Việt Nam sẽ tấn công “phẫu thuật” với “thú mỏ vịt” Su-34

VietTimes -- Từ ngày 30.09.2015 Nga bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ở Syria, tham gia chiến dịch này có các máy bay ném bom Su – 24, cường kích chiến trường Su-25 và máy bay ném bom chiến trường Su – 34. Hiệu quả tác chiến của máy bay Su-34 gây ấn tượng mạnh với giới quân sự thế giới.
Việt Nam sẽ tấn công “phẫu thuật” với “thú mỏ vịt” Su-34

The National Interest cho rằng có rất nhiều nước sẽ muốn sở hữu Su-34, Algeria sẽ là nước đầu tiên mua loại máy bay này, và nhiều nước khác cũng muốn sở hữu loai vũ khí tác chiến đường không hiệu quả của Nga "- tác giả bài viết Dave Majumdar nhận xét.

Tháng 10. 2016, Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới Igor Korotchenko nhận định rằng vai trò của máy bay ném bom Su-34 FSI trong chiến dịch chống IS ở Syria làm tăng sự quan tâm của khách hàng nước ngoài - những khách hàng tiềm năng của Sukhoi sẽ là Việt Nam, Algeria, Iraq.

Su - 34 Nga chiến đấu chống khủng bố ở Syria

Trong lực lượng không quân Việt Nam, lực lượng đóng vai trò tấn công chủ lực trên không là các loại máy bay Su-27, Su 30MKI. Đó là những tiêm kích đa năng có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, không chiến đa tầm và tấn công mặt đất.

Trong những năm 90-x của thế kỷ trước, Việt Nam nhận rõ những nguy cơ đe dọa chủ quyền và an ninh biển, nhưng do điều kiện kinh tế không thể có kinh phí để mua những máy bay ném bom hiện đại, không quân Việt Nam đã trang bị một số lượng lớn các máy bay ném bom Su – 22M4 và Su-22M3K đánh biển.

Su-22M4 hiện là một trong những máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam,  biên chế cho cả 3 sư đoàn không quân 370, 371 và 372. Hầu hết các máy bay Su-22M4 đều do Liên Xô viện trợ từ những năm 1980 và nhóm máy bay Su-22M3K mua từ các nước Đông Âu sau năm 1990.  Khoảng 145 Su-22M4

Biến thể Su-22M4 đã nâng cấp hệ thống điện tử gồm: hệ thống dẫn đường RSDN, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống đo khoảng cách bằng lade, radar cảnh báo SPO-15LE.

Vận tốc cực đại: 1400 km/h trên biển và 1860 km/h trên độ cao lớn

Bán kính chiến đấu: 360 km (bay thấp) - 630 km (bay cao) khi mang 2.200 kg vũ khí.

Trần bay: 14.200 m, Vận tốc leo cao: 230 m/s

Vũ khí: 2 khẩu pháo hàng không 30 mm NR-30, 80 viên mỗi súng; 2 giá treo dưới cánh mang tên lửa không đối không R-60 (AA-8 'Aphid'); 10 giá treo cứng mang được 4.250 kg  vũ khí gồm bom, ống phóng rocket, bom napalm hoặc nhiệt áp. Có thể mang tên lửa dẫn đường điện tử/quang học Kh-23 (AS-7 'Kerry'), Kh-25 (AS-10 'Karen'), Kh-29 (AS-14 'Kedge'), và Kh-58 (AS-11 'Kilter'); bom điều khiển laser.

Trong tình huống được cải tiến như lắp đặt thiết bị SVP-24, đã sử dụng ở Syria, máy bay có thể ném bom với độ chính xác cao.

Để bảo vệ các đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, Su-22 M3K, Su-22M4 có điểm yếu rõ rệt, đó là bán kích chiến đấu nhỏ, nếu tính từ sân bay Thanh Sơn của Trung đoàn không quân 937 có khoảng cách đến quần đào Trường Sa là 600 km. Máy bay chỉ có thể bay đến tấn công rồi quay về, không thể cơ động, không chiến hoặc tiến hành tấn công nhiều lần.

Trong điều kiện thiếu thiết bị ném bom thông minh SVP-24, máy bay buộc phải thực hiện ném bom bằng kính ngắm thông thường, đây là giai đoạn dễ bị tên lửa MANPAD tiêu diệt. Thời gian gần đây một chiếc Su-22M của Syria đã bị MANPAD của Trung Quốc FN-6 tiêu diệt.

Su – 22M không thể bay tuần biển quanh khu vực Trường Sa do bán kính hoạt động không xa và máy bay đã lỗi thời.

Như vậy, trong trường hợp tốt nhất, máy bay Su -22M chỉ có thể sử dụng như một máy bay ném bom đơn thuần trong một trận đánh trên đất liền hoặc trên biển trong đội hình Không – Hải liên kết phối hợp.

Điều kiện chiến trường Biển Đông

Trong tình huống gia tăng căng thẳng biển Đông, Việt Nam cần theo dõi thường xuyên tình hình cơ động di chuyển của các lực lượng Hải quân nước ngoài và sẵn sàng tấn công chính xác (phẫu thuật ngoại khoa) trong điều kiện cần thiết để ngăn chặn nguy cơ đánh chiếm đảo của đối thủ tiềm năng.

Đảo Đá Nam
Đảo Đá Nam
Nhà giàn DK1
Nhà giàn DK1

Các cuộc tấn công có thể diễn ra bất ngờ không theo bất cứ một kịch bản nào. Trong đó có cả tình huống kẻ thù bí mật bất ngờ sử dụng các phương tiện như tàu ngầm, tàu đổ bộ ngụy trang vận tải, xuồng tên lửa cao tốc, lực lượng đặc nhiệm lính thủy đánh bộ bất ngờ tập kích tấn công các đảo, trong đó đặc biệt là cao đảo chìm do quân số ít, căn cứ là những nhà giàn trên biển hoặc các công trình xây dựng nhỏ, vũ khí trang bị thông thường hạng nhẹ.

Một kịch bản có thể diễn ra như sau: Để tấn công một đảo nhỏ, đảo chìm, đối phương sử dụng tàu ngầm đổ bộ một lực lượng lính thủy đánh bộ tiếp cận sát đảo mở đường qua tuyến phòng thủ đảo. Lực lượng đặc nhiệm trên tàu cá ngụy trang tiến đến sát đảo và đe dọa sẽ tiến công lên đảo dưới các hình thức khiêu kích, buộc lực lượng phòng ngự phải đánh trả. Đối phương sẽ sử dụng tên lửa hành trình dưới hình thức “vừa ăn cướp vừa la làng - bảo vệ thường dân” tấn công đảo.

Lực lượng đặc nhiệm trên tàu cá và từ tàu ngầm qua cửa mở đánh chiếm đảo. Các tàu vận tải trá hình, tàu cao tốc mang tên lửa, hải giám, hải cảnh sẽ nhanh chóng phong tỏa đảo và sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực.

Sự kiện lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông cũng là một tình huống cần phải tính đến. Trong điều kiện hiện nay, khi Trung Quốc đã có thể đưa được các phương tiện phòng không như HQ-9 ra đảo nhân tạo, các máy bay chiến đấu như J-11B, J-15 có thể hạ cánh trên các sân bay của đảo Đá Chữ Thập, nguy cơ hình thành vùng ADIZ trên không gian biển Đông dễ dàng và nhanh chóng biến thành khu vực cấm bay hoặc những sự cố “va chạm không chủ ý” dẫn đến một cuộc chiến tranh cường độ thấp mà kết quả cuối cùng là đánh chiếm một vài đảo nhỏ hoặc rạn đá ngầm.

Trong những kịch bản như vậy, rõ ràng Su-22M không đáp ứng được yêu cầu chiến dịch chiến thuật như ngăn chặn khả năng hình thành vùng ADIZ trên biển Đông hoặc phản kích đánh trả ngay tức khắc bằng hỏa lực không đối hải với độ chính xác cao. Các máy bay Su – 22M dễ dàng bị hỏa lực phòng không tầm trung và tầm gần của đối phương ngăn chặn.

Để bảo vệ biển đảo, không quân Việt Nam cần các máy bay ném bom mang tên lửa có hỏa lực mạnh, có khả năng bay tuần biển thường xuyên, có năng lực phòng vệ tốt và chiếm ưu thế tác chiến không – hải trên biển Đông.

Những ưu thế của Vịt con Su-34.

Là phiên bản phát triển sâu của Su- 27, Su – 34 có đẩy đủ các tính năng của chiếc tiêm kích siêu cơ động này. Ngoài ra, các nhà thiết kế đã trao cho Vịt con những năng lực kỹ chiến thuật rất phù hợp với nhiệm vụ máy bay ném bom chiến trường trên không gian rộng lớn.

Buồng lái đôi thoải mái của Su- 34

Su-34 buồng lái đôi có tiện nghi thoải mái cho các phi công thực hiện các nhiệm vụ bay dài. Hệ thống điều khiển hỏa lực và các thiết bị điện tử - vô tuyến tích hợp với một máy tính hiện đại cho phép ném bom với sai số là vài mét trong mọi thời tiết. Mang theo 8 tấn vũ khí các loại từ tên lửa đến bom, Su-34 có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trong một không gian rộng lớn. Radar Su-34 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 250 km, đồng thời bám đến 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Su-34 được trang bị hệ thống an toàn bay với với yếu tố là trí thông minh nhân tạo. Hệ thống này cho phép máy bay giữ được tính năng siêu cơ động, bay thấp với tốc độ cực đại là 1.400 km/h theo địa hình. Nhờ đó có thể bay thấp tránh radar trên mặt nước biển, ném bom với độ chính xác cao và chọc thủng hệ thống phòng không chiến hạm đối phương.

Mọi nhiệm vụ của Su-34 từ lúc lên kế hoạch nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và kết thúc nhiệm vụ được thực hiện trong 2 máy tính chính của máy bay. Tại tọa độ mục tiêu hay thời gian tấn công, hệ thống điều khiển tự động lập tức chuyển mạch để phi công điều khiển bằng tay và cung cấp không ảnh liên quan mục tiêu.

Các hoạt động tác chiến được truyền thông qua vệ tinh về trung tâm chỉ huy, cho phép sở chỉ huy có thể nắm được tình hình chiến trường và ra quyết định tiếp theo.

Su-34 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển hỏa lực hiện đại với radar W-141 mới, thiết bị quang ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu bề mặt.

Trên đầu cánh của tất cả máy bay Su-34 được lắp đặt tổ hợp tác chiến điện tử đa chức năng "Khibiny-10B" có thể gây nhiễu radar  phòng không đối phương, tăng cường thêm các thùng container tác chiến điện tử, Su – 34 có thể chế áp hoàn toàn các radar phòng không đối phương trên không gian bán cầu 500 km.

Su-34 được trang bị radar thứ cấp quan sát bán cầu phía sau, phát hiện các nguy cơ đe dọa và phản kích tiêu diệt kẻ thù đeo bám bằng cơ chế "bắn qua vai".

Nhờ bom và tên lửa có điều khiển Su-34 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất ở cự li 20– 50 km, nằm ngoài vùng nguy hiểm phòng không.

Hiệu suất bay của Su - 34: Vận tốc cực đại: Mach 1.8 trên trần bay thông dụng, Mach 1.2 trên độ cao sát mặt biển;  Tầm bay: 4.500 km  (tuần tiễu), 1130 km (chiến đấu);  Trần bay: 14.000 m.

1 pháo hàng không tự động 30 mm GSh-30-1, cơ số 180 viên đạn, 2 giá treo đầu cánh cho tên lửa không đối không R-73 (AA-11 Archer) hoặc tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny

10 giá treo dưới cánh và thân mang được 8.000 kg  tới 12.000 kg vũ khí, bao gồm vũ khí không đối không, không đối đất, không đối biển, tên lửa chống tàu, bom điều khiển laser và các loại vũ khí thông thường khác.

Khả năng mang các loại vũ khí của Su - 34

Su – 34 vô hiệu hóa ADIZ và bảo vệ đảo ở Trường Sa

Hiện nay, nhu cầu cấp thiết của Việt Nam là phải thường xuyên tuần tra không phận chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt quan trọng là vùng nước quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều nguy cơ xung đột hoặc khiêu khích.

Là chiến đấu cơ đa nhiệm tấn công bề mặt, với những tình năng kỹ chiến thuật ưu việt, Su-34 có thể thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các loại máy bay khác như tuần biển chống ngầm, trinh sát không người lái thực hiện nhiệm vụ liên tục thường xuyên tuần tra sẵn sàng chiến đấu trên không phận vùng nước biển Đông.

Khả năng bay tuần tra thời gian dài cho phép Su – 34 có thể giải quyết các tình huống nóng như đã nêu trên.

Giả thiết Việt Nam sở hữu Su-34, với nhiệm vụ chủ chốt là bảo vệ vùng nước, vùng trời Trường Sa, những chiến đấu cơ hiện đại này có thể được biên chế vào sư đoàn không quân 370, trung đoàn  937, căn cứ đóng tại sân bay Thành Sơn. Từ đây, khoảng cách đến điểm phía đông của Trường Sa là 800 km. Khoảng cách gần nhất để tiếp cận điểm nóng hiện nay trên biển Đông.

 
Việt Nam sẽ tấn công “phẫu thuật” với “thú mỏ vịt” Su-34 ảnh 8

Trong khi Trung Quốc chưa thành lập vùng ADIZ trên biển Đông, các hoạt động tuần tra liên tục trên biển Đông sẽ trở thành những động thái khẳng định chủ quyền, trong tình huống Bắc Kinh liều lĩnh tuyên bố ADIZ biển Đông, hoạt động của Su -34 sẽ khiến ADIZ trở lên vô hiệu do:

 Su – 34 có khả năng loại trừ một cuộc tấn công bất ngờ “khiêu khích” từ phía sau để trở thành một xung đột không chủ ý.

Trong tình huống bị tấn công bằng tên lửa phòng không, từ độ cao tuần tiễu sử dụng thiết bị tác chiến điện tử và phòng vệ, Su – 34 có thể tránh được đòn khiêu khích và đáp trả xứng đáng nhờ trang thiết bị EW vô hiệu hóa radar phòng không và vũ khí tấn công bề mặt.

Những tính năng chiến thuật trên khiến hệ thống phòng không trên đảo không thể tấn công máy bay tuần biển Việt Nam do có nguy cơ bị tiêu diệt, đồng nghĩa với việc ADIZ vô hiệu.

Trong tình huống cực đoan hơn, ví dụ như ý đồ tấn công đánh chiếm đảo nhỏ, đảo chìm như kịch bản nêu trên, giả thiết trong thời điểm tuần tiễu trên biển, với tốc độ cao, khả năng tấn công chính xác từ xa, khối lượng vũ khí đa dạng, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, Su – 34 sẽ sử dụng hỏa lực tầm xa tấn công chính xác các lực lượng đổ bộ lên đảo, tiêu diệt hoàn toàn binh lực đổ bộ ngay trên khu vực đổ bộ đến sát mép đảo và ngăn chặn cuộc đổ bộ tiếp theo, kéo dài thời gian để các lực lượng tác chiến đường không, đường biển có thời gian tiếp cận đảo và tấn công tiêu diệt binh lực đối phương.

Ngay cả trong tình huống sẵn sàng chiến đấu trên sân bay, khi có tín hiệu báo động từ máy bay trinh sát hoặc từ đảo, với tốc độ cao và khả năng bay thấp, Su – 34 vẫn có thể tiếp cận mục tiêu bất ngờ trong thời gian ngắn nhất, thực hiện nhiệm vụ yểm  trợ và tấn công hỏa lực bảo vệ đảo.

Với kịch bản một cuộc xung đột cường độ cao. Su – 34 cùng với lực lượng Su – 22M3K tạo thành lực lượng tập kích đường không mạnh xuất phát từ Thanh Sơn, phối hợp với lực lượng Hải quân giải quyết chiến trường.

Ngoài ra, với hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến Khibiny, Su-34 có thể vô hiệu hóa khả năng phòng thủ tên lửa trên đảo nhân tạo. Điều đó khiến “Vạn lý trường thành cát” không còn là tiền đồn đối với các tên lửa đạn đạo, được coi là lỗi thời của Việt Nam như Scud – A/B/C

Từ những lý luận đã nêu cho thấy: Su – 34 sẽ là phương tiện tác chiến hiệu quả nhất trong thế trận Không – Hải của Việt Nam, với sự tham gia của tiêm kích đa nhiệm Su – 30 MKI, Su – 27 tác chiến đường không, Su – 22M tấn công mặt nước tạo lên một đội hình tác chiến có sức đột phá mạnh trên biển.

Hơn thế nữa, Su- 34 có thể giải quyết những bài toán bảo vệ chủ quyền phức tạp như: yêu cầu thường xuyên liên tục tuần tra sẵn sàng chiến đấu trên biển; nguy cơ ADIZ; mối đe dọa đối với các đảo nhỏ, đảo chìm . Sự hiện diện của Su – 34 buộc các chiến lược gia diều hâu phải suy nghĩ rất kỹ nếu muốn có những hành động khiêu khích trên biển Đông.