Việt Nam giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu phòng vệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS - Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide sang Việt Nam, chuyến đi nước ngoài đầu tiên khi ông nhậm chức Thủ tướng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với ông Lưu Anh Tuấn - chuyên viên Đối ngoại của VOV5, một chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản.
Ông Lưu Anh Tuấn - chuyên viên Đối ngoại của VOV5
Ông Lưu Anh Tuấn - chuyên viên Đối ngoại của VOV5

Tại sao ông Suga lại chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm, khi vừa nhậm chức Thủ tướng?

- Có thể nói ngay là vì Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Từ Việt Nam, Tokyo tìm thấy nhiều lợi ích trên các phương diện chính trị, kinh tế, an ninh – quốc phòng…

Về chính trị, có thể thấy Việt Nam, với chính sách “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không bao giờ nhắc lại hoặc lợi dụng các vấn đề quá khứ như tội ác của phát-xít Nhật trong chiến tranh, nạn đói năm Ất Dậu… để chỉ trích hay đặt điều kiện với Nhật Bản. Lãnh đạo hai nước có mối quan hệ nồng ấm có thể nói là ở mức độ thân hữu.

Về kinh tế, Việt Nam là cây cầu nối Nhật Bản với các đối tác trong và ngoài khu vực. Việt Nam, với lợi thế về dân số trẻ, địa lý, tâm lý tiêu dùng của người dân… cũng là điểm đến mà các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng nhiều lợi ích.

Về an ninh – quốc phòng, không cần phân tích nhiều cũng có thế thấy lợi thế của Việt Nam về địa lý tự nhiên, địa-kinh tế, địa-chính trị, biển đảo …. Những lợi thế này góp phần giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu phòng vệ của mình.

Ngày 16/10/2020, trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản, một quan chức của Bộ trên cho biết có 2 lý do khiến Thủ tướng nước này, ông Suga Yoshihide, chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.

Trước hết, đó là vì quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.

Nhật Bản hy vọng chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; tăng cường hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề khu vực; và phát triển quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước.

Nhật Bản đang có xu hướng chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Nhưng liệu có giống như 12 năm về trước, khi ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển, họ sẽ sang Thái Lan, Malaysia hoặc Indonesia, thay vì Việt Nam?

- Chắc chắn Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các doanh ngiệp Nhật Bản. Những gì diễn ra trên thực tế đã chứng minh điều này. Cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố danh sách phê duyệt 30 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia chương trình “Hỗ trợ quá trình đa nguyên hóa chuỗi cung ứng ngoài nước” mà Chính phủ nước này đang triển khai nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong đó có tới 15 doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Tức là số doanh nghiệp muốn vào Việt Nam chiếm tới một nửa. Nửa còn lại sẽ chuyển vào Philippines, Myanmar, Malaysia và Indonesia. Đây cũng là những con số biết nói, chỉ ra mức độ quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam.

Lý do thì có nhiều, nhưng tựu chung là do mối thiện cảm và sự tin cậy đối với chính sách, môi trường kinh doanh v.v… của Việt Nam, và những lợi thế về địa lý tự nhiên cũng như địa-kinh tế mà chúng ta đang có.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là không có vấn đề tồn tại. Mời gọi được nhà đầu tư Nhật Bản đã khó, nhưng giữ được họ lại càng khó hơn. Để níu chân được doanh nghiệp Nhật Bản chúng ta cần tiếp tục nâng cao độ minh bạch của chính sách, chống tham nhũng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và tất nhiên, như anh đã nói, phải nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chính sách kinh tế Suganomics khác với Abenomics như thế nào, thưa ông?

- Xin nhắc lại một chút về Abenomics để quý vị dễ hình dung. Đây là chính sách tập trung vào một số vấn đề mang tính vĩ mô. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản dựa trên “ba mũi tên”, tập trung vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Abenomics đã có hiệu quả, đặc biệt là trên hai lĩnh vực: cải thiện giá cổ phiếu, và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản.

Về Suganomics, có ý kiến cho rằng đây là phiên bản nâng cấp của Abenomics. vì ông Suga cam kết sẽ tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm. Nhưng, cá nhân tôi không đồng ý với nhận định này.

Trên thực tế, Thủ tướng Suga chủ trương thay đổi chính sách từ “vĩ mô sang vi mô”. Tức là, chuyển từ những chính sách kinh tế vĩ mô của Abenomics sang tập trung vào những vấn đề kinh tế vi mô song song với việc cải cách thể chế.

Nhật Bản cũng đang phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, đó là vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Nhưng phục hồi kinh tế theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thích nghi với tình trạng mới. Tức là phải nhanh chóng xử lý, thích nghi với một sự thay đổi lớn của cơ cấu kinh tế xã hội trong thời hậu Covid.

Theo đó, để kết nối kỹ thuật số phục vụ tăng trưởng trong trung và dài hạn thì việc cải thiện chất và lượng của đầu tư cho công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chính phủ của Thủ tướng Suga cũng đã bắt đầu triển khai nhiều chính sách theo hướng này, trong đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cũng được coi là một trong những trụ cột của Suganomics.

Một trụ cột khác là tập trung cho kinh tế của các địa phương. Nhìn từ những góc độ nêu trên sẽ thấy sự khác biệt lớn giữa Suganomics và Abenomics.

Liệu hai Thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam sẽ bàn và ký kết những gì trong chuyến đi lần này?

- Đây là câu hỏi khó. Vì hai Thủ tướng dự định bàn bạc gì, đến giờ phút này vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ ngoại giao Nhật Bản, đến Việt Nam, ông Suga dự kiến sẽ có các cuộc tiếp kiến với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu trước các sinh viên của Đại học Việt-Nhật và tham gia một số hoạt động khác.

Thủ tướng Suga dự định đưa ra cam kết về việc Tokyo sẽ đi đầu trong việc đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, cũng sẽ khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản đối với “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIP). Mới đây nhất, vào ngày 12/10 vừa qua, hai Thủ tướng đã tiến hành điện đàm.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ nỗ lực đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và nhất trí về một số vấn đề cụ thể như: hợp tác tại Hội nghị thượng định ASEAN do Việt Nam là Chủ tịch, tăng cường ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, tăng cường quan hệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xử lý các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên bao gồm cả vấn đề người Nhật bị bắt cóc…

Theo đó, có thể dự đoán là sẽ có một tuyên bố chung, cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành của hai nước được ký kết dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng. Những văn bản này có khả năng sẽ kích hoạt một giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Nhật.

Hiện tượng lao động Việt Nam bỏ trốn tại các nước Đông Bắc Á ngày càng tăng. Liệu Nhật Bản có áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt hơn với lao động Việt Nam không? Liệu tình trạng lao động mất việc ở Nhật Bản do COVID-19 có ảnh hưởng tới việc tiếp nhận lao động Việt Nam?

- Về các biện pháp nghiêm ngặt hơn với lao động Việt Nam, cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa áp dụng. Tuy nhiên, nếu tình hình không được cải thiện, chắc chắn sẽ có những chế tài mang tính răn đe cao hơn thậm chí là nghiêm khắc. Vì như chúng ta đã biết Nhật Bản là nước pháp trị và tinh thần “thượng tôn pháp luật” không phải là lời nói suông.

Thực tế cho thấy, cho đến nay Nhật Bản đã nhiều lần siết chặt các quy định liên quan đến tiếp nhận lưu học sinh và lao động Việt Nam về nhiều mặt như: kiểm soát bằng cấp để tránh bằng giả, áp dụng quy chế xác minh khả năng tài chính nghiêm ngặt, yêu cầu các cơ sở phái cử - tiếp nhận lưu học sinh và lao động Việt Nam cam kết quản lý chặt chẽ nhân sự v.v… Cá nhân tôi cũng đã viết nhiều bài báo cảnh báo về vấn đề này.

Hy vọng những người mong muốn đi du học và làm việc tại Nhật Bản ý thức rõ ràng rằng vai trò, trách nhiệm của mình khi “đem chuông đi đánh xứ người” không chỉ đơn giản là vì mục tiêu cá nhân mà còn là “đại sứ nhân dân” giúp người Nhật hiểu hơn, yêu hơn đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, tránh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam, và ảnh hướng đế quan hệ tốt đẹp của hai nước.

Còn về câu hỏi Liệu do COVID-19 mà lao động mất việc ở Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tới việc nhận lao động Việt Nam?, theo tôi là cũng có, nhưng không nhiều. Bởi, lao động Việt Nam phái cử sang Nhật bản sẽ đảm nhận những công việc mà người Nhật ít quan tâm hơn.

Tình hình tiếp nhận điều dưỡng viên của Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

- Phải khẳng định rằng tình hình rất tốt. Điều dưỡng viên Việt Nam được đánh giá rất cao do sự tận tụy với trách nhiệm, thái độ thân thiện với bệnh nhân, người cao tuổi tại các viện dưỡng lão, kỹ năng làm việc tốt….

Về năng lực của điều dưỡng viên Việt Nam, xin nếu một ví dụ: tỷ lệ người Việt Nam thi đỗ tại các cuộc thi tuyển chọn điều dưỡng viên sang Nhật Bản luôn đứng đầu và vượt xa hai đối tác truyền thống khác của Nhật Bản trong lĩnh vực này là Indonesia và Philippines. Tỷ lệ của Việt Nam là 87,7% trong khi Indonesia là 33,1% và Philipine là 40,3%.

Đặc biệt họ chấp nhận mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp Nhật Bản và một số nước khác với cường độ lao động không hề kém, nếu như không nói là cao hơn mà không hề kêu ca, phàn nàn. Báo chí Nhật Bản cũng nhiều lần ca ngợi những tấm gương điều dưỡng viên Việt Nam. Theo đó, việc phái cử điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản sẽ duy trì một triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Xin cám ơn ông.

Ông Lưu Anh Tuấn

Bút danh: Tuấn Nhật

Ngày sinh: 2/9/1967

Nơi sinh: Hà Nội

Nơi ở hiện tại: Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Đại học

Ngoại ngữ: Nga, Anh và Nhật (từng học tại Nga, Úc và Nhật)

Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Đơn vị công tác: Ban Đối ngoại – Đài TNVN (VOV5), chuyên viên Đối ngoại VOV5

Quá trình công tác:

- Vào VOV từ năm 1994

- Giai đoạn 2003~2007 được cử đi mở cơ quan thường trú của VOV tại Tokyo (Nhật Bản) với tư cách là Đại diện trưởng đầu tiên.

- Từ 2007 đến nay (9/2020) tiếp tục làm việc tại VOV5 phụ trách khu vực Đông Bắc Á.

Cộng tác với một số cơ quan báo chí như: VTV4, Sài Gòn Tiếp thị, Tuần Việt Nam…. với bút danh Tuấn Nhật.