Bất thành thương vụ 1.400 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - Mã CK: VBB), ngày 3/1, đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo thay đổi (điều chỉnh) phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (trong đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2018).
Vietbank cho biết, ngày 20/3/2019, ngân hàng đã hoàn thành chào bán hơn 84,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 9,7 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động. Qua đó, nhà băng này thu về hơn 941,19 tỷ đồng.
Theo phương án sử dụng vốn ban đầu, Vietbank muốn dùng một phần vốn tăng, cùng với vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dành ra 500 tỷ đồng nhằm mua, nhận chuyển nhượng bất động sản là Tòa nhà Lim II (địa chỉ số 61A, đường Cách Mạng Tháng 8, Phường 6, Quận 3, Tp. HCM).
Nhà băng này muốn mua Tòa nhà Lim II với giá dự kiến 1.400 tỷ đồng từ chủ sở hữu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi (Chợ Đũi Corp). Ngày 31/5/2018, Vietbank cùng đối tác đã ký kết hợp đồng đặt cọc.
Tuy nhiên, Vietbank cho hay ngân hàng và phía chủ sở hữu Tòa nhà Lim II đã không thống nhất được một số nội dung trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản và sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng đặt cọc.
Việc Vietbank dừng mua Tòa nhà Lim II nhiều khả năng còn liên quan tới việc chủ sở hữu thực sự của bất động sản này đã thay đổi.
Về tay doanh nhân 9x?
Dữ liệu VietTimes cho thấy, Chợ Đũi Corp được thành lập từ tháng 1/2011, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tòa nhà Lim II. Hồi tháng 5/2018, hai pháp nhân cùng đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 2 Thi Sách (Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM) là Công ty TNHH Lương Thạch (Lương Thạch) và Công ty TNHH Bất động sản Nhất Khang (Nhất Khang) đã thâu tóm lại toàn bộ số cổ phần từ nhóm cổ đông cũ tại Chợ Đũi Corp.
Diễn biến sau đó cho thấy, nhiều khả năng Lương Thạch đã nhận chuyển nhượng số cổ phần của Nhất Khang để trở thành chủ sở hữu của Chợ Đũi Corp.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, công ty Lương Thạch được thành lập vào tháng 3/2017, với quy mô vốn ban đầu là 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Lương Thạch (sinh năm 1991) tham gia góp 80% vốn điều lệ. Đồng thời, ông Thạch cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này.
Với quy mô lớn của thương vụ và tính chiến lược của tòa nhà Lim II, có lẽ sẽ là hợp lý hơn nếu doanh nhân 9x Nguyễn Lương Thạch chỉ là cái tên được chọn để "ra mặt". Sẽ là không bất ngờ nếu Lương Thạch lại là một SPC trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm, tương tự như các chủ cũ của Chợ Đũi Corp.
Về phía Vietbank, theo phương án sử dụng vốn đã thay đổi, nhà băng này sẽ dùng số tiền huy động được nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020); nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh; đầu tư, đổi mới hệ thống lõi ngân hàng, hệ thống thẻ và hoạt động ngân hàng số.
Được biết, hồi tháng 11/2019, Vietbank đã trở thành ngân hàng thứ 14 được NHNN cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II./.