Chuyển đổi mã vùng mở đường cho thông tin di động bùng nổ

VietTimes -- Xu hướng Internet vạn vật (IoT) đã cận kề và dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 50 tỷ kết nối di động, nên việc triển khai quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng là nhu cầu bức thiết, đón đầu xu hướng bùng nổ thông tin di động đang đến rất gần.

Thứ trưởng Phan Tâm: "Khi xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này, mối quan tâm hàng đầu của Bộ TT&TT là giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng không có lợi nếu có đối với người dân, xã hội".
Thứ trưởng Phan Tâm: "Khi xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này, mối quan tâm hàng đầu của Bộ TT&TT là giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng không có lợi nếu có đối với người dân, xã hội".

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm về mục tiêu chuyển đổi mã vùng trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề buổi họp công bố Kế hoạch chuyển đổi mã vùng được Bộ TT&TT tổ chức.

- Thưa Thứ trưởng, năm 2014, Bộ TT&TT đã ban hành Quy hoạch kho số viễn thông mới và Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này là một trong những nội dung để triển khai Quy hoạch kho số viễn thông. Xin ông cho biết việc chuyển đổi mã vùng nhằm tới những mục tiêu cơ bản nào?

 - Việc triển khai chuyển đổi mã vùng lần này nhằm đạt được một số mục tiêu đã đặt ra khi quy hoạch lại kho số viễn thông được ban hành từ năm 2014.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao. Khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố), người dùng sẽ không thấy bất cứ thay đổi nào.

Mục tiêu thứ nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới. Chúng ta đang nói rất nhiều đến xu hướng Internet vạn vật (IoT) và như dự báo thì đến năm 2050 sẽ có khoảng 50 tỷ kết nối di động. Vì thế chúng ta phải triển khai quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết này.

Mục tiêu thứ hai đặt ra khi chúng ta triển khai chuyển đổi mã vùng, đó là chúng ta có được một bảng mã vùng dễ nhớ và công bằng hơn với người sử dụng. Như các bạn cũng biết là, đối với quy hoạch kho số viễn  thông ban hành năm 2006, với thực tiễn là chia tách và sáp nhập tỉnh, hiện nay mã vùng của chúng ta có độ dài không đồng nhất, có tỉnh có độ dài mã vùng là 1, có tỉnh có độ dài mã vùng là 2 và thậm chí là 3. Sau khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng này, các tỉnh sẽ có độ dài mã vùng đồng nhất gồm 3 chữ số, trừ Hà Nội và TP.HCM có độ dài mã vùng 2 chữ số.

Mục tiêu thứ ba mà chúng ta cũng hướng đến, đó là chúng ta chuyển các mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 chữ số hiện nay, khi chuyển đổi mã vùng, chúng ta sẽ dành ra được một số mã vùng sử dụng làm cho mã mạng di động và chúng ta sẽ chuyển các thuê bao di động 11 số này về mã mạng di động mới. Như vậy, sắp tới tất cả thuê bao di động của Việt Nam sẽ có độ dài đồng nhất là 10 chữ số. Tôi nghĩ điều này người dân sẽ rất ủng hộ.

Thứ tư, khi chuyển đổi mã vùng, chúng ta cố gắng nhóm các tỉnh, thành phố liên kề vào một nhóm mã vùng để khi có điều kiện sẽ giảm các vùng cước từ 63 vùng cước như hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng cước. Như vậy, những  người dân trong cùng một vùng cước sẽ chỉ phải trả cước nội hạt thay vì cước liên tỉnh như hiện nay.

Đó là một số mục tiêu cơ bản đặt ra cho kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này và đó cũng chính là những lợi ích mà người dân và xã hội sẽ được hưởng.

- Bộ TT&TT có kế hoạch gì để việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định thành công và đạt hiệu quả cao nhất?

- Trong khi xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này, mối quan tâm hàng đầu của Bộ TT&TT là giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng không có lợi nếu có đối với người dân, xã hội.

Cụ thể, chúng tôi thấy có một số ảnh hưởng bất lợi đến người dân như có thể xảy ra sự gián đoạn liên lạc, nhưng gián đoạn liên lạc chỉ xảy ra khi người dân thực hiện cuộc gọi liên tỉnh hoặc là khi người nước ngoài gọi về mạng cố định ở Việt Nam; hay khi người dân thực hiện các cuộc gọi từ mạng di động sang mạng cố định. Đó là khi mã vùng được sử dụng khi người dân thực hiện các cuộc liên lạc thì sẽ có thể gặp các hiện tượng gián đoạn thông tin liên lạc trong một thời gian ngắn.

Ảnh hướng thứ hai, đó là một số cá nhân hoặc tổ chức trong hoạt động của mình hoặc trong các sản phẩm của mình có sử dụng mã vùng, như vậy khi mã vùng thay đổi cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như Danh bạ điện thoại, danh thiếp, biển quảng cáo hoặc là số của các hãng taxi… khi chuyển mã vùng sẽ bị chịu ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, trong thời gian chuyển đổi thôi.

Việc phải triển khai quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng là nhằm để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết của xu hướng IoT.

- Để giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến người dân, doanh nghiệp, các biện pháp sẽ được Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai là gì, ngoài yếu tố về truyền thông, thưa Thứ trưởng?

-  Về biện pháp cụ thể, Kế hoạch chuyển đổi mã vùng này bám sát các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế cũng như các khuyến nghị của Liên minh Viễn thông quốc tế về chuyển đổi mã vùng. Cụ thể, chúng ta sẽ thực hiện chuyển đổi mã vùng theo các bước: 

Thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, trong nước, sẽ thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông ở nước ngoài, cơ quan quản lý viễn thông của các nước, cho Liên minh Viễn thông quốc tế để tất cả các bên có liên quan đều biết được thông tin về việc chuyển đổi mã vùng của chúng ta.

Thời gian thông báo này, tối thiểu là 60 ngày theo khuyến nghị của quốc tế. Nhưng trên thực tế, đối với nhóm 13 tỉnh chuyển đổi đợt đầu, thời gian Bộ TT&TT áp dụng để thông tin tuyên truyền là gần 3 tháng. Với các nhóm tỉnh thực hiện ở đợt 2 và 3, thực tế người dân và xã hội được thông tin tuyên truyền tới gần 200 ngày. Như vậy, thời gian để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thực hiện chuyển đổi mã vùng là rất dài.

Sau khi thực hiện thông tin tuyên truyền để người dân chuẩn bị, chúng ta mới bắt tay vào chuyển đổi mã vùng trên thực tế. Việc này sẽ được diễn ra bắt đầu từ ngày 11/2/2017. Khi bắt đầu chuyển đổi mã vùng, trong tháng đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ cho phép triển khai quay số song song, nghĩa là người dân gọi theo mã vùng cũ hay mã vùng mới thì cuộc gọi vẫn thực hiện được, thông tin liên lạc không bị gián đoạn.

Sau 1 tháng thực hiện quay số song song, chúng ta sẽ thực hiện duy trì âm thông báo; điều này có nghĩa là nếu người dân gọi theo mã vùng mới, cuộc gọi diễn ra bình thường; nếu người dân chưa nhớ mã mới, vẫn gọi theo mã vùng cũ thì họ sẽ nhận được âm thông báo mã vùng người đó gọi đã bị thay đổi, đồng thời thông báo mã vùng mới và đề nghị người dân gọi theo mã vùng mới. Như vậy, với cách làm này, nguy cơ rủi ro, gây gián đoạn thông tin liên lạc trong quá trình chuyển đổi mã vùng cũng được giảm thiểu.

- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của việc chuyển đổi mã vùng, thưa ông?

Chỉ đến khi các doanh nghiệp đã sẵn sàng, Bộ mới công bố kế hoạch cho việc chuyển đổi mã vùng. Ông cho biết thời điểm hiện tại người dùng có thể tương đối an tâm.

Tính khả thi của việc chuyển đổi mã vùng phụ thuộc vào hệ thống của các nhà mạng, đặc biệt là giải pháp quay số song song, hỗ trợ ban đầu.

Bộ chỉ đạo doanh nghiệp phải khảo sát, đánh giá năng lực của hệ thống, sau đó thử nghiệm hệ thống trên thực tế như giải pháp quay số song song, hồi âm thông báo. Chỉ đến khi doanh nghiệp thông báo sẵn sàng, bộ trưởng mới quyết định ký ban hành kế hoạch chuyển mã vùng.

- Xin cảm ơn ông!

Cũng về mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi mã vùng, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết: Hiện có khoảng 5 triệu thuê bao cố định. Thuê bao cố định đang dùng các đầu số rải rác từ 02 đến 08 (đầu 01 và 09 cho thuê bao di động).

Sau khi quy hoạch, tất cả thuê bao cố định sẽ dồn về đầu 02, thu lại được 6 đầu số. Trong 6 đầu số này thì đầu 06 sẽ được dùng cho các dịch vụ mới như điện thoại Internet, điện thoại vệ tinh, dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, dư ra được 5 đầu số cho tài nguyên quốc gia, phục vụ cho mục đích lâu dài về sau.