Quyết định của Washington được cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang xác nhận hôm 23/5.
Giáo sư Vũ Hồng Lâm từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii nhận định rằng việc dỡ bỏ đó “cho thấy niềm tin giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng lên rất nhiều”, và “giải tỏa nhiều những khúc mắc, nghi ngờ từ phía Việt Nam”. Ông Lâm cho biết thêm:
“Để tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam, và đối phó với nguy cơ ở biển Đông thì Việt Nam cần rất nhiều loại vũ khí, trong đó đặc biệt là các loại vũ khí để trinh sát khu vực biển này. Một trong số vũ khí đó là máy bay trinh sát, kể cả máy bay không người lái rồi thì những khí tài để cảnh giới từ xa, rồi radar, tên lửa, vũ khí chống tàu ngầm rồi tàu chiến. Thế nhưng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này tôi nghĩ rằng sẽ không ngay lập tức khiến cho Việt Nam mua nhiều vũ khí từ phía Mỹ"
Theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam mua vũ khí đối phó với nguy cơ ở Biển Đông phải theo chiến lược “bất đối xứng”, nhắm vào điểm yếu của kẻ địch, cũng như phải cân nhắc tới giá cả.
Ông Lâm cũng cho rằng Việt Nam hiện mua các loại khí tài từ nhiều nước không phải là Mỹ như Nga, Israel và một số nước châu Âu mà “giá cả không đắt quá”.
Chuyên gia gốc Việt này phản bác nhận định của một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí dẫn tới một cuộc tranh đua vũ trang trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. “Trong các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, không ai có thể chạy đua vũ trang với Trung Quốc được cả", ông Lâm nói.
Còn tiến sỹ Vũ Tường, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam ở Đại học Oregon, nhận định với rằng Mỹ “có nhu cầu chiến lược để dỡ bỏ vũ khí cho Việt Nam”. Ông nhận định về khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí gì từ Mỹ:
“Việt Nam có nhu cầu các thiết bị hàng hải, và những thiết bị trinh sát từ xa để sử dụng trên biển. Nhưng tôi nghĩ chắc còn lâu Việt Nam mới mua được những thứ đó vì chúng không phải dễ sử dụng mà chúng đòi hỏi sự đồng bộ và tương thích với các thiết bị khác. Hiện Việt Nam chưa tiết lộ sẽ mua vũ khí gì từ Mỹ, nhưng giới chức quân sự cấp cao của Mỹ từng được báo chí dẫn lời nói rằng hai quốc gia đang bàn thảo về “các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo” và “có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà Việt Nam chưa có".
Máy bay chiến đấu thế hệ mới, tên lửa đất đối không, radar phòng không, tàu ngầm, ngư lôi là những thiết bị quân sự Hà Nội mua của nhiều nước gần đây, đưa Việt Nam nằm trong top các quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất trên thế giới từ năm 2011 tới năm 2015.
Số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế (SIPRI) ở Stockholm, Thụy Điển, cho thấy, 43 trong số 50 tên lửa Klub chống hạm Việt Nam đặt mua của Nga đã được bàn giao từ năm 2013 tới năm 2015. Các tên lửa này được trang bị cho các tàu hộ vệ Gepard và tàu hộ tống Tarantul mà Hà Nội cũng mua của Moscow. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được Nga bàn giao các hệ thống phòng không tối tân.