5 lợi ích từ không thể phủ nhận từ việc chuyển đổi mã vùng

VietTimes -- Với kế hoạch chuyển đổi mã vùng do Bộ TT&TT ban hành sẽ có 59 tỉnh, thành phải chuyển đổi và ảnh hưởng đến gần 5 triệu thuê bao. Vậy, những lợi ích việc chuyển đổi mã vùng sẽ đem lại như thế nào?
Người dùng sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi mã vùng.
Người dùng sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi mã vùng.

Theo Bộ TT&TT việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, sau khi thực hiện việc chuyển đổi mã vùng độ dài quay số khi gọi liên tỉnh hoặc gọi từ di động đến thuê bao cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số. Như vậy, người sử dụng dễ nhớ và ít bị nhầm lẫn hơn.

Thứ hai, các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng mở ra cơ hội sau này dễ dàng giảm số lượng mã vùng trên toàn quốc từ 63 như hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng. Khi đó người dân sẽ được hưởng lợi ích vì các cuộc gọi trong cùng mã vùng chỉ trả cước thấp.

Thứ ba, sau khi thực hiện việc chuyển đổi mã vùng tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2 số, sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số. Trong đó, các thuê bao này vẫn giữ nguyên số thuê bao, chỉ thay đổi mã mạng từ độ dài 3 chữ số về 2 chữ số. Điều này góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác mà chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua.

Thứ tư, toàn bộ đầu mã 1x sẽ dùng cho thuê bao di động với phương thức giao tiếp giữa thiết bị với thiết bị, có được hàng tỷ số phục vụ cho phát triển lâu dài internet vạn vật.

Thứ năm, việc chuyển đổi mã vùng là một bước thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông, đảm bảo tài nguyên viễn thông được sử dụng hiệu quả, góp phần cho thị trường viễn thông phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để đem lại ngày càng nhiều lợi ích cho người dân và xã hội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Việc chuyển đổi mã vùng lần này nhằm đạt được một số mục tiêu đã được đặt ra khi Bộ TT&TT thực hiện quy hoạch lại kho số viễn thông. Trong đó, một trong những mục tiêu cơ bản đối với Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới. Thời gian qua, xu hướng Internet vạn vật (Internet of Things, IoT - PV) đã được nói đến rất nhiều và dự báo đến năm 2050 có khoảng 50 tỷ kết nối di động. Chính vì vậy, việc triển khai Quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng là để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết này.