Viện trợ ồ ạt cho Ukraine, kho tên lửa Mỹ sắp cạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Kho tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ ngày càng sụt giảm sau các gói viện trợ cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Tên lửa chống tăng Javelin xuất hiện trong một lễ duyệt binh tại Ukraine (Ảnh: Getty).
Tên lửa chống tăng Javelin xuất hiện trong một lễ duyệt binh tại Ukraine (Ảnh: Getty).

"Quân đội Mỹ có thể đã chuyển khoảng 1/3 số tên lửa chống tăng Javelin đến Ukraine - 1/3 nguồn cung tên lửa của chúng ta đã trao cho họ", Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ tại bang Connecticut, Mỹ cho biết trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 26/4.

"Việc lấp đầy kho dự trữ của Mỹ hoặc những vũ khí đó sẽ cần tới 32 tháng", nghị sĩ Blumenthal nhận định.

Ông Blumenthal cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục cung cấp cho Ukraine tên lửa Javelin theo tốc độ sản xuất trong nước như hiện nay, thì Mỹ có thể thiếu hụt đáng kể vũ khí chủ chốt này trong tương lai gần.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ đã gửi nhiều tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine đến mức kho dự trữ tên lửa của Washington sắp cạn kiệt. Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại CSIS, cho rằng Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để bổ sung tên lửa mới cho kho vũ khí của mình.

"Sẽ mất khoảng 3-4 năm để thay thế số tên lửa đã được chuyển giao cho đến nay. Nếu Mỹ chuyển giao nhiều tên lửa hơn cho Ukraine, thời gian thay thế sẽ kéo dài", ông Cancian cảnh báo.

Ngoài Javelin, tên lửa vác vai Stinger của Mỹ cũng trở thành vũ khí được Ukraine "săn đón" trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, nguồn cung tên lửa đang bị cạn kiệt và việc sản xuất thêm vũ khí phòng không này đang gặp trở ngại đáng kể.

Các trở ngại bao gồm vấn đề phức tạp liên quan đến việc tăng cường sản xuất. Việc Mỹ miễn cưỡng chuyển hướng sang sản xuất thêm các loại tên lửa với công nghệ từ hàng chục năm trước khiến các công ty quốc phòng lo ngại rằng, họ sẽ bị mắc kẹt với những vũ khí không mong muốn khi xung đột Ukraine kết thúc.

Quân đội Mỹ hiện chỉ duy trì nguồn cung hạn chế tên lửa Stinger, đồng thời phát triển hệ thống phòng không di động thế hệ tiếp theo. Từ tháng 2, Mỹ đã chuyển 1.400 tên lửa Stinger tới Ukraine, nhưng trong thời gian tới, việc tìm nguồn cung ứng nhiều hơn sẽ gặp khó khăn.

Dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger của Mỹ đã ngừng hoạt động, nhưng gần đây đã được nối lại để đáp ứng các đơn hàng từ nước ngoài. Hiện tại, ngoài duy trì hoạt động của dây chuyền này, Mỹ cũng có kế hoạch tăng cường sản xuất và cắt ngắn thời gian giao hàng sau khi tham vấn với nhà thầu chính Raytheon.

Tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger là những khí tài chính mà Mỹ và các đồng minh phương Tây chuyển cho Ukraine thời gian qua nhằm đối phó với các cuộc tiến công của lực lượng Nga.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi đầu tháng 4, ông Blumenthal đã đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm khôi phục nguồn cung tên lửa Stinger và Javelin đã cạn kiệt.

Trong 2 tuần qua, Mỹ liên tiếp công bố 2 gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các vũ khí hạng nặng.

Nga gần đây liên tục thông báo phá hủy các kho tập kết vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev trong bối cảnh phương Tây tăng cường đưa khí tài hạng nặng hỗ trợ Ukraine đối phó giai đoạn hai chiến dịch quân sự của Nga.

Moscow nhiều lần cảnh báo, việc Mỹ và đồng minh cấp vũ khí cho Kiev là hành động nguy hiểm và bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine cũng trở thành "mục tiêu chính đáng" của lực lượng Nga.

Theo Dantri.com.vn