Với SpaceX, chúng ta có cần NASA nữa không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi các cơ quan chính phủ như NASA và các công ty tư nhân như SpaceX hợp tác trong việc khám phá không gian, cả hai bên đều có lợi.
SpaceX và NASA. Ảnh: Sohu
SpaceX và NASA. Ảnh: Sohu

Theo trang tin Sohu, trước đây việc phóng vệ tinh hoặc các tàu vũ trụ vào không gian là vấn đề hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các nhà thầu hàng không vũ trụ lớn. Nhưng điều này đã trở thành quá khứ và trong 20 năm qua, các công ty khởi nghiệp tư nhân đã chứng minh rằng họ có thể cạnh tranh với các công ty lớn truyền thống.

Minh chứng rõ nhất là SpaceX, một công ty công nghệ khám phá không gian do Elon Musk làm chủ. Ngày nay, SpaceX có khả năng thu hồi các tên lửa hạng nhất và tái sử dụng chúng nhiều lần. Năm 2020, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia vào không gian. Hiện tại, SpaceX đang chế tạo một hệ thống tên lửa mới khổng lồ, dự kiến ​​một ngày không xa sẽ đưa con người lên sao Hỏa.

Nhìn vào những kỳ công đáng kinh ngạc này, bạn có thể tự hỏi liệu NASA có còn cần thiết hay NASA và SpaceX có đang cạnh tranh với nhau không. Nhưng trên thực tế, hai tổ chức này hoạt động vì mục đích khác nhau và dựa vào nhau để thành công.

SpaceX làm gì?

Thông tin từ Sohu cho biết SpaceX là công ty tư nhân do CEO Elon Musk của Tesla lãnh đạo, hiện đang sản xuất và phóng hai tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy. Tên lửa đẩy của SpaceX thường có thể được tái chế và tái sử dụng sau khi tân trang. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm giá dịch vụ của SpaceX, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh.

SpaceX cũng chế tạo và phóng Dragon Spacecraft, một con tàu vũ trụ có thể vận chuyển phi hành đoàn và hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). SpaceX cũng có kế hoạch sử dụng Dragon Spacecraft để vận chuyển các “phi hành gia tư nhân” (phi hành gia không thuộc NASA).

Ngoài ra, SpaceX đang nghiên cứu một hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ lớn có tên Starship, có thể vận chuyển trọng tải khổng lồ lên vũ trụ. "Tàu vũ trụ giữa các vì sao" cuối cùng hướng đến mục tiêu đưa con người đến sống vĩnh viễn trên sao Hỏa.

Mặc dù Starship vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, Musk đã lên kế hoạch đầy tham vọng. Vào tháng 1/2020, Musk đề xuất mục tiêu xây dựng 100 tàu vũ trụ Starship mỗi năm. Khi quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa được đồng bộ hóa, khoảng 100.000 người sẽ được đưa từ Trái Đất lên sao Hỏa. Dự kiến, 1 triệu người ​​sẽ có mặt trên sao Hỏa vào năm 2050.

Ngoài ra, SpaceX cũng đang triển khai một mạng vệ tinh lớn, nổi tiếng mang tên Starlink nhằm cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao cho toàn thế giới. Số lượng hiện tại của các vệ tinh này là khoảng 1.000 vệ tinh. Dự án cũng đã gây ra một số tranh cãi do lo ngại rằng chúng có thể gây ra "ô nhiễm ánh sáng" và cản trở việc nghiên cứu thiên văn.

NASA làm gì?

NASA (National Aeronautics and Space Administration) là một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có hơn một chục văn phòng tại Hoa Kỳ. Giám đốc NASA do Tổng thống bổ nhiệm. Luật của Quốc hội cho phép các hoạt động của NASA và cung cấp ngân sách hàng năm cho NASA.

Ngân sách của NASA được lập thông qua các quy trình chính trị và không được phân bổ đồng đều. Gần một nửa ngân sách của NASA được sử dụng cho các dự án không gian có con người. Đối với công chúng, nổi bật nhất trong số các dự án này là Trạm Vũ trụ Quốc tế, một phòng thí nghiệm vũ trụ đa quốc gia có phi hành gia thường trực ở quỹ đạo thấp của Trái đất. NASA cũng đang làm việc để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng và sao Hỏa thông qua "Dự án Artemis".

Khoảng một phần ba ngân sách của NASA được sử dụng cho bộ phận khoa học, bao gồm khoa học hành tinh, khoa học trái đất, vật lý thiên văn và vật lý mặt trời. NASA khởi động các sứ mệnh không gian để nghiên cứu và khám phá các hành tinh cũng như các thế giới khác, nghiên cứu khí hậu Trái đất, trả lời các câu hỏi cơ bản về bản chất của vũ trụ và nghiên cứu Mặt Trời.

NASA cũng tiến hành nghiên cứu hàng không vũ trụ và cung cấp tài trợ cho các nỗ lực phát triển công nghệ vũ trụ khác nhau

SpaceX và NASA cạnh tranh như thế nào?

Không có sự cạnh tranh giữa SpaceX và NASA. SpaceX là một công ty hoạt động vì lợi nhuận, trong khi NASA là một tổ chức được tài trợ bởi người nộp thuế, được tự do theo đuổi những khám phá khoa học không liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế.

Nhiều người nghĩ rằng SpaceX và NASA cạnh tranh với nhau thường do "Dự án Artemis" của NASA. Năm 2004, Tổng thống George W. Bush tuyên bố kế hoạch đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng. Điều này dẫn đến sự ra đời của tàu vũ trụ Orion và Hệ thống phóng không gian (SLS).

Orion và SLS được sản xuất bởi các công ty hàng không vũ trụ Lockheed Martin và Boeing. Các thiết bị này được lắp ráp tại trung tâm của NASA dưới sự hướng dẫn của NASA, và sản phẩm cuối cùng thuộc quyền sở hữu của NASA.

Sự phát triển của SLS và Orion chậm tiến độ và vượt quá ngân sách. Đồng thời, SpaceX đã phát triển từ một công ty nhỏ mới thành lập trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng hàng không truyền thống. SLS và Orion bị đánh giá là quá đắt và bị SpaceX vượt mặt.

Tuy nhiên, hiện nay, SLS và Orion của NASA vẫn là những phương tiện tốt nhất để đưa con người lên Mặt Trăng.

Ngoài ra, nếu không có sự hỗ trợ chính trị cần thiết, NASA không thể thay đổi hướng đi. Ngược lại, SpaceX không cần phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai ngoại trừ Elon Musk. Công ty có thể thúc đẩy sự phát triển của tàu vũ trụ để đáp ứng mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa của Musk.

SpaceX dựa vào NASA như thế nào?

Nếu không có sự đầu tư của NASA, chuyến bay tư nhân ngày nay sẽ là một câu chuyện khác. Năm 2006, NASA bắt đầu đầu tư vào các công ty vũ trụ tư nhân, hy vọng một ngày nào đó họ có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn cho Trạm Vũ trụ Quốc tế. SpaceX là một trong những công ty đầu tiên nhận được tài trợ từ NASA, khi công ty chỉ mới 4 tuổi. Có thông tin cho rằng NASA đã trả khoảng một nửa chi phí cho việc phát triển tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Năm 2008, SpaceX đã giành được hợp đồng trị giá hàng tỉ đô la để vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nếu không có NASA, SpaceX có thể đã đứng trước bờ vực phá sản. Ngày nay, mặc dù SpaceX nhận được doanh thu từ nhiều khách hàng, nhưng một phần lớn kinh phí đến từ việc vận chuyển phi hành đoàn và hàng hóa đến Trạm vũ trụ quốc tế và phóng tàu vũ trụ khoa học cho NASA.

Ngược lại, NASA dựa vào SpaceX ra sao?

Khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, NASA đưa ra một đề xuất mới: thay vì trả tiền cho các công ty khác để chế tạo máy bay do NASA sở hữu, điều gì sẽ xảy ra nếu NASA trả tiền cho một số công ty để sản xuất máy bay của riêng họ và sau đó mua các chuyến bay từ những máy bay này?

Năm 2008, NASA đã ký hợp đồng với SpaceX và Orbital Sciences (nay là Northrop Grumman) để chế tạo tàu vũ trụ chở hàng và gửi đến Trạm Vũ trụ Quốc tế. Kế hoạch này đã thành công: chưa đầy một năm sau khi kết thúc dự án tàu con thoi, Dragon Spacecraft của SpaceX đã cập bến thương mại đầu tiên với Trạm vũ trụ quốc tế. Năm 2020, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa các phi hành gia của NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Nếu không có SpaceX, công ty Mỹ duy nhất hiện có khả năng vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ là Northrop Grumman và việc vận chuyển phi hành đoàn của NASA sẽ vẫn dựa vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Sự hợp tác của SpaceX và NASA

Năm 2008, NASA đã ký hợp đồng cho phép SpaceX chế tạo tàu vũ trụ chở hàng của riêng mình và gửi tiếp tế đến Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Năm 2012, tàu vũ trụ của SpaceX đã gửi thành công nguyên liệu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, mở ra kỷ nguyên không gian tư nhân mới. Tính đến tháng 2/2019, SpaceX đã thực hiện 16 sứ mệnh tiếp tế Trạm Vũ trụ Quốc tế với NASA.

Vào tháng 5/2020, SpaceX đã phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9 đưa tàu chở người từ Trung tâm vũ trụ Kennedy lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Chuyến bay là sự hoàn thành một vụ “cá cược mạo hiểm” của NASA dưới thời chính quyền Obama khi giao cho doanh nghiệp tư nhân chở các phi hành gia lên trạm vũ trụ. Đối với SpaceX, đó là đỉnh cao của một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ năm 2002 khi tỷ phú Elon Musk thành lập công ty vũ trụ với mục tiêu du hành tới sao Hỏa.

Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên khám phá không gian mới, và một kỷ nguyên mới do các công ty thương mại dẫn đầu.

Vào tháng 2/2021, NASA cũng thông báo rằng họ đã chọn SpaceX để thực hiện sứ mệnh phóng kính thiên văn "SPHEREx". Dự án "SPHEREx" là một sứ mệnh vật lý thiên văn kéo dài hai năm, bắt đầu từ năm 2024 và dự kiến ​​đưa kính viễn vọng không gian SPHEREx vào quỹ đạo. Dự án sẽ tiêu tốn của NASA khoảng 98,8 triệu USD.

Tại sao con người cần NASA và SpaceX cùng một lúc?

Sự hỗ trợ của NASA dành cho các công ty như SpaceX đã định hình lại khuôn mẫu của ngành hàng không vũ trụ Hoa Kỳ. Các nhà thầu hàng không vũ trụ lâu đời với ít hoặc không có sự cạnh tranh hiện đang chú ý nhiều hơn đến các công nghệ mới có thể giảm chi phí của hàng không vũ trụ. NASA cũng hưởng lợi từ việc có nhiều đối tác Hoa Kỳ và quốc tế để có thể phóng tàu vũ trụ, vận chuyển phi hành đoàn và hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Và SpaceX đã giúp đánh thức lại sự quan tâm của công chúng đối với chuyến bay vào vũ trụ. Công ty đã sử dụng công nghệ truyền hình trực tiếp, biến mỗi vụ phóng và hạ cánh tên lửa trở thành một sự kiện thú vị. Mọi thứ SpaceX làm (thường là hợp tác với NASA) đã truyền cảm hứng cho thế hệ mới theo đuổi sự nghiệp không gian.

Nhưng con người vẫn cần NASA, cơ quan này không chỉ đưa các phi hành gia vào quỹ đạo. Khám phá không gian và khám phá khoa học đòi hỏi sự hỗ trợ và đầu tư lâu dài của công chúng. NASA chi hàng chục tỉ USD cho hàng trăm dự án lớn mỗi năm, trong khi SpaceX chỉ chi hàng trăm triệu USD cho một vài dự án.

Khám phá không gian mang lại những gì tốt nhất của nhân loại. Khi các cơ quan chính phủ như NASA và các công ty tư nhân như SpaceX hợp tác, cả hai bên đều có lợi.