Joe Biden tiêm phòng Covid, và kêu goi người dân Mỹ noi gương ông - Ảnh Reuters |
Tổng thống Trump chưa nhận thua, nhưng kết quả khó đảo ngược
Nhà báo Huỳnh Phan: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa chịu nhận thua, vậy tại sao Việt Nam vẫn quyết định chúc mừng ứng cử viên Joe Biden, thưa ông?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Để quyết định chúc mừng Joe Biden tất nhiên có nhiều lý do.
Rất nhiều nước ở châu Âu đã chúc mừng từ sau hôm 7/11/2020. Một số nước khác dừng lại, bởi vì có sự tranh cãi về kết quả ở nước Mỹ.
Nhưng Việt Nam chỉ chúc mừng sau khi Tổng thống Donald Trump, ngày 23/11, cho phép cho Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) cung cấp tiền bạc và trang thiết bị cho hai đội chuyển giao làm việc với nhau. Tôi nghĩ như vậy.
Nhớ lại năm 2016, khi Hilary Clinton tuyên bố thua cuộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Trump, khi Barrack Obama vẫn đang là Tổng thống. Bố trí những cuộc gọi như vậy, khi người chưa lên làm Tổng thống chính thức, rất quan trọng.
Ngoài ra, quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm vừa rồi, và qua các thời kỳ khác nhau, dưới thời các tổng thống thuộc các đảng phái khác nhau, đều phát triển. Vì thế, Việt Nam vẫn giữ quan hệ với chính quyền hiện tại, đồng thời gửi đi một thông điệp là chính quyền nào lên chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển mối quan hệ đó, tiếp tục các cuộc tiếp xúc cấp cao, và tăng cường quan hệ giữa hai bên.
Đến 6/1/2021 liệu có điều gì bất ngờ xảy ra không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Về mặt nguyên tắc, các đại cử tri đã bỏ phiếu rồi, vào ngày 23/12, tại các bang với sự chứng thực của cơ quan công quyền của bang đó. Toàn bộ hồ sơ bỏ phiếu của các đại cử tri đến trước và trong ngày 23/12 sẽ được gửi về Quốc hội, và địa chỉ là Chủ tịch Thượng viện.
Ngày 3/1/2021, Quốc hội mới sẽ nhóm họp, và 6/1 họ sẽ kiểm lại phiếu, và công bố kết quả. Về lý thuyết và quy định của pháp luật, khi có hai đại biểu, một của Thượng viện và một của Hạ viện, chất vấn về kết quả bỏ phiếu bất kỳ ở một bang nào đó, lúc đó Quốc hội mới xem xét.
Nhưng cho đến nay, điều này rất hiếm xảy ra. Vào thế kỳ 19, sự kiện như vậy có xảy ra do số phiếu bầu quá lớn, và họ phải hủy đi một số phiếu. Nhưng với tình hình hiện tại, Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã có 50 trường hợp kiện, hay khiếu nại, bị bác ở các bang liên quan đến việc kiểm phiếu.
Tôi nghĩ sự chất vấn ở Quốc hội khó xảy ra, bởi vì đã có sự xem xét của tòa án cấp dưới. Nếu có, cũng chỉ nhỏ lẻ thôi, và việc đảo ngược quyết định là rất khó.
Còn việc bỏ phiếu, nếu có ở Quốc hội, cũng chưa rõ ràng. Hạ viện thuộc phe Dân chủ, còn Thượng viện tạm thời thuộc phe Cộng hòa với tỷ lệ sít sao là 50/48, còn 2 ghế ở bang Georgia đến 5/1/2021 mới biết rõ thuộc đảng nào.
Một điều chúng ta không thể không để ý là sau khi đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống, chính Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Trượng viện Mitch McConnell, TNS thuộc bang Kentucky, đã chúc mừng Biden.
Cử tri ủng hộ Trump (Ảnh: UNS) |
Theo như phân tích của ông, gần như Tổng thống Trump đã thua trong cuộc bầu cử lần này. Tại sao ông ta vẫn chưa nhận thua? Liệu với nhân thân là nhà kinh doanh, ông ta vẫn còn giấu đòn bất ngờ để tung ra phút chót?
Chằng hạn như việc làm ăn có vẻ không minh bạch của Hunter Biden, con trai Joe Biden, với phía Trung Quốc?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Những điều anh nêu đều là giả định. Bởi ai làm, người đó phải chịu về mặt cá nhân, luật pháp Mỹ quy định rất rõ. Hiện tại, ông Joe Biden có dính đến việc làm ăn của con trai mình hay không mới là vấn đề.
Những thông tin cho đến hiện tại cho thấy sự dính líu giữa hai bố con trong chuyện làm ăn của người con là không rõ ràng. Tôi nghĩ, nếu có, sẽ là câu chuyện về sau, chứ không phải trong chuyện công bố người thắng cử. Anh hãy nhớ lại cuộc luận tội của Đảng Dân chủ đối với Tổng thống Trump, trong việc liên kết với người Nga, mà họ cho là làm thay đổi kết quả bầu cử năm 2016.
Còn tôi, tôi hiểu rõ các chính trị gia lão luyện. Họ biết giữ mình!
Còn ý thứ hai anh nói về tính bất ngờ của Trump, với tư cách nhà kinh doanh, sẽ tung đòn cuối cùng, tôi hơi nghi ngờ về điều đó. Tôi nghĩ sự bất ngờ nằm ở việc ông Trump cho đến giờ vẫn chưa chấp nhận thua.
Chẳng ai biết được tại sao ông ta làm như vậy. Mọi người chỉ đoán già đoán non, trong khi gần 100 cuộc kiện cáo, khiếu nại ở các bang, nhất là các bang “chiến trường”, đã bị bác bỏ.
Theo ý kiến cá nhân tôi, có lẽ câu chuyện không chấp nhận thua của Tổng thống Trump vẫn nằm ở cái thuyết của ông ta là chống lại sự tha hóa của chính trị dòng chính thống. Và, từ khi ông ra tranh cử năm 2016, ông vẫn duy trì được hơn 70 triệu phiếu ủng hộ, tức là cuộc đấu tranh của ông ấy vẫn được duy trì và tiếp tục, thay vì chỉ là những kiện cáo ở bang nọ, hay bang kia.
Tức là ông Trump đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chưa hẳn. Nhưng chắc chắn rằng, nếu ông có rời khỏi Nhà Trắng vào ngày 20/1, ông vẫn ra đi với hơn 70 triệu cử tri ủng hộ. Nước Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với sự phân hóa chính trị.
Nhiệm vụ đoàn kết lại nước Mỹ là của ông Biden bởi vậy mà trở thành nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi hai bên khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề. Những thứ xuất hiện trong cuộc bầu cử này càng làm cho sự phân hóa thêm rõ rệt.
Thế nếu xảy ra bạo loạn vào ngày Quốc hội công bố chính thức kết quả bầu cử, liệu có khả năng Tổng thống Trump ra lệnh thiết quân luật để dẹp bạo loạn không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nước Mỹ không được phép thiết quân luật theo lệnh Tổng thống, nếu không có lý do thuyết phục. Còn biểu tình hay bạo loạn đã xảy ra rất nhiều. Nhưng giải quyết bạo loạn là nhiệm vụ của cảnh sát, không phải của quân đội, theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
Ví dụ, biểu tình chống phân biệt chủng tộc, biểu tình về giới tính. Hay mới đây nhất tính, là vụ George Floyd bị bắn chết, biểu tình cũng bùng phát rất nhiều. Thậm chí, người biểu tình còn tranh thủ cướp bóc các cửa hàng.
Thách thức lớn nhất với Biden – sự phân hóa của Mỹ ngày càng lớn
Thách thức đầu tiên đối với chính quyền Biden chắc chắn sẽ là vấn đề đối nội. Ông Biden từng tuyên bố sẽ đoàn kết nước Mỹ. Vậy chính sách đối nội của Mỹ sẽ thay đổi thế nào, dưới triều đại của Biden?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Về mặt đối nội, lâu nay giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều tồn tại cả cái chung và sự khác biệt. Nhưng vào giai đoạn 2020 – 2021 này, trong mùa bầu cử, lại xuất hiện những yếu tố mới.
Ví dụ, trước hết người nào lên làm tổng thống cũng phải xử lý nhiệm vụ kép là phải kiểm soát được đại dịch và phục hồi được kinh tế. Đây là chuyện không dễ.
Toàn bộ những thành tựu của Tổng thống Trump cho đến hết năm 2019 chính là mở cửa, phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng gần 3%, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp có những lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua.
Thế nhưng, đại dịch Covid đã làm cho thành tích trong ba năm trước của ông Trump bị lu mờ đi.
Khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, ông được thừa hưởng di sản thời ông Trump để lại là vaccine ngừa COVID-19. Nhưng vaccine không kiểm soát được đại dịch ngay mà cẩn phải có thời gian. Điều đó sẽ làm cho toàn bộ chính sách của ông Biden và đảng Dân chủ phải được thực hiện một cách thận trọng hơn, không phải trong điều kiện bình thường, mà trong điều kiện khủng hoảng.
Điều thứ nhất, lâu nay Đảng Cộng hòa, thời ông Trump cũng vậy, luôn giảm bớt những rào cản, những quy định, kể cả về mặt thuế, đối với các tập đoàn lớn, để họ có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Và khi tạo nhiều công ăn việc làm hơn, người dân có thể tự trang trải cho những phúc lợi của mình hơn, và ngân sách chỉ để dành vừa đủ cho những người có thu nhập kém nhất.
Còn ông Biden, theo truyền thống của Đảng Dân chủ, sẽ đánh thuế cao vào những người có thu nhập cao và những tập đoàn lớn, để lấy tiền chi trả cho phúc lợi xã hội. Đảng Dân chủ muốn mở rộng hơn phúc lợi xã hội. Vậy trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như thế này, liệu Biden có thể đánh thuế cao ngay lập tức được không?
Ông Biden nói ông sẽ đánh thuế cao những người có thu nhập trên 400,000 USD/năm, vậy liệu ông ấy có nâng mức thuế 25% thời ông Trump lên 28%, hoặc 30%, ngay lập tức không? Tôi nghĩ rằng Biden sẽ phải có bước đi thận trọng, vì bên cạnh kiềm chế đại dịch, nhiệm vụ kích thích phục hồi kinh tế cũng rất quan trọng.
Thứ hai, quy mô của gói phục hồi kinh tế cũng khác nhau. Đảng Dân chủ muốn gói nhỏ hơn, đảng Cộng hòa muốn làm cả gói to, để có thể vừa kích thích cả nền sản xuất, vừa cứu trợ cho những người bị mất việc.
Thứ ba, không thể không tính đến, đó là trong những năm vừa qua, và đặc biệt ngay trong năm bầu cử này, sự phân hóa chính trị và xã hội trong lòng nước Mỹ trở nên cực kỳ sâu sắc. Như vậy, cách tiếp cận của các bên ra sao?
Ví dụ, đảng Cộng hòa của ông Trump nhấn mạnh về trật tự, về luật pháp, còn bên đảng Dân chủ nhấn mạnh tới bình quyền về chủng tộc. Đương nhiên, cả hai đảng này đều coi trọng bình quyền về chủng tộc, nhưng nếu bạo động xảy ra, cách kiểm soát câu chuyện về phân biệt chủng tộc này cũng sẽ rất khác nhau.
Chủ thuyết của ông Biden là sẽ đoàn kết nước Mỹ. Nhưng với sự phân hóa như hiện nay, ông sẽ gặp phải thách thức không nhỏ.
Thứ tư, các vấn đề nội bộ cũng sẽ tác động đến đối ngoại. Đó là sự ủng hộ trong cuộc bầu cử đối với ông Biden là một khoảng rất rộng, từ phái trung dung của chính ông Biden đến phái thiên tả hơn của ông Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ đến từ Vermont (Ứng cử viên tổng thống trong đảng Dân chủ trong hai kỳ 2016 và 2020).
Họ liên kết với nhau để tranh thủ kiếm thêm phiếu. Và bây giờ, ông Joe Biden phải trang trải món nợ này thế nào?
Ví dụ, lực lượng của ông Bernie Sanders rất quan tâm đến chuyện năng lượng sạch, chống lại tự do hóa thương mại và cam kết thương mại ra bên ngoài. Hay họ ủng hộ việc phúc lợi xã hội là được bao cấp hết.
Muốn tập trung vào tăng cường phúc lợi xã hội, Biden phải tăng mức thuế đối với những người thu nhập cao và các tập đoàn lớn. Nhưng điều đó lại ngăn cản kinh tế phát triển trong thời buổi đại dịch và khủng hoảng.
Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với Joe Biden là phục hồi kinh tế (Ảnh: Getty) |
Xưa nay đảng Dân chủ vẫn luôn ủng hộ những câu vấn đề về mặt giá trị, ví dụ như biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, hay bảo vệ môi trường.
Thời của ông Trump, ông đã tháo gỡ rất nhiều điều kiện này để giảm bớt chi phí cho sản xuất. Ông vẫn cho sử dụng than đá, hay giảm bớt những quy định khắt khe về môi trường, và biến đổi khí hậu, cho các doanh nghiệp.
Vậy bây giờ xiết lại các quy định đó, đảng Dân chủ sẽ xiết như thế nào để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa giữ được các điều kiện môi trường, hay biến đổi khí hậu? Người dân sẽ soi Biden rất kỹ, nhất là xem ông ta có kiểm soát được đại dịch không, vì Tổng thống Trump thực sự đã thất bại trong chuyện này.
Không phải ObamaCare, mà là BidenCare
Thế còn chương trình bảo hiểm sức khỏe do cựu Tổng thống Obama ký năm 2010 (ObamaCare) thì sao? Liệu ông Biden có tiếp tục không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có lẽ, ObamaCare không hoàn toàn là xấu. Một là trên thực tế, ObamaCare đã đi vào cuộc sống, và đã có nhiều người được hưởng. Ngay thời ông Trump muốn gỡ cũng phải gỡ từng mảng.
Thứ hai, nếu ông Biden muốn quay trở lại với ObamaCare với những khoản tiền hỗ trợ một cách đại trà như vậy, trong bối cảnh khó khăn này liệu có hợp lý không?
Cho nên, người ta nói đến BidenCare. Tức là có điều chỉnh, áp dụng chế độ phổ thông hơn về mặt bảo hiểm y tế đối với người dân nói chung và người nghèo nói riêng.
Người dân Mỹ có lương có thể tự chọn cách mua bảo hiểm y tế. Còn một phần phúc lợi dành cho người nghèo sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.
Cục diện Trung Đông đã đổi khác, Mỹ không sợ OPEC lũng đoạn giá dầu
Ký bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Ả rập dưới thời Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters) |
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã độc lập năng lượng với Trung Đông. Liệu Biden có tiếp tục chính sách này?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đây là câu chuyện về dầu đá phiến, và trên thực tế là nước Mỹ đã có một ngành công nghiệp dầu đá phiến. Ngành công nghiệp này đã qua giai đoạn thử nghiệm, và chuyển sang giai đoạn thương mại. Chắc nước Mỹ sẽ tự sống được, mà không phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông, hay đâu khác.
Câu chuyện thứ hai là nếu muốn nói đến độc lập về dầu mỏ, phải nói đến chính sách gắn bó của Mỹ đối với Trung Đông như thế nào? Và đó là câu chuyện đối ngoại.
Nhân đây, chúng ta hãy nói về Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC). Rõ ràng, OPEC không còn độc quyền như trước nữa. Sự gắn kết và tương tác giữa các thành viên cũng bị phân hóa nhiều, không còn kiểm soát và lũng đoạn giá dầu, như trước đây.
Ông Biden sẽ đối diện với một Trung Đông rất khác. Chí ít, Trung Đông do ông Trump để lại có mấy điểm khác biệt.
Một là bàn cờ Trung Đông bây giờ rất khác. Nó không thuần túy là thế giới Ả rập và Israel đối đầu nhau nữa, mà một số nước Ả rập với Israel đã bắt đầu bắt tay nhau.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Sudan, Morocco và Israel đã bắt tay nhau rồi. Nếu có thêm Ả rập Saudi nữa, đây sẽ là một quá trình rất khác, khiến cho sự phối hợp giữa các nước đó với Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều.
Vậy là nước Mỹ dưới thời Biden vẫn sẽ tiếp tục chính sách độc lập về dầu khí, như dưới thời Trump?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chắc chắn Mỹ sẽ vẫn tiếp tục. Mỹ đã đủ năng lượng để có thể không quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông như trước, và nước Mỹ có một ngành dầu đá phiến đã khai thác thương mại. Tổng thống nào lên cũng phải giữ lấy ngành dầu khí đá phiến này.
Hơn nữa, cục diện hiện nay cho phép Mỹ không những chỉ độc lập về dầu khí thôi. Mỹ còn có khả năng phối hợp với các nước Trung Đông, nhằm ngăn ngừa OPEC có thể tạo ra cho thế giới một cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến giá dầu như hồi tháng 4-5 năm 2019.
Biden sẽ không tiếp tục chính sách “lấy lại việc làm cho người Mỹ”
Liệu ông Biden có tiếp tục chính sách lấy lại việc làm cho người Mỹ, như của ông Trump, không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu chúng ta nhìn lại, sẽ thấy một cách khách quan hơn là việc làm bị đưa ra khỏi nước Mỹ chính là phân công lao động quốc tế. Khi nền kinh tế phát triển, họ tập trung vào những phần tinh túy nhất và có lãi nhất. Cho nên, những phần sử dụng nhiều lao động nhất, tự nhiên sẽ đi ra bên ngoài.
Trong mấy năm qua, ông Donald Trump có thể kéo về một số xưởng máy. Nhưng về đại cục, nước Mỹ vẫn dựa vào phần tinh túy nhất và chất xám nhiều nhất, hơn là những phần công nghệ chế tạo.
Vì vậy, ở đây sẽ có hai câu chuyện: một là chủ nghĩa dân túy ở trong lòng nước Mỹ đã rất khác, từ thời ông Trump; và hai là cách tiếp cận của Mỹ đối với những hiệp định thương mại tự do (FTAs) là rất khác. Những nhận định lợi ích của nước Mỹ trong cam kết bên ngoài là rất khác, ông Biden sẽ phải đối mặt với điều này trong chính sách đối ngoại.
Tôi nghĩ, câu mà khẩu hiệu thúc đẩy việc làm cho nước Mỹ có thể vẫn còn tồn tại dưới thời ông Biden, nhưng ông ta sẽ không làm như ông Trump. Ông ta sẽ không đánh vào các FTAs với bên ngoài.
Tức là ông ta vẫn ủng hộ các FTAs?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Không hẳn như vậy. Nếu nhìn ngắn, thời Tổng thống Obama đã ủng hộ các FTAs chất lượng cao, như TPP, khi đi kèm với những tiêu chuẩn về lao động, nhân quyền, môi trường…để đảm bảo cả cuộc sống người lao động. Đó là giá trị của đảng Dân chủ.
Thế nhưng, nhiệm vụ trước mắt của Biden không phải là thúc đẩy FTAs kiểu đó. Bởi bây giờ nước Mỹ cũng nhận định về FTAs rất khác.
Có lẽ, để giữ việc làm ở lại trong nước Mỹ, chính quyền phải có chính sách đào tạo nhân lực để giữ những phân khúc lao động dành riêng cho người Mỹ. Kể cả việc tạo ra những ngành nghề mới.
Tôi cho rằng mang ngành công nghiệp chế tạo trở lại nước Mỹ là rất khó, bởi các công ty họ quan tâm đến lãi, ở đâu có lãi hơn là họ bố trí sản xuất thôi. Vì vậy, tôi nghĩ ông Biden sẽ không đánh thuế dữ dội như ông Trump, đối với những phần việc đưa ra bên ngoài nước Mỹ.
(Còn tiếp)