Việt Nam cần làm gì để hưởng lợi trong quan hệ với Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
"Mỹ vốn chỉ coi trọng tự do hàng hải nay đã phê phán những hành vi trái với luật pháp quốc tế, như "đường lưỡi bò", cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chia sẻ với VietTimes.
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Nhà báo Huỳnh Phan: Câu chuyện giữa Mỹ và Cuba có vẻ hơi khó hiểu dưới thời Tổng thống Trump. Rõ ràng Cuba đã có những bước tiến về chính trị, ví dụ như Raul Castro đã cải cách Hiến pháp năm 2019, thu hẹp quyền lực của mình, chỉ giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản, còn nhường chức Chủ tịch nước cho Miguel Díaz–Canel Bermúdez. Trong khi đó Tổng thống Trump lại có những bước lùi, so với thời Tổng thống Obama, người đã có quyết định dũng cảm bình thường hóa quan hệ với Cuba?

ĐS Phạm Quang Vinh: Đây vốn là một câu chuyện khó. Obama đã có một quyết định có thể gọi là rất dũng cảm vào cuối nhiệm kỳ về khôi phục lại quan hệ với Cuba. Ông Donald Trump lên, không phải cắt đứt mối quan hệ, nhưng khôi phục lại lệnh cấm vận. Cho nên, sứ quán Cuba ở Washington D.C vẫn còn đó, nhưng lệnh cấm vận vẫn được duy trì.

Sắp tới ông Joe Biden nắm quyền, ông không chỉ phải đảo ngược các bước đi của ông Trump, mà thêm nữa, qua một cuộc bầu cử, cũng sẽ phải kiểm tra lại xem dư luận, cử tri họ ứng xử như thế nào với Cuba.

Tôi nghĩ rằng là sẽ không sớm cải thiện được ngay mối quan hệ này, nhưng cách tiếp cận của ông Joe Biden sẽ song trùng với Obama của thời kỳ trước. Ông sẽ tìm cách gỡ và cải thiện mối quan hệ. Nếu làm được, đây sẽ là một trong những điểm sáng trong thời kỳ Biden.

Và, như chúng ta đã thấy, Cuba cũng đã và đang đổi mới. Với cách tiếp cận của ông Obama trước đây hay ông Biden bây giờ - muốn thông qua hợp tác, can dự để Cuba đổi mới - đã đạt được hiệu quả. Và thời gian qua, Cuba cũng thay đổi rất nhiều.

Chủ tịch ĐCS và Chủ tịch HĐNN Cuba Raul Castro tiếp Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: AP)

Chủ tịch ĐCS và Chủ tịch HĐNN Cuba Raul Castro tiếp Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: AP)

Vậy còn trong quan hệ với ASEAN thì sao? Thời ông Trump, sự kiên quyết của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc đã khiến cho quan điểm của một số nước ASEAN trở nên cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.

Ví dụ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nêu phán quyết của PCA (Tòa Trọng tài Thường trực) vào năm 2016 lên Liên Hợp Quốc cuối tháng 9/2020.

ĐS Phạm Quang Vinh: ASEAN, với tư cách là một tổ chức khu vực, rất quan trọng ở đây, và nước Mỹ không thể không coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay là Ấn Độ Dương. Hơn nữa, nước Mỹ lại cần đối tác, đồng minh khi đang phải cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, với riêng cá nhân ông Joe Biden, với cách tiếp cận đa phương, chắc chắn ASEAN sẽ tiếp tục được coi trọng.

Nhưng nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên của ông Joe Biden sẽ phải tập trung cho đối nội nhiều hơn. Cho nên, về chiến lược, chắc chắn sẽ là coi trọng châu Á – Thái Bình Dương, nhưng để đưa chiến lược đi vào thực tế và hành động cụ thể như thế nào chắc còn là vấn đề.

Trước đây ông Donald Trump coi trọng quan hệ song phương nhiều hơn, và ông cũng đã có cách riêng gắn kết với các đối tác. Nhưng, dường như chiến lược khu vực thời của ông, mọi thứ thường đều được soi dưới góc độ cạnh tranh với Trung Quốc.

Thời ông Trump, sự kiểm soát của Hải quân Mỹ với những vùng tự do đi lại đã được tăng cường. Điều này có được duy trì trong thời của Biden?

ĐS Phạm Quang Vinh: Biển Đông quan trọng, với nước Mỹ, có hai lợi ích căn bản, mà không bao giờ họ từ bỏ.

Thứ nhất, liên quan đến tự do hàng hải. Đây là một khu vực địa-chiến lược, và địa-kinh tế rất quan trọng. Tự do hàng hải ở đây bao gồm tự do thương mại lẫn an ninh quân sự, nhất là trên những vùng biển quốc tế được luật pháp quốc tế công nhận.

Thứ hai là duy trì một trật tự ở Biển Đông mà Mỹ có vai trò, nằm chung trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Từ đó, Mỹ duy trì được lợi ích và vai trò toàn cầu của mình.

Trước việc Trung Quốc vươn lên, thì Mỹ càng coi trọng và tiến hành những hoạt động liên quan tới bảo đảm tự do hàng hải. Họ đã làm nhiều từ thời Obama. Đến thời Donald Trump, những hoạt động đó thậm chí được tiến hành thường xuyên hơn. Còn với ông Joe Biden, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đã khác đi, cạnh tranh nhiều hơn, chắc rằng việc này sẽ vẫn được tiếp tục.

Vấn đề đặt ra là, nước Mỹ sắp tới có kế thừa những phát triển mới từ thời ông Obama qua thời ông Trump hay không. Trước đây ông Obama nhấn nhiều hơn khía cạnh tự do hàng hải. Còn ông Trump lại có ý thêm rằng, không chỉ tự do hàng hải, mà còn phải kiềm chế những hành vi quá mức của Trung Quốc. Vậy liệu ông Biden có tiếp thu cách tiếp cận này không?

Nhân nói câu chuyện Biển Đông, chúng ta không thể không nhắc tới một số chuyển biến mới về quốc tế và dư luận trong 3- 4 năm qua.

Một là về quan điểm của Mỹ. Trước hết, khu vực Biển Đông được nước Mỹ đặt trong chiến lược chung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với mấy trụ cột, trong đó các nước đều được tự do bình quyền, không bị ai lấn lướt, và một khu vực dựa trên luật lệ. Nhất là về vấn đề không ai bị lấn lướt, chúng ta hiểu ngay là ai muốn lấn lướt những nước khác rồi. Dựa trên quan điểm đó, ông Trump làm rất mạnh.

Tiếp đó, về Biển Đông, lập trường của Mỹ dường như đã được nâng thêm một nấc, dưới thời ông Trump, nhất là trong giai đoạn 2019-2020. Rõ nhất là qua những tuyên bố gần đây, đặc biệt là tuyên bố 13/7/2020. Nước Mỹ không chỉ nêu về tự do hàng hải, vai trò và lợi ích Mỹ, mà còn cụ thể hơn và ẩn chứa những điều mới.

Đáng chú ý: Mỹ phản đối một cách mạnh mẽ yêu sách phi lý của Trung Quốc về đường lưỡi bò. Lâu nay, Mỹ nói đứng trung lập trong các tranh chấp về biển, thì giờ bác bỏ những yêu sách biển phi lý, và vì vậy, tuyên bố này tạo ra sự khác biệt lớn trong quan điểm của Mỹ.

Mặt khác, cùng với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982, dù Mỹ chưa tham gia (như lâu nay), giờ đây, Mỹ còn ủng hộ rõ ràng và mạnh mẽ hơn Phán quyết 12/7/2016 của Toà Trọng tài Thường trực, mà điểm chính của Phán quyết là bác bỏ đường lưỡi bò. Đây là cái mới. Một điểm nữa, rất quan trọng, đó là Mỹ khẳng định ủng hộ những quyền kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển. Điểm này cũng rất khác.

Nếu so với trước đây, nước Mỹ chỉ coi trọng tự do hàng hải và nói không đứng về bên nào trong tranh chấp về yêu sách, thì những điểm trên thực sự là rất mới, soi rõ hơn về các hành vi quá mức, trái với luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đó là những thực tế mới mà ông Biden sẽ phải đối diện, sẽ phải lựa chọn và thừa kế, chứ không chỉ đơn giản là liệu có quyết định giữ hay không.

Thứ hai là sự quan tâm của quốc tế. Nếu nhìn lại từ đầu 2020 đến nay, một loạt các nước tập trung hơn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và về vấn đề Biển Đông. Họ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển, và muốn gắn kết nhiều hơn với khu vực này.

Đặc biệt là Liên minh châu Âu, có cả Anh, Pháp và Đức, cũng mạnh hơn trong lập trường về Biển Đông. Họ cũng đang có các chiến lược để tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thứ ba là có lúc chúng ta đã gọi chung là “cuộc chiến công hàm” về vấn đề Biển Đông của nhiều nước. Không chỉ từ các nước có tranh chấp yêu sách như Malaysia, Việt Nam, hay Philippines, mà còn có cả Indonesia, rồi lan ra nhiều nước ngoài khu vực, khiến cả Anh, Đức, cả khối EU, và Mỹ đều có công hàm.

Và trong những công hàm đó, có hai điểm chung, rất quan trọng, đó là: nhấn mạnh luật pháp quốc tế, công ước luật biển, một số nước nói thêm phán quyết của tòa án, và bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines đọc phán quyết của PCA cho Liên Hợp Quốc nghe. Ảnh AFP

Tổng thống Philippines đọc phán quyết của PCA cho Liên Hợp Quốc nghe. Ảnh AFP

Như vậy, những hành động kiên quyết của Mỹ đã được thế giới ủng hộ, thưa ông?

ĐS Phạm Quang Vinh: Phải nói là sự cộng hưởng của dư luận thế giới thì chính xác hơn. Đó là những phát triển mới của quốc tế. Và tôi nghĩ, riêng với Mỹ, chính quyền sắp tới sẽ vẫn phải tiếp tục cách tiếp cận này về vấn đề Biển Đông, vì nó có sự ủng hộ của hai đảng ở Mỹ.

Chuyển sang câu chuyện hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian sắp tới. Hiện nay Việt Nam mua vũ khí của Nga là chính, ngoài ra còn mua xe tăng, hay tên lửa của Israel. Liệu hợp tác quốc phòng với Mỹ có cho phép Việt Nam mua những vũ khí hiện đại của Mỹ, thay vì chỉ mua của Nga và Israel, mà người ta đồn rằng không có tính minh bạch?

ĐS Phạm Quang Vinh: Đã là đồn đại, thì không có bằng chứng xác thực thì cũng không nên bàn. Điều tôi muốn chia sẻ hơn ở đây là câu chuyện về chiến lược và kỹ thuật. Khi mua hay không vũ khí nào, đều liên quan đến nhu cầu phòng thủ, điều kiện kỹ thuật, và còn cả vấn đề kinh phí nữa.

Ví như câu chuyện của Ấn Độ. Vừa qua, Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược mở rộng quan hệ với Mỹ, bởi việc đó được đặt trong câu chuyện địa-chiến lược chung.

Nhưng riêng về mua vũ khí, Ấn Độ vốn dùng nhiều thứ của Nga, khi mua thêm của Mỹ, họ cũng phải xử lý nhiều vấn đề về tương đồng kỹ thuật, về chiến lược quốc phòng như thế nào. Đó là câu chuyện của họ, nhưng cũng là kinh nghiệm đối với chúng ta.

Về Việt Nam, cần phải nhấn mạnh về cái gốc, điều mà chúng ta luôn nhấn mạnh, đó là tự vệ, bảo vệ đất nước. Mua gì và như thế nào, cũng là để phục vụ nhiệm vụ đó, do chúng ta lựa chọn và quyết định. Đúng là hệ thống trang thiết bị của ta có nhiều của Liên xô trước đây và của Nga hiện nay, nhưng cũng có những những trang thiết bị chúng ta tự làm.

Trong quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, có quan hệ về quốc phòng chung, như về khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu hộ, an ninh hàng hải, tham gia các hoạt động hoà bình của LHQ, trao đổi đoàn.

Năm 2016, khi thăm Việt Nam, Tổng thống Obama công bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Đó là việc dỡ bỏ cái rào cản đã lỗi thời, của thời còn cấm vận, chưa bình thường hoá quan hệ. Còn việc có mua gì hay không, lại phụ thuộc vào nhu cầu và quyết định của Việt Nam. Đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể gì thêm, như có bàn gì, mua hay không mua vũ khí như thế nào, là điều tôi không biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 22/12/2020 (Ảnh: VNA)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 22/12/2020 (Ảnh: VNA)

Người ta nói rằng chỉ cần kéo các công ty dầu khí Mỹ vào Việt Nam là không lo chuyện Trung Quốc quấy phá ở vùng đặc quyền kinh tế, vì Mỹ luôn yểm trợ các công ty của họ. Theo ông, vì sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa ký hợp đồng chính thức với các công ty khai thác của Mỹ?

ĐS Phạm Quang Vinh: Ở đây, có hai câu chuyện cần nhấn mạnh. Một là, chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của mình. Hai là, chuyện về dầu khí, trong đó có hợp tác về dầu khí ngoài khơi, nằm trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam.

Hợp tác dầu khí trên biển, chúng ta có từ lâu rồi, và với nhiều nước, chứ không chỉ với các công ty của Mỹ. Đây là quyền và chủ quyền của Việt Nam.

Mỹ có các công ty dầu khí rất mạnh, cả về kỹ thuật và tiềm lực, chúng ta đã và rất cần tiếp tục tranh thủ. Nhưng khi nói về tạo thuận lợi, đó lại là mặt khác, là câu chuyện về kinh tế thương mại, lại phải tính các điều kiện hấp dẫn như thế nào.

Các công ty dầu khí, nói chung chứ không chỉ của Mỹ, thường nêu hai việc mà họ quan tâm. Một là làm sao có khung chính sách và khung pháp luật thuận lợi. Hai là, làm sao đơn giản hoá các thủ tục. Cái chính là họ phải thấy cũng có lợi và muốn làm ăn lâu dài.

Ví dụ, nếu họ đầu tư một dự án cả chục tỉ USD, trong khi dầu khí là ngành rủi ro và thời gian dự án sẽ kéo dài, nên họ muốn có một khung chính sách, bao gồm cả về thuế hay chia lợi nhuận, ổn định, có sự bảo trợ của chính phủ thế nào đó một khi quy định bị thay đổi.

Vùng biển là của chúng ta, đó là chủ quyền của Việt Nam, và theo luật pháp quốc tế. Còn về hợp tác dầu khí, lựa chọn và đáp ứng như thế nào, cũng chính là vì lợi ích của Việt Nam, không chỉ về kinh tế thương mại, mà còn là để phục vụ và thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của mình.

Như vậy, chúng ta cần tính toán cả hai góc độ này. Trong hợp tác về dầu khí, cần có những lời chào hàng hấp dẫn, đặc thù thế nào đó, để duy trì và mở rộng hợp tác ổn định và lâu dài.

Vừa rồi Mỹ có tố cáo Việt Nam lũng đoạn tiền tệ. Quan điểm của Đại sứ về vấn đề này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Về việc này, Chính phủ Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm của mình rồi. Thủ tướng ta, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, cũng đã nêu rõ về vấn đề này.

Tóm tắt có mấy điểm chính: Việt Nam không làm cái gọi là thao túng tiền tệ này, hay lợi dụng về thương mại không công bằng; điều hành tiền tệ của Việt Nam chỉ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; do có khác biệt, các cơ quan của Việt Nam và Mỹ đã và cần tiếp tục bàn và tháo gỡ.

Như vậy, cần phải tiếp tục bàn bạc, cập nhật và chia sẻ thông tin, để hai bên hiểu rõ nhau hơn, cùng tháo gỡ vấn đề. Phía Mỹ cũng cần lắng nghe, tiếp thu những chia sẻ của Việt Nam, tránh có những bước đi vội vã.

Quan trọng là, hai bên trong suốt thời gian qua, đã hợp tác rất tốt, cùng có lợi, Việt Nam cũng luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ, cái đà này cần được hai bên tiếp tục vun đắp. Đây là điều cần và có lợi cho cả hai bên.

Xe đạp nhập từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ dưới cái mác xuất xứ Việt Nam. (Ảnh: Báo Hải quan)

Xe đạp nhập từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ dưới cái mác xuất xứ Việt Nam. (Ảnh: Báo Hải quan)

Người ta bảo muốn làm ăn lâu dài với Mỹ thì nên làm ăn trung thực. Ví dụ rõ nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, một số mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ tăng đột biến về kim ngạch.

Quan chức phụ trách Cục Giám sát Hải quan đã khoanh vùng 15 mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất sứ như dệt may, máy vi tính, điện gia dụng, sắt thép, hay đồ gỗ…, do kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến, và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng đột biến.

Quan điểm của Đại sứ về việc tuân thủ luật pháp trong làm ăn với Mỹ về lâu dài?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ở đây có hai câu chuyện.

Một là làm ăn quốc tế, nhất định là phải trung thực và theo đúng thông lệ quốc tế. Với tất cả, chứ không chỉ với Mỹ; ai tôi không biết, chứ nước Mỹ họ soi ghê lắm, không phải chỉ cơ quan nhà nước, mà còn chính bởi các doanh nghiệp, các hiệp hội. Gian lận là cái rất tệ, sẽ dẫn đến các biện pháp phòng vệ nghiêm khắc, không chỉ bất lợi với người vi phạm, mà còn với các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác nữa.

Thứ hai là, quan điểm của chính phủ Việt Nam là kiên quyết chống các hành vi gian lận thương mại, trong đó có gian lận về xuất xứ hàng hoá. Do Mỹ-Trung đấu nhau về thương mại, cũng có hiện tượng doanh nghiệp móc ngoặc, gian lận.

Vì vậy, vừa qua, chúng ta đã thấy rõ chính phủ chúng ta hành động rất quyết liệt và nghiêm khắc. Với phía Mỹ, chúng ta cũng hợp tác chặt chẽ, trong đó có việc chia sẻ thông tin có liên quan, để ngăn chặn các hành vi gian lận.

Tựu trung lại, làm ăn theo luật lệ và tập quán quốc tế, có cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận, cũng chính là vì lợi ích phát triển của chính mình, nâng cao chất lượng của hội nhập và hệ số niềm tin của chính mình.

Cám ơn Đại sứ!