
Thông tin được cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số nêu rõ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra ngày 2/7.
Khu vực FDI thống trị lĩnh vực sản xuất công nghệ cao
Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị quyết số 57-NQ/TW, Ban Chỉ đạo nêu rõ hiện cả nước có 858 doanh nghiệp KHCN, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học (223 doanh nghiệp), công nghệ thông tin (170 doanh nghiệp) và công nghệ tự động hóa (106 doanh nghiệp). Các doanh nghiệp KHCN quy tụ 42.642 lao động, với tổng vốn quỹ KHCN là 108,6 tỷ đồng.
Báo cáo nêu nhận định rằng số lượng doanh nghiệp KHCN còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nguồn lực tài chính tự có cho R&D còn rất hạn chế, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.
Riêng về khối Doanh nghiệp Công nghệ cao, hiện có khoảng 45 doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp CNC còn hiệu lực. Số liệu hoạt động năm 2023 cho thấy tổng chi cho R&D gần 706 triệu USD, trong đó các doanh nghiệp FDI chi tới 652 triệu USD.
Tỷ lệ chi R&D trên doanh thu thuần trung bình chỉ đạt 0,75%, một con số rất thấp, phản ánh bản chất hoạt động chủ yếu là gia công, lắp ráp. Cùng với đó, tổng số lao động là 172.518 người, nhưng chỉ có 8.900 người (5,2%) làm việc trong lĩnh vực R&D.
“Khu vực FDI đang thống trị lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, nhưng đóng góp vào việc nâng cao năng lực R&D và đổi mới sáng tạo nội địa còn rất hạn chế. Doanh nghiệp CNC của Việt Nam có quy mô quá nhỏ bé so với các đối tác FDI”, báo cáo nêu rõ.

Tính đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 73.766 doanh nghiệp công nghệ số, tập trung rất cao tại 2 thành phố lớn. Trong đó, cao nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, với 29.837 doanh nghiệp, tiếp đến là Hà Nội, với 19.490 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp công nghệ số tại Đà Nẵng chỉ 2.413 doanh nghiệp. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ hơn là sản xuất, phát triển công nghệ lõi.
Sự phát triển bùng nổ về số lượng doanh nghiệp công nghệ số là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều và cơ cấu ngành nghề cho thấy nền công nghiệp công nghệ số vẫn còn thiếu các doanh nghiệp có năng lực phát triển các sản phẩm công nghệ lõi, mang tính đột phá.
Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ghi nhận một số doanh nghiệp như Viettel, Vingroup, FPT, MK Group đã chứng tỏ năng lực vượt trội, tự mình khắc phục các điểm yếu của hệ thống để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao "Make in Vietnam", như các thiết bị 5G, chip bán dẫn, giải pháp AI, thẻ thông minh,... có sức cạnh tranh và được quốc tế công nhận.
Chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW sau 6 tháng triển khai, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số cho rằng Nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ; thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số và dữ liệu quốc gia còn phân tán; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, nhất là trong các ngành công nghệ mũi nhọn.
Ban Chỉ đạo lưu ý rằng: "Tư duy của một số cán bộ chủ trì từng mảng vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức hết tính cấp bách, tính toàn diện và tính hệ thống của những vấn đề đặt ra, dẫn đến chưa quyết liệt, chưa sáng tạo trong tổ chức triển khai".
Đặc biệt, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành đã đạt được những kết quả nền tảng, nhưng cần chuyển sang một giai đoạn mới: từ tập trung hoàn thiện, xây dựng là chính, sang ưu tiên kết nối, khai thác để tạo ra giá trị thực chất, phục vụ chỉ đạo, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
“6 tháng đầu năm 2025 thực sự là giai đoạn khởi đầu với nhiều kết quả nổi bật, tạo nền móng vững chắc để triển khai Nghị quyết 57 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn đã đặt ra, cần tiếp tục triển khai với tinh thần ‘Kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội’, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ điểm nghẽn, tập trung nguồn lực để tạo ra những kết quả thực chất, bền vững trong 6 tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo”, báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số nêu rõ.
