Theo đó, VietBank sẽ thực hiện niêm yết hơn 419,019 triệu cổ phiếu VBB trên sàn UPCOM. Ngày giao dịch đầu tiên là ngày 30/7/2019, mức giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu.
Bản công bố thông tin cho biết, VietBank được thành lập theo Quyết định số 2391/QĐ-NHNN ngày 14/12/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Theo đó, NHNN cho phép khôi phục lại hoạt động của Ngân hàng TMCP Nông thôn Phú Tâm với tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.
Sau hơn 12 năm phát triển, tính tới năm 2018, VietBank đã gia tăng quy mô tổng tài sản lên gấp hơn 57 lần với 112 điểm giao dịch trên khắp cả nước. So sánh với các ngân hàng khác, “Vietbank thuộc nhóm các ngân hàng có quy mô không lớn, năng lực tài chính chưa đủ mạnh, có mạng lưới hạn chế và số lượng lao động thấp, các đơn vị kinh doanh có quy mô hoạt động không nhỏ”.
Tuy nhiên, để đánh giá được tiềm năng của VietBank, có lẽ phải nhắc tới những cổ đông lớn, bộ máy lãnh đạo đã từng và đang gắn bó tại ngân hàng này.
Ai đang nắm giữ lượng lớn cổ phần VietBank?
Quá trình phát triển của VietBank từng mang đậm dấu ấn của ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) với vai trò là cổ đông sáng lập và nắm giữ (thông qua người thân trong gia đình) số lượng lớn cổ phần của nhà băng này.
Kể từ năm 2017 đến đầu năm 2019, nhóm cổ đông gia đình “bầu” Kiên liên tục có những động thái thoái vốn tại VietBank, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%. Trong lần giao dịch gần nhất mà VietTimes ghi nhận, số cồ phần còn lại đang được phu nhân của “bầu” Kiên - bà Đặng Ngọc Lan - nắm giữ, tương đương với 4,608% vốn điều lệ. Tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Lan đã rút khỏi Hội đồng quản trị (HĐQT) VietBank nên các giao dịch sau đó chưa được ghi nhận.
Song, số liệu về cơ cấu cổ đông, cũng như tỷ lệ sở hữu cổ phần của một số Thành viên HĐQT VietBank trong bản công bố thông tin sẽ phần nào đem đến một “bức tranh” mới về chủ sở hữu của ngân hàng này sau khi “bầu” Kiên thoái lui.
Tính đến ngày 30/6/2019, VietBank không ghi nhận cổ đông lớn và có 271 cổ đông nắm giữ cổ phần. Trong đó, có 8 cổ đông là tổ chức trong nước, nắm giữ 31,34% vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông của VietBank (Nguồn: VBB)
|
HĐQT VietBank có sự góp mặt của 6 thành viên, đều là các thành viên “không điều hành”, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Dương Ngọc Hòa.
Được biết, ông Dương Ngọc Hòa sinh năm 1956, có trình độ cử nhân ĐH Tổng hợp chuyên ngành hóa học. Ông Hòa có thời gian tự kinh doanh tại Tp. HCM giai đoạn từ năm 1979 - 1998. Từ năm 1999 - 2005, ông làm Giám đốc của CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm). Ông Dương Ngọc Hòa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của VietBank kể từ tháng 9/2006 đến nay.
Bản thân ông Hòa sở hữu tới 19,07 triệu cổ phiếu VBB, chiếm 4,552% vốn điều lệ của VietBank. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình của ông cũng nắm giữ số lượng cổ phần tương đương với tỷ lệ sở hữu tới 8,891% vốn của nhà băng này. Như vậy, nhóm gia đình liên quan đến vị Chủ tịch HĐQT VietBank đã nắm giữ tới 13,443% vốn.
Vị chủ tịch và phu nhân là bà Trần Thị Lâm đã cho VietBank thuê lại ngôi nhà tại số 90 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, Tp. HCM để làm trụ sở Phòng giao dịch. Giá thuê là hơn 180 triệu đồng/tháng, thời hạn hợp đồng kéo dài 5 năm, từ 1/1/2017 đến 31/12/2022.
Người thân của vị Chủ tịch VietBank nắm giữ lượng lớn cổ phần của nhà băng này (Nguồn: VBB)
|
Dàn nhân sự cấp cao “khủng” tại VietBank
Tham gia HĐQT và ban điều hanh của VietBank còn có sự góp mặt của nhiều nhân sự dày dạn kinh nghiệm.
Trong đó, vị Phó Chủ tịch HĐQT - ông Bùi Xuân Khu - từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Thường trực Bộ công nghiệp (2000 - 2007) và nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương (2007 - 2010).
Ông Trần Văn Tá - Thành viên HĐQT độc lập - từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính (2002 - 2003), Phó trưởng ban kinh tế Trung ương (2003 - 2006), Tổng giám đốc SCIC (2008 - 2010) và hiện đang là Chủ tịch danh dự tại Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
Ban điều hành của ngân hàng VietBank có sự tham gia của 8 thành viên, đứng đầu là Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nhung.
Được biết, ông Nguyễn Thanh Nhung (sinh năm 1968) có trình độ Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế TP. HCM. Ông Nhung từng dành nhiều năm gắn bó với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ tháng 8/1995 - 5/2014, với chức vụ cao nhất là Phó Tổng Giám đốc.
Sau đó, kể từ ngày 9/5/2014, ông gia nhập VietBank với vai trò Trợ lý Chủ tịch HĐQT và đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao tại ngân hàng này. Theo bản công bố thông tin, ông Nhung hiện đang sở hữu 1,28 triệu cổ phiếu VBB, tương đương với 0,305% vốn điều lệ của VietBank.
Ngoài ra, vào đầu tháng 4/2019, VietBank cũng đã bổ nhiệm TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) làm cố vấn. Được biết, TS. Trương Văn Phước đã có 36 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, được coi là nhân sự kỳ cựu với nhiều năm đảm nhiệm các chức vụ cấp cao tại các nhà băng và NHNN./.