Internet là một trong những công nghệ mang tính cách mạng nhất trong những thế kỷ gần đây. Vô số đế chế kinh doanh khổng lồ đã xuất hiện trên nền tảng của công nghệ này.
Nhưng đối với một bộ phận dân cư trên thế giới, kết nối internet nhanh chóng và giá cả phải chăng vẫn còn nằm ngoài tầm với. Làm thế nào để đưa Internet đến với nhóm người này không chỉ là cách để các hãng công nghệ lớn thực hiện phúc lợi xã hội mà còn tạo ra những cơ hội thị trường siêu lợi nhuận.
Deloitte, một trong bốn công ty kế toán quốc tế lớn, từng nói rằng nếu khả năng cung cấp dịch vụ Internet của châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á được nâng cấp ngang tầm các nước phát triển, GDP của các khu vực này sẽ tăng hơn 2 nghìn tỉ USD. Ngay cả khi mức độ kết nối ở những khu vực này tăng lên một phần trăm cũng sẽ tạo nên một doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đô la.
Thực tế, cho đến nay vẫn chưa có ai đạt được mục tiêu này. Ngay cả công ty chịu sự ảnh hưởng lớn nhất của Internet như Google cũng nếm mùi thất bại.
Google có một dự án đầy tham vọng được gọi là "Project Loon". Chỉ trong năm 2020 vừa qua, dự án tiên phong "đưa Internet nên bầu trời" này đã thực hiện những bước rất quan trọng, không chỉ được chính phủ Kenya phê duyệt, mà nó còn phóng khinh khí cầu đầu tiên cung cấp dịch vụ kết nối thương mại. Tất cả những điều này khiến mọi người cảm giác dự án "đang đi đúng hướng".
Nhưng mãi đến gần đây, Google mới chính thức thông báo về việc khai tử dự án kéo dài 9 năm này.
1. Sản phẩm của "phòng thí nghiệm bí ẩn nhất"
Project Loon là dự án đầy tham vọng của Google, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2013. Đây là dự án được phòng thí nghiệm Google X của Google. Kể từ khi thành lập vào năm 2010, đây cũng được coi là một trong những phòng thí nghiệm bí ẩn nhất trên thế giới. Google X chịu trách nhiệm cho các dự án khác thường nhất của Google.
Google sẽ sử dụng những quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời để cung cấp sóng Wi-Fi miễn phí tại những khu vực bị thiên tai, các vùng nông thôn hay nghèo khó khó có thể tiếp cận được thay vì phải chi hàng trăm triệu USD để xây dựng một mạng đường trục Internet vật lý để phủ sóng đến từng khu vực tương đối xa chỉ có vài người. Khinh khí cầu của Google sẽ bay ở độ cao không thể nhìn thấy và được các kỹ sư của Google điều chỉnh độ cao và bay nương theo chiều gió để đi theo các tuyến đường mà Google mong muốn.
Ý tưởng này là hoàn toàn độc đáo và mới lạ. Chưa từng có ý tưởng nào như vậy trong lịch sử loài người.
Sau quá trình xác minh ban đầu, kỹ sư Google X đã tiến hành thử nghiệm thực tế đầu tiên tại New Zealand, sau khoảng 3 năm thử nghiệm sai sót và điều chỉnh, nhóm bắt đầu đàm phán hợp tác với các công ty viễn thông trên thế giới. Đặc biệt chú ý đến những khu vực khó xây dựng tháp tín hiệu, chẳng hạn như các quốc gia có nhiều rừng rậm và núi rậm rạp như Ấn Độ, Indonesia và New Zealand.
Sau khi giúp khôi phục dịch vụ điện thoại di động do cơn bão Puerto Rico gây ra, dự án Loon đã được công nhận nhiều hơn.
Một số quan điểm trong ngành cho rằng sự tồn tại của Project Loon có ý nghĩa quan trọng để Google xây dựng tốt hơn hệ sinh thái của mình. Việc Google đầu tư vào xây dựng các dịch vụ cơ sở hạ tầng mạng có thể tạo động lực tăng trưởng mới cho các bộ vi xử lý mới, điện thoại thông minh giá rẻ và hệ điều hành Android của Google.
Kể từ năm 2013, dự án Loon đã phóng 1.750 quả khinh khí cầu và ghi được 1 triệu giờ bay. Vậy, Google đã chi bao nhiêu cho việc này?
Mặc dù không có số liệu cụ thể, Google X trong báo cáo tài chính đã ghi lỗ 3,3 tỉ USD trong ba quý đầu năm 2020.
Hãy tính toán khả năng Loon có thể tạo ra lợi nhuận: Chỉ cần 5% trong số 4,5 tỉ người không thể truy cập Internet hay 225 triệu người trả 5 đô la mỗi tháng, Google có thể tạo ra doanh thu hơn 1 tỉ đô la mỗi tháng. Con số này có thể vượt quá 10 tỉ USD doanh thu trong một năm. Đây có vẻ là con số kinh doanh tốt.
Đến năm 2018, Project Loon bắt đầu hoạt động như một công ty độc lập. Năm 2019, Project Loon đã huy động được 125 triệu USD từ các nhà đầu tư như SoftBank.
2. Khi nào "Internet giá cả phải chăng" sẽ đến?
Nhưng thực tế tàn nhẫn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Sau khi chứng minh được tính khả thi về mặt kỹ thuật, các vấn đề về tính bền vững trong kinh doanh của Loon từng bước được phơi bày. Từ lâu, dù đã tìm được nhiều đối tác nhưng Project Loon vẫn chưa thể giảm chi phí đủ thấp để thực hiện công việc kinh doanh một cách lâu dài và bền vững. Dự án đã kết thúc vào năm 2021.
CEO của công ty Project Loon, Alastair Westgarth chia sẻ, "Sự thật đã chứng minh rằng con đường dẫn đến khả năng thương mại dài hơn nhiều so với dự kiến và rủi ro cũng lớn hơn. Mặc dù chúng tôi đã tìm được một số đối tác sẵn sàng đồng hành trong suốt chặng đường. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra được cách quản lý chi phí đủ thấp để xây dựng một doanh nghiệp bền vững và lâu dài. Việc phát triển công nghệ mới rõ ràng luôn có rủi ro. Hôm nay tôi rất buồn khi phải nói rằng, Loon sẽ bị hủy."
Bạn có thể phân vân, Google không thiếu tiền, tại sao không tiếp tục "đốt tiền" cho dự án này?
Tờ Atlantic Monthly của Mỹ đã phỏng vấn một số thành viên cốt lõi của Google X và nhận thấy rằng Google X rất đặc biệt: Google X hình thành hơn một trăm ý tưởng mỗi năm, bao gồm nhiều lĩnh vực từ năng lượng sạch đến trí tuệ nhân tạo. Chỉ một vài trong số đó có đủ nhân lực để thực hiện.
Các công ty tách ra hoạt động độc lập sẽ phải chịu áp lực chứng minh giá trị của mình và chuyển lỗ thành lãi. Thiết bị bay không người lái Internet chạy bằng năng lượng mặt trời của Google từng là một dự án chị em của Loon và dự án này đã bị đóng cửa vào năm 2017. Loon là một trong số ít dự án hiếm hoi đã đi đủ xa.
Google Glass được coi là sản phẩm nổi tiếng nhất được tung ra bởi Google X. Kính AR này có thể được sử dụng cho camera kích hoạt bằng giọng nói, cuộc gọi video, nhận dạng hướng, truy cập Internet và xử lý e-mail. Tuy nhiên, do định vị sản phẩm không rõ ràng và giá cao, Google cuối cùng đã chấm dứt dự án. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phần cứng của Google cho rằng ngày công nghệ AR trưởng thành có thể là lúc Google Glass quay trở lại.
Google X không tạo ra bất kỳ doanh thu nào. Tổ chức từ bỏ một dự án là điều bình thường vì Google kỳ vọng nó sẽ giống như phòng thí nghiệm của Nikola Tesla - một trong những nhà phát minh khó có thể thương mại hóa bất kỳ phát minh nào của mình chứ không phải nhà máy của Edison - nơi kiếm được nhiều tiền nhờ các phát minh.
Ngoài Google X, các công ty công nghệ khác như SpaceX và Facebook cũng ngày càng quan tâm đến dự án Internet vệ tinh. Ngày nay, khi Internet toàn cầu đang cạn kiệt lưu lượng, gần một nửa số dân số vẫn chưa thể truy cập Internet. Khi các nhà mạng địa phương không còn tiền để đầu tư vào các trạm thu phát sóng, các ông lớn công nghệ đang vào cuộc.
So với Google X, họ đã áp dụng một giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khác.
Ví dụ, khi Google đặt cược nhiều vào khinh khí cầu, Facebook đã áp dụng một chiến lược khác, chọn cung cấp kết nối độ cao thông qua máy bay không người lái. Thông qua Free Basics, Facebook hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở các nước đang phát triển để cho phép người dùng truy cập các trang web được chọn trước bao gồm Facebook mà không cần sử dụng thêm bất kỳ dữ liệu nào. Điều này cho phép mọi người truy cập thông tin trực tuyến với chi phí rẻ hơn, và nó cũng giúp mọi người truy cập Facebook dễ dàng hơn.
Ông chủ SpaceX - Elon Musk lại trực tiếp phóng vệ tinh vào không gian trong dự án Starlink nhằm cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao phủ khắp thế giới thông qua cụm vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp.
Đằng sau ánh hào quang của Starlink, khi Internet vệ tinh trở thành tâm điểm mới của cuộc cạnh tranh công nghệ trong lĩnh vực truyền thông, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp nhận được tài trợ và nhanh chóng tham gia cuộc cạnh tranh.
Năm 2020, một số công ty truyền thông vệ tinh như công ty khởi nghiệp Kinéis của Pháp, công ty khởi nghiệp Skylo và Astranis của Mỹ đã nhận được khoản tài trợ khổng lồ lên tới hàng tỉ đô la. Ở Trung Quốc, thậm chí có những công ty khởi nghiệp, khoa học công nghệ, hàng không vũ trụ... sử dụng nguồn cung ứng cộng đồng để làm vệ tinh nguồn mở. Tất cả những điều này đều phản ánh sự phát triển và trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp vũ trụ.
Thế nhưng, dù là máy bay không người lái Facebook hay các tuyến vệ tinh như SpaceX, thì những dự án này còn lâu mới đạt được sự phát triển lâu dài của Project Loon khi phí sản xuất máy bay không người lái cung cấp năng lượng và phóng vệ tinh vẫn còn tương đối cao.
Cái kết của Project Loon khiến tương lai của những dự án này càng trở nên rối ren. Có thể mất nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng để "sao chép" trạm truyền tải Internet dưới mặt đất lên bầu trời.
Theo Sohu