
Thu hút kinh doanh và đầu tư tiền mã hóa
Trao đổi với VietTimes, TS Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao Đại học RMIT, chuyên gia về tài sản mã hóa - cho rằng Luật Công nghiệp Công nghệ số do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025 (có hiệu lực ngày 1/1/2026), đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Luật Công nghiệp Công nghệ số công nhận tiền mã hóa là tài sản - là một bước tiến lớn trong việc ngăn chặn gian lận, rửa tiền, vì các chính sách và quy trình hiện hữu có thể được sử dụng hợp pháp cho việc giải quyết tranh chấp hoặc bồi hoàn. Khi có hiệu lực, luật là một cơ sở rõ ràng để thu hút kinh doanh và đầu tư hợp pháp.
Ứớc tính khoảng 17 triệu người Việt Nam đang nắm giữ tài sản mã hóa sẽ được pháp luật bảo vệ.
"Việc có khung pháp lý cho sàn giao dịch tài sản mã hóa tác động tích cực cho nền kinh tế, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn hơn từ các nhà đầu tư tổ chức cả trong và ngoài nước - vốn ngần ngại tham gia vào thị trường vì chưa có hành lang quy định rõ ràng", TS Jeff Nijsse nhận định
Từ góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông cho rằng sự công nhận về mặt pháp lý mang lại một môi trường ổn định. Điều này rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh và việc lập kế hoạch dài hạn của các công ty khởi nghiệp.

Theo chuyên gia RMIT, Luật Công nghiệp Công nghệ số lần đầu tiên đưa ra định nghĩa pháp lý cho “tài sản số”, phân loại thành 2 nhóm chính gồm “tài sản ảo” và đáng chú ý là “tài sản mã hóa”. Trong đó, “tài sản mã hóa” là hạng mục bao trùm cho tiền mã hóa, với chức năng tài chính rõ ràng và hoạt động trên chuỗi khối (blockchain) riêng. Những tài sản này được định nghĩa là sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và chuyển giao.
Như vậy, các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) hoàn toàn phù hợp với định nghĩa “tài sản mã hóa” vì chúng được coi là có chức năng tài chính và sử dụng công nghệ mã hóa. Cách phân loại này giúp hàng triệu nhà đầu tư tại Việt Nam tin tưởng rằng những tài sản này không còn phải nằm trong vùng xám về mặt pháp lý.
Trong khi đó, “tài sản ảo” có thể được hiểu là bao gồm các tài sản kỹ thuật số như điểm thưởng hoặc vật phẩm ảo trong game, vốn không thực sự có chức năng tài chính. Sự tách biệt này rất quan trọng để tạo ra quy định có mục tiêu và hiệu quả.
Cạnh tranh trở thành trung tâm tài sản mã hóa hàng đầu của khu vực
TS Jeff Nijsse cho rằng Luật có hiệu lực sẽ cung cấp khuôn khổ rõ ràng để xây dựng và vận hành các doanh nghiệp tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Việc này giúp giảm chảy máu chất xám, người Việt Nam có thể khởi nghiệp ngay trong nước, thay vì đăng ký kinh doanh tại các quốc gia khác, như Singapore hay Thái Lan, để tìm kiếm sự rõ ràng về mặt pháp lý.
Bằng cách tạo ra hành lang pháp lý cho môi trường hoạt động, luật mới bảo vệ các nhà phát triển trong nước và cho phép các nhà đầu tư tự tin hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các sàn giao dịch hiện tại có hướng đi rõ ràng để mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Ở cấp quốc gia, luật mới tạo điều kiện chính thức hóa thị trường blockchain trị giá 105 tỉ USD tại Việt Nam, đưa "nền kinh tế khổng lồ" này vào diện quản lý chính thức. Bằng cách ban hành quy định cho lĩnh vực này, Việt Nam có thể theo dõi hoạt động, tạo ra nguồn thu thuế đáng kể và hạn chế tình trạng “tháo chạy vốn” hiện xảy ra thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.
"Với Luật Công nghiệp Công nghệ số, Việt Nam đang cạnh tranh nghiêm túc với Singapore và Thái Lan trong cuộc đua trở thành trung tâm tài sản mã hóa hàng đầu của khu vực. Bên cạnh dân số trẻ am hiểu công nghệ và cộng đồng nhà phát triển năng động, Việt Nam hiện đã có nền tảng pháp lý để hỗ trợ tham vọng này", TS Jeff Nijsse đánh giá.
