Ông Vũ Kiêm Văn nêu rõ quan điểm Việt Nam bứt phá về công nghệ và chuyển đổi số thì không thể chỉ đi một mình. Việc chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi đổi mới toàn cầu là điều bắt buộc.
Ông Vũ Kiêm Văn nêu rõ quan điểm Việt Nam bứt phá về công nghệ và chuyển đổi số thì không thể chỉ đi một mình. Việc chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi đổi mới toàn cầu là điều bắt buộc.

3 điều kiện vàng để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính sách dài hạn, nhân lực chất lượng và cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả là những điều thiết yếu để không chỉ tập đoàn quốc tế mà cả doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào R&D, đưa Việt Nam thực sự là trung tâm đổi mới sáng tạo.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổng Giám đốc MobiFone Global, trao đổi với VietTimes nhân Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 7, nhiệm kỳ III của VDCA, diễn ra ngày mai (12/7).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai “bộ tứ chiến lược” của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW); về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); về Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66-NQ/TW); về Phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW).

Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra những quan điểm chưa từng có trong đầu tư cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, chấp nhận rủi ro, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự hợp lực công - tư. Tầm nhìn chiến lược này đã thổi bùng khát vọng tăng tốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho giới khoa học công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp và toàn xã hội chung sức hiện thực hóa.

- Với vai trò là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký của VDCA, đồng thời là CEO MobiFone Global, ông nhận thấy Hội có vai trò như thế nào trong việc góp phần và thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 57?

- Là Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch của VDCA và CEO MobiFone Global, tôi có cơ hội nhìn thấy bức tranh chiến lược từ góc độ chính sách lẫn thực tiễn triển khai. Điều này giúp tôi nhận thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của hai tổ chức trong việc góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Phát triển khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia.

Đối với VDCA, chúng tôi không chỉ là nơi tập hợp các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ số, mà còn là một "kênh phản biện và kết nối" rất quan trọng giữa cộng đồng công nghệ và các cơ quan hoạch định chính sách.

Cá nhân tôi cùng Ban Chấp hành VDCA đã tham gia góp ý cho rất nhiều các dự thảo luật, nghị định, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đồng thời tổ chức các diễn đàn, hội thảo để thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước - doanh nghiệp - chuyên gia.

Những chương trình lớn như "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam” tổ chức thường niên từ năm 2018, "Hội thảo quốc gia về Chính phủ số”, “Diễn đàn về thành phố thông minh châu Á”, "VDCA Conference" hay các chuỗi tọa đàm chuyên đề..., đều là những hoạt động cụ thể mà chúng tôi đã triển khai để lan tỏa tinh thần của Nghị quyết 57.

vt_huy-4966-8515 (1).jpg
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là hoạt động thường niên của VDCA nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

- Còn từ góc độ CEO MobiFone Global, xin ông chia sẻ MobiFone Global đã triển khai các hoạt động mang lại đóng góp cụ thể như thế nào?

- Tại MobiFone Global, chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm và vai trò tiên phong trong việc đưa các giải pháp số vào thực tiễn - không chỉ với doanh nghiệp mà còn với chính quyền địa phương. Trong những năm qua, MobiFone Global đã trực tiếp tham gia xây dựng các nền tảng phục vụ chính quyền số, cung cấp hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, giải pháp quản lý thông minh cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, an ninh,…

Đội ngũ của chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi vào những nơi mà chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn - để cùng địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ và giải các bài toán về chuyển đổi số. Đó cũng chính là tinh thần của đổi mới sáng tạo: Không chỉ ở công nghệ, mà còn ở cách tiếp cận và tư duy triển khai.

Tôi tin rằng, với vai trò là tổ chức đại diện cộng đồng công nghệ số như VDCA hay là một doanh nghiệp có năng lực triển khai thực tế như MobiFone Global, theo thế mạnh của từng bên, chúng tôi đều có thể góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ của đất nước trong thời gian tới.

- Từ nhiều năm nay, VDCA đã tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh kết nối cộng đồng công nghệ Việt Nam với doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Xin ông chia sẻ về những chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam mà VDCA đang thúc đẩy hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa Nghị quyết 57?

- Việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia thời gian qua là một trong những định hướng chiến lược mà VDCA đang theo đuổi, nhằm hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 - đặc biệt trong các trụ cột về hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ.

Chúng tôi xác định rõ rằng: Muốn Việt Nam bứt phá về công nghệ và chuyển đổi số thì không thể chỉ đi một mình. Việc chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi đổi mới toàn cầu là điều bắt buộc.

Trong năm 2025 và thời gian tới, VDCA sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như ITU, WIPO, GSMA đồng thời duy trì đối thoại định kỳ với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Meta, Huawei, Samsung… Không chỉ dừng ở ký kết hay chia sẻ, chúng tôi đang hướng tới các hợp tác thực chất: đồng tổ chức các diễn đàn chuyên đề, phát triển chương trình đào tạo quốc tế, và đặc biệt là kêu gọi đầu tư vào các trung tâm R&D công nghệ cao tại Việt Nam.

Một ví dụ cụ thể là chương trình hợp tác giữa VDCA - Huawei, hai bên tổ chức các chương trình đào tạo thế hệ tiếp theo của nhân lực số: Hàng trăm sinh viên Việt Nam đã được tiếp cận công nghệ tiên tiến và trải nghiệm quốc tế; Chương trình hợp tác giữa VDCA và Qualcomm về Trí tuệ nhân tạo trong đó cung cấp các lợi ích như ươm tạo kỹ thuật và kinh doanh, hỗ trợ đăng ký bằng sáng chế và cố vấn chuyên gia cho cộng đồng doanh nghiệp của VDCA.

Cùng với đó là Chương trình hợp tác với Samsung để triển khai Samsung Innovation Campus dành cho học sinh, sinh viên học công nghệ cốt lõi như IoT, AI, Big Data và kỹ năng lập trình cơ bản - đây đều là những lĩnh vực rất sát với định hướng của Nghị quyết 57.

vt_VDCA Qualcomm.jpg
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA (phải) và ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia (giữa) tại hội thảo hợp tác về Trí tuệ nhân tạo (tháng 5/2025).

- Từ thực tế VDCA đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, theo ông cần điều kiện gì để đẩy mạnh xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút tập đoàn công nghệ mở rộng hoạt động, đặt trung tâm R&D tại Việt Nam?

- Để thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các trung tâm R&D công nghệ toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện một số điều kiện nền tảng quan trọng:

Thứ nhất, là môi trường chính sách ổn định và có tầm nhìn dài hạn. Các tập đoàn công nghệ khi quyết định đặt trung tâm nghiên cứu tại một quốc gia, họ không chỉ nhìn vào chi phí mà quan trọng hơn là sự minh bạch, cam kết hỗ trợ lâu dài từ phía chính phủ, cũng như khả năng kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước. Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh về thuế, đất đai, thủ tục, nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo rằng các chính sách đó có tính nhất quán và bền vững.

Thứ hai, là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư R&D đòi hỏi không chỉ kỹ sư giỏi mà còn cần những chuyên gia có tư duy toàn cầu, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo và có nền tảng khoa học sâu. Muốn vậy, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục STEM, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp - trường đại học - viện nghiên cứu, và đặc biệt là tạo điều kiện để nhân tài Việt Nam ở nước ngoài có thể quay về, cống hiến.

11-7.2.jpg bl8W2Ug0NzsNjFYcEceFHKqBVGbkN2VIwB6PjJEv.jpg
MobiFone Global phối hợp triển khai Bệnh án điện tử cùng ngành Y tế Hà Tĩnh.

Thứ ba, điều kiện rất quan trọng, là cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là yếu tố mà hầu hết các tập đoàn công nghệ đều đặt lên hàng đầu khi cân nhắc đầu tư vào R&D. Chúng ta cần một hệ thống pháp luật chặt chẽ, có tính thực thi cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền, sao chép, hoặc đánh cắp sáng chế, thiết kế công nghiệp. Đồng thời, cũng cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký, bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ - đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tôi cho rằng nếu làm tốt ba yếu tố này - chính sách dài hạn, nhân lực chất lượng, và cơ chế bảo hộ trí tuệ hiệu quả - thì không chỉ các tập đoàn quốc tế mà cả các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào R&D, biến Việt Nam thành một trung tâm đổi mới sáng tạo thực sự trong khu vực.

hu8.jpg
Lãnh đạo và các doanh nghiệp hội viên VDCA trong buổi tham quan trụ sở và tìm hiểu dịch vụ Cloud của Huawei tại Việt Nam.

- Xin ông chia sẻ về kế hoạch của VDCA trong việc phát huy, mở rộng hợp tác quốc tế, tích cực triển khai Nghị quyết 57?

- Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các chương trình hợp tác quốc tế nhiều năm qua, VDCA sẽ tập trung vào ba định hướng chính trong kế hoạch trung hạn như sau:

Thứ nhất, kết nối sâu hơn vào các mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu;

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ, tri thức, vốn quốc tế;

Thứ ba, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chuẩn mực quốc tế về công nghệ số, trong đó có cả trí tuệ nhân tạo, bảo mật dữ liệu, sở hữu trí tuệ.

Tôi tin rằng nếu chúng ta biết chủ động hội nhập, đi cùng thế giới bằng chính năng lực và lợi thế của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng đổi mới trong khu vực - đúng như tinh thần của Nghị quyết 57 đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!