Tại thời điểm đó, các đơn vị đã thực hiện thử nghiệm khả năng quay số song song theo mã vùng cũ và mới; khả năng gửi mã vùng mới trong cấu trúc số chủ gọi trên các tổng đài nội hạt; Khả năng phát âm báo thay đổi mã vùng cho từng tỉnh; Khả năng ghi cước/ tính cước đối với các cuộc gọi theo mã vùng mới.
Khẩn trương khắc phục tồn tại rút ra từ 2 năm trước
Ngay sau khi lộ trình đổi mã vùng cố định được chính thức công bố, ngày 25/11 vừa qua Tập đoàn đã có công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thành viên để bắt tay vào việc triển khai.
VNPT Net với chức năng quản lý hạ tầng mạng lưới của Tập đoàn sẽ cùng các VNPT tỉnh thành xây dựng phương án kỹ thuật, tổ chức âm thông báo, thực hiện điều chỉnh sửa đổi các chương trình phần mềm tính cước, đối soát… phù hợp theo các giai đoạn chuyển đổi của cơ quan quản lý. Hiện tại, các phương án kỹ thuật cơ bản đã xong.
Một số tồn tại trong quá trình thử nghiệm năm 2015 đang được khẩn trương khắc phục để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng trong suốt quá trình chuyển đổi. VNPT VinaPhone với chức năng chuyên trách kinh doanh sẽ phụ trách việc xây dựng kế hoạch truyền thông tới khách hàng, tổ chức các biện pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng trước, trong và sau thời điểm chuyển đổi.
Đặc biệt là nhanh chóng xây dựng được ứng dụng hỗ trợ khách hàng chuyển đổi mã vùng trên thiết bị cầm tay di động. Công ty Viễn thông Quốc tế VNPT-I sẽ có nhiệm vụ chủ động thông báo với các đối tác quốc tế về việc chuyển đổi mã vùng của Việt Nam để đối tác thông báo tới khách hàng khi thực hiện các cuộc gọi từ quốc tế về Việt Nam.
Mọi kế hoạch đang được gấp rút thực hiện để bắt đầu từ ngày 11/12 tới đây sẽ chính thức truyền thông tới khách hàng trên tất cả các kênh giao dịch của VNPT như: Phòng giao dịch, tổng đài chăm sóc khách hàng, website, các phương tiện truyền thông đại chúng...
Phó Tổng Giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường đã chỉ đạo, việc đổi mã vùng cố định sẽ thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, tất cả các phương án phải chuẩn bị kỹ càng và hoàn thành trước khi nghỉ Tết (25/1/2017) để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng.
Đã hoàn thành phương án kỹ thuật
Chiếm 90% thị phần hiện nay, nắm giữ đến 90% số lượng thuê bao điện thoại cố định hiện nay (gần 4,5 triệu thuê bao), VNPT khẳng định đã chủ động lên kế hoạch chuyển đổi để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng và hiện đã sẵn sàng thực hiện theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT.
Cũng theo thông tin từ VNPT, đơn vị này đã xây dựng xong các phương án kỹ thuật như: Phương án đổi mã tỉnh đối với thuê bao cố định và thuê bao Gphone; phương án định tuyến trên các tổng đài liên tỉnh, cổng quốc tế, cổng di động và Hệ thống âm thông báo để thông báo cho khách hàng khi thực hiện không đúng phương thức. VNPT cũng đã tiến hành thử nghiệm phương án kỹ thuật trên các mạng cố định và di động, đồng thời xúc tiến làm việc với 13 doanh nghiệp khác như Viettel, MobiFone,… để phối hợp.
Việc đổi số được thực hiện vào ban đêm và sẽ chỉ thực hiện trong vòng 02 giờ, vì vậy về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng. Nếu có bất cứ nguy cơ ảnh hưởng nào, VNPT sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau khách hàng sử dụng bình thường.
Trước thời điểm đổi mã vùng, VNPT sẽ tổ chức truyền thông việc đổi mã vùng theo chủ trương của Bộ TT&TT đến khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua website của VNPT, qua Call Center, qua các đầu mối CSKH. VNPT cũng đang xây dựng ứng dụng để hỗ trợ khách hàng nhận biết mã vùng nhanh chóng.
Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào ngày 31/8/2017. Trong 30 ngày đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ hỗ trợ người dân gọi số song song. 30 ngày tiếp theo sẽ ngưng kết nối và phát thông báo về việc đổi mã vùng để người dân gọi theo số mới.