Bà Đặng Ngọc Lan chính thức rời vị trí Thành viên HĐQT VietBank

VietTimes -- Trước khi từ nhiệm, bà Đặng Ngọc Lan đã từng đăng ký giao dịch thoái hết số cổ phần đang nắm giữ tại Vietbank nhưng không thành công.
Bà Đặng Ngọc Lan được được miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT tại Vietbank (Nguồn: Internet)
Bà Đặng Ngọc Lan được được miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT tại Vietbank (Nguồn: Internet)

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018 diễn ra vào ngày 18/1/2019, các cổ đông đã chính thức thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Đăng Ngọc Lan. Được biết, bà Lan đã có đơn xin từ nhiệm chức danh này theo “nguyện vọng cá nhân”.

Phát biểu tại buổi họp, bà Đăng Ngọc Lan đã gửi những lời cảm ơn tới cổ đông, HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên VietBank đã đồng hành, hỗ trợ bà trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, bà Lan cũng khẳng định “sẽ luôn đồng hành với Vietbank bất cứ khi nào Vietbank cần”.

Trước khi chính thức có động thái từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT, bà Lan cùng nhiều thành viên trong gia đình đã thực hiện giao dịch bán ra cổ phần Vietbank.

Trong đó, phu quân của bà, ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) sau nhiều lần giao dịch đã thực hiện triệt thoái vốn thành công tại ngân hàng này. Thân phụ và thân mẫu của bà Đặng Ngọc Lan cũng giảm tỷ lệ cổ phần đang nắm giữ, chỉ còn sở hữu lượng cổ phần tương đương với 0,244% vốn điều lệ.

Riêng bà Đặng Ngọc Lan vẫn chưa thể thực hiện triệt thoái vốn và hiện vẫn còn nắm giữ 14.970.000 cổ phần Vietbank, chiếm tỷ lệ 4,608%.

Bà Đặng Ngọc Lan đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng
Bà Đặng Ngọc Lan đã có nhiều năm gắn bó với Vietbank (Nguồn: BCTN Vietbank năm 2017)

Bên cạnh việc thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh với bà Đặng Ngọc Lan, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần này, các cổ đông Vietbank cũng thông qua nhiều chính sách quan trọng về quản trị, kiểm soát, điều hành và cơ cấu tổ chức bộ máy.

Theo chia sẻ của ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietbank, giai đoạn 2018 - 2020 ngân hàng này có nhiệm vụ phải thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của Vietbank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua và HĐQT Vietbank đã phê duyệt. Bên cạnh đó, Vietbank cũng phải hoàn thành kế hoạch, chiến lược 5 năm (2016 - 2020) và tầm nhìn đến năm 2022.

Ngoài ra, Vietbank cũng phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng quy mô, vốn điều lệ và các chỉ tiêu tài chính, nhiệm vụ về nâng cao năng lực quản trị, điều hành và tính minh bạch trong hoạt động trong năm 2019.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2018, Vietbank ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 319,88 tỷ đồng, tăng trưởng 21,88% so với năm 2017.

Đóng góp nhiều vào đà tăng trưởng chung là thu nhập lãi thuần (+103,45%) và thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư (+55,56%). Ở chiều hướng ngược lại, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này cũng gia tăng đáng kể.

Tính đến ngày 31/12/2018, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 51.714 tỷ đồng, tăng 10.179 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị các khoản cho vay khách hàng tăng trưởng 23,59%, đạt mức 35.186,8 tỷ đồng.Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,24%./.