Bán hàng thời 4.0: 6 xu hướng tiếp thị số mới nhất không thể bỏ lỡ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Nếu bạn vẫn tiếp thị như thể còn là năm 2024, bạn đang tự làm khó mình. AI, nội dung ngắn, người sáng tạo… tất cả đang thay đổi cuộc chơi” - Bridget Oor, chuyên gia tiếp thị số, nền tảng HubSpot cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và thói quen người tiêu dùng thay đổi từng ngày, tiếp thị số năm 2025 đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cập nhật mà còn phải chuyển mình mạnh mẽ.

Theo báo cáo State of Marketing do HubSpot thực hiện dựa trên khảo sát hơn 1.200 nhà tiếp thị toàn cầu cho thấy những xu hướng đáng chú ý sẽ định hình tương lai ngành này. Dưới đây là 6 xu hướng quan trọng doanh nghiệp không thể bỏ qua nếu muốn thương hiệu của mình không bị tụt lại phía sau.

1. AI là người bạn đồng hành không thể thiếu trong marketing hiện đại

AI đang thay đổi toàn diện cách tiếp thị vận hành. Không chỉ tạo nội dung, các công cụ AI hiện nay có thể tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị theo thời gian thực, phân tích dữ liệu hành vi và tự động điều chỉnh để đạt hiệu quả tối đa.

Các công cụ như ChatGPT hay Google Performance Max cho phép doanh nghiệp tạo tiêu đề email, bài đăng mạng xã hội, và quảng cáo chỉ trong vài giây; so sánh nội dung do con người viết với nội dung AI để tìm ra phương án hiệu quả nhất; phân tích xu hướng và hành vi người dùng để đưa ra quyết định tiếp thị chính xác hơn.

Theo báo cáo, 47% doanh nghiệp hiện chưa biết cách đo lường hiệu quả của AI, cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

“Nếu bạn chưa sử dụng AI, bạn đang tiếp thị chậm hơn, tốn kém hơn và kém hiệu quả hơn đối thủ", chuyên gia Bridget Oor cho biết.

2. Chiến lược “chú ý trước, bán hàng sau” với video ngắn và dài

Mặc dù việc thu hút lượt click dễ dàng, nhưng giữ chân người xem, người đọc hay người tương tác mới là thách thức thực sự. Video ngắn như TikTok, Instagram Reels hay YouTube Shorts đang dẫn đầu về hiệu quả tương tác, vượt xa các nội dung tĩnh hay video dài truyền thống. Đồng thời, các video dài như podcast hay YouTube cũng có mức tương tác gấp 10 lần so với bài viết blog.

Các nền tảng ưu tiên nội dung giữ chân người dùng lâu hơn, do đó thời gian xem và tương tác như bình luận, chia sẻ quan trọng hơn cả lượt thích hay click. Ví dụ điển hình là kênh YouTube của The Hustle với hơn 400.000 lượt xem mỗi tháng và tỷ lệ tương tác cao hơn nhiều so với blog truyền thống. Họ không chỉ kể những câu chuyện kinh doanh hấp dẫn mà còn biến tấu nội dung thành nhiều định dạng khác nhau để mở rộng phạm vi tiếp cận.

Chuyên gia của HubSpot gợi ý doanh nghiệp nên bắt đầu từ sản xuất video ngắn trên TikTok, Reels, Shorts; theo dõi các chỉ số tương tác sâu như thời gian xem, bình luận và chia sẻ; sau đó biến một video hoặc bài viết thành nhiều nội dung trên các nền tảng khác nhau; kết hợp video ngắn để thu hút và video dài để xây dựng niềm tin sâu sắc với khách hàng.

3. Xây dựng niềm tin thông qua dữ liệu và cá nhân hóa

Chi phí quảng cáo tăng cao khiến cho nhiều thương hiệu không "phủ sóng" được tới khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, các thương hiệu có dữ liệu khách hàng như email, số điện thoại đang có lợi thế lớn với mức tương tác cao hơn và chi phí quảng cáo thấp hơn.

marketing 1.jpg
Ảnh minh họa

Để có được dữ liệu khách hàng, thương hiệu có thể thu thập email và số điện thoại khách hàng bằng cách tặng quà, giảm giá hoặc nội dung độc quyền; minh bạch về cách sử dụng dữ liệu để tạo dựng sự tin tưởng; cá nhân hóa email và ưu đãi dựa trên dữ liệu khách hàng để giữ chân khách hàng lâu dài.

Bài học rút ra là: thương hiệu nào sở hữu được khách hàng của mình sẽ vượt trội hơn hẳn so với những thương hiệu chỉ dựa vào quảng cáo trả phí.

4. Thương hiệu trở thành nhà sáng tạo nội dung

Người tiêu dùng ngày nay không còn tin vào quảng cáo truyền thống mà tin vào những người sáng tạo nội dung, những người nổi tiếng và có ảnh hưởng. 92% doanh nghiệp đang chuyển ngân sách từ quảng cáo sang xây dựng nội dung thương hiệu vì nội dung do người thật, câu chuyện thật tạo ra có sức thuyết phục và kết nối sâu sắc hơn. Mạng xã hội cũng ưu tiên nội dung tự nhiên, hấp dẫn hơn là quảng cáo trả phí.

Thực tế cho thấy các thương hiệu thực hiện sáng tạo nội dung đạt hiệu quả gấp 3 lần so với thương hiệu không thực hiện.

Ngay cả các thương hiệu xa xỉ cũng chuyển hướng sang kể chuyện trên mạng xã hội, hợp tác với những người có ảnh hưởng để tạo ra nội dung phong cách sống thay vì chỉ quảng cáo sản phẩm. Kết quả là mức độ tương tác tăng vọt, chứng tỏ xu hướng này là không thể đảo ngược.

5. Quảng cáo thông minh hơn, tối ưu theo thời gian thực nhờ AI

Thay vì mất hàng tuần để thử nghiệm phiên bản quảng cáo, AI giờ đây có thể tự tạo biến thể quảng cáo; tự học từ hành vi người dùng; tự điều chỉnh để đạt hiệu quả cao nhất.

Các nền tảng như Meta Advantage Plus và Google Performance Max giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí quảng cáo, tăng khả năng tiếp cận đúng đối tượng, gần như hoàn toàn tự động.

6. Tối ưu tìm kiếm trên mạng xã hội - SEO mới của thời đại

Một thực tế bất ngờ: 40% người dùng Gen Z tìm kiếm sản phẩm qua TikTok hoặc Instagram thay vì Google. Nếu nội dung của thương hiệu không hiển thị trên các nền tảng này, thương hiệu đó đang mất cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng.

marketing 2.jpg
Ảnh minh họa

Bằng việc tối ưu hóa nội dung cho tìm kiếm trên mạng xã hội, doanh nghiệp có thể tăng khả năng hiển thị mà không cần chi ngân sách cho quảng cáo.