|
Ảnh minh họa |
Được biết, hiện văn bản này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý theo quy định và trả lời Vietnamobile.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2017, tại Hội thảo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT, bà Elizabete Fong, Tổng giám đốc điều hành Vietnamobile bày tỏ, doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn về tài nguyên tần số. Thực tế, nếu so với các nhà mạng doanh nghiệp nhà nước, tài nguyên tần số của mạng di động Vietnamobile được đánh giá là yếu thế nhất trong cạnh tranh dữ liệu băng rộng. Vietnamobile không được cấp phép bằng tần 1800 MHz cho dịch vụ băng thông rộng.
Đặc biệt, tại băng tần 2100 MHz, Vietnamobile đang phải chia sẻ chung với doanh nghiệp khác. Việc bị hạn chế sử dụng băng tần chia sẻ cộng thêm việc tài nguyên tần số hạn hẹp, Vietnamobile đang đối mặt với việc hạn chế tài nguyên để phát triển trong thời gian ngắn nữa và dự đoán khả năng nghẽn mạng trầm trọng có thể xảy ra sớm hơn tại một số địa phương trong điểm. Khi đó, để đảm bảo dung lượng và chất lượng dịch vụ cho khách hàng, Vietnamobile phải đầu tư nhiều thiết bị viễn thông và hạ tầng mạng dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả, không thể cạnh tranh công bằng với các mạng khác.
Vì vậy, Tổng giám đốc Vietnamobile đề nghị, để mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh trong khi nhu cầu sử dụng dữ liệu ngày càng gia tăng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, doanh nghiệp, Bộ TT&TT xem xét cấp thêm tần số để doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng nhằm tăng tốc sử dụng băng rộng tốc độ cao.