Người khuyết tật được đào tạo gì để tham gia hệ sinh thái kinh tế số hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các khóa đào tạo kỹ năng số, thương mại điện tử và tư duy kinh doanh hiện đại được thiết kế riêng, phù hợp điều kiện thực tế của người khuyết tật, giúp kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường để họ có thêm động lực khởi nghiệp.

z6790516466096_01508af1a9b2f1016ad4c55cec2b6135.jpg
SYS Việt Nam, eComDX và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam ký kết thỏa thuận triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật. Ảnh: eComDX.

Theo thỏa thuận chiều 10/7 về triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, người khuyết tật được đào tạo và hỗ trợ để tham gia hệ sinh thái kinh tế số.

Cụ thể, người khuyết tật được tập trung đào tạo các kỹ năng then chốt như: xây dựng kênh nội dung cá nhân, lựa chọn sản phẩm phù hợp với mô hình affiliate marketing, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất video ngắn, tổ chức livestream bán hàng, cũng như sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để tối ưu hiệu quả truyền thông và doanh thu.

Ngoài ra, học viên còn được hướng dẫn cách định vị giá trị cá nhân, xây dựng thương hiệu, kể câu chuyện cuộc sống như một chiến lược kết nối cảm xúc với khách hàng, phát triển nghề nghiệp bền vững trong môi trường số.

Nội dung chương trình cũng bao quát các nguyên tắc đạo đức trong việc sử dụng công cụ AI và cập nhật chính sách hoạt động của nền tảng TikTok – bao gồm các tiêu chuẩn về nội dung thương mại, quy trình xét duyệt sản phẩm, các cơ chế kiếm tiền chính thống như TikTok Shop, tiếp thị liên kết affiliate, livestream bán hàng... Điều này giúp học viên không chỉ làm quen với công nghệ mà còn nắm rõ hành lang pháp lý và tiêu chuẩn cộng đồng khi hoạt động trên nền tảng số.

Đặc biệt, chương trình được thiết kế theo mô hình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Học viên được chia nhóm, xây dựng kịch bản, quay video và thử nghiệm livestream ngay tại studio thực tế. Các phiên thực hành có phần phản biện và góp ý trực tiếp từ giảng viên, giúp học viên từng bước hoàn thiện kỹ năng và làm chủ công cụ trong hành trình chuyển đổi số.

chuyền.jpg
Tiktoker "Chuyền Xe Lăn" đã truyền cảm hứng để giúp người khuyết tật tự tin hơn khi xuất hiện trên các kênh bán hàng. Ảnh: eComDX.

Lễ ký kết đánh dấu bước phát triển mới trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác hỗ trợ xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật - đặc biệt là thanh niên khuyết tật tiếp cận với kỹ năng kinh doanh, phát triển nghề nghiệp và tạo sinh kế ổn định trên môi trường số.

Đây là một hoạt động cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57 về ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống nhân dân và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Chương trình nằm trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam”.

Đại diện các bên đều thống nhất rằng việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng người khuyết tật là hết sức cần thiết, trong bối cảnh họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp.

Thỏa thuận này xác lập mô hình hợp tác ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Trong đó, các khóa đào tạo kỹ năng số, thương mại điện tử và tư duy kinh doanh hiện đại sẽ được thiết kế riêng, phù hợp với khả năng tiếp cận và điều kiện thực tế của người khuyết tật.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc eComDX cho rằng nền tảng công nghệ, hệ sinh thái thương mại điện tử và các chương trình đào tạo góp phần kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu sau cùng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng mới, mà còn giúp người khuyết tật có thêm động lực và ý chí để khởi nghiệp.