo tại Hội nghị. |
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số nêu thực tế này tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo, vừa diễn ra đầu tháng 7.
"Làm cho bằng được để củng cố niềm tin toàn xã hội"
Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang tập trung triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng tỉnh từ 63 xuống còn 34 tỉnh, bỏ cấp huyện, tổ chức lại hệ thống chính trị.
Chuyển đổi số không chỉ là công cụ để hiện đại hóa quản lý nhà nước, mà phải trở thành hệ thần kinh trung ương để vận hành bộ máy mới, kết nối trực tiếp giữa cấp tỉnh với hàng trăm xã, thị trấn, thay thế vai trò của cấp huyện.
Ông Túc khẳng định đây là một bước đi lớn, vừa mang tính đổi mới sâu sắc, vừa tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.
Đánh giá về 6 tháng đầu năm, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng với sự tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là việc ban hành Kế hoạch 01 và 02, với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc mới, đòi hỏi cần tiếp tục các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, giữ vững tinh thần: “Kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm cho bằng được để củng cố niềm tin toàn xã hội”.
Ông Phạm Gia Túc cho biết cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, từng nhiệm vụ cụ thể được phân công rõ ràng, đôn đốc sát sao, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Hiện, Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết 57 và Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, sáng kiến trong lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được đưa vào vận hành. Hai công cụ quan trọng này giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ minh bạch, kịp thời, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng báo cáo hình thức.
Ngoài ra, Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cấp, khẳng định vai trò là kênh thông tin chính thống, cầu nối hiệu quả giữa Đảng với nhân dân.
Cùng với đó, Ban Bí thư đã ban hành Kiến trúc Chuyển đổi số Đảng phiên bản 3.0, cùng với Quy định quản lý, khai thác Hệ thống điều hành tác nghiệp điện tử. Văn phòng Trung ương Đảng đã triển khai phần mềm quản lý văn bản, phòng họp không giấy, kết nối đến tận cấp xã.
Những bước đi này tạo ra đột phá mới, làm thay đổi căn bản cách thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tiến tới xây dựng Đảng điện tử, Đảng số.
Về hạ tầng số, đến nay đã có 12.106 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Đồng thời, đang đẩy nhanh xây dựng các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia, kết nối các hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá một điểm rất nổi bật trong 6 tháng triển khai Nghị quyết 57 vừa qua là sự đồng hành, tham gia hết sức tích cực, chủ động của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC,… không chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thực hiện dự án mà còn trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách.
“Đây là một nét mới, một điểm nhấn đột phá tạo thêm nguồn lực, động lực, trí tuệ cho công cuộc chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước”, ông Phạm Gia Túc nói.
Chưa có chính sách cạnh tranh thu hút nhân lực công nghệ mũi nhọn
Ghi nhận nhiều kết quả đáng chú ý, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những tồn tại hiện nay. Trong đó, thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển nhanh của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ nhất là về dữ liệu số, an toàn, an ninh mạng, vẫn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng.
Các quy định về cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu, cơ chế thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn bất cập, chưa thực sự tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.
Về phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và kết nối liên thông, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh rằng hạ tầng số của nhiều địa phương vẫn còn yếu, thiếu đồng bộ, CSDL quốc gia, chuyên ngành tiến độ xây dựng còn chậm, dữ liệu còn phân tán, chưa đồng bộ, chưa hình thành trục dữ liệu thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; tư tưởng “cát cứ dữ liệu” vẫn phổ biến. Đây là nút thắt lớn, nếu không tháo gỡ sẽ cản trở chuyển đổi số toàn diện.
Cụ thể, đến 30/6/2025, tổng số thôn lõm sóng hiện còn 355 thôn trong đó có 349 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (238 thôn đặc biệt khó khăn đã có điện và 111 thôn đặc biệt khó khăn chưa có điện); 6 thôn nằm ngoài khu vực đặc biệt khó khăn, chưa có điện.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Ban Chỉ đạo cho rằng việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, an ninh mạng, dữ liệu lớn vẫn là một bài toán rất khó. Mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhưng thực tế vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh với khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài.
Cán bộ trực tiếp làm công tác chuyển đổi số, khoa học, công nghệ tại nhiều địa phương còn mỏng, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh bộ máy hành chính được tổ chức lại, giảm cấp trung gian, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều
Về huy động và bố trí nguồn lực tài chính, kinh phí triển khai Nghị quyết 57 ở nhiều nơi còn chậm, phân tán, chưa tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm. Một số địa phương còn lúng túng trong lập dự toán, phân bổ, sử dụng cho chuyển đổi số, KH&CN, đổi mới sáng tạo.
“Cơ chế xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách chưa thực sự phát huy hiệu quả, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước”, ông Túc nói.
Không để "báo cáo hay nhưng kết quả ít"
Nêu nhiều việc cần triển khai trong 6 tháng cuối năm 2025, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả. “Không để tồn tại tình trạng báo cáo hay nhưng kết quả ít”, ông Phạm Gia Túc nói.
Muốn như vậy, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các cấp và đẩy mạnh cơ chế kiểm tra chéo, nhất là giữa các đơn vị trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần công khai kết quả thực hiện trên hệ thống giám sát, đánh giá để toàn xã hội cùng giám sát.
6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đặt yêu cầu về xóa “điểm lõm sóng, thiếu điện” nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, bảo đảm phủ sóng 5G đạt trên 90% dân số vào cuối năm 2025.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, hình thành trục kết nối dữ liệu liên thông từ Trung ương tới cơ sở và triển khai mạnh mẽ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành, đồng bộ, thống nhất, hạn chế tình trạng “cát cứ dữ liệu”.
Về phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, ông Phạm Gia Túc cho rằng cần đẩy nhanh xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, an ninh mạng, dữ liệu lớn. Tiếp tục thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài, kể cả chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để họ cống hiến lâu dài.
Đồng thời, không chỉ thực hiện các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, tạo môi trường làm việc sáng tạo, dân chủ, minh bạch, để giữ chân nhân tài, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu bố trí đủ ngân sách để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo ở các cấp, nhất là cấp xã, cấp tỉnh, nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.