Vì sao số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM giảm mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Có thời điểm, số ca tử vong do COVID-19 ở TP.HCM lên tới trên 300 người/ngày, nhưng giờ còn khoảng 100 ca/ngày. Điều gì làm nên sự giảm mạnh số ca tử vong ở tâm dịch nóng nhất cả nước này?

Ths.Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trực tiếp chỉ đạo điều trị COVID-19 ở nhiều vùng dịch khác nhau, như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình ghép
Ths.Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trực tiếp chỉ đạo điều trị COVID-19 ở nhiều vùng dịch khác nhau, như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình ghép

Với mong muốn có câu trả lời thoả đáng, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - người đã có mặt ở tâm dịch TP.HCM ngay từ khi dịch bùng phát tới nay - về các giải pháp giúp giảm tử vong do COVID-19 tại TP.HCM.

Nguyên nhân chính giảm tử vong

* Thưa ông! Với tình hình hiện tại, TP.HCM đã và đang giảm mạnh tỷ lệ tử vong vì COVID-19 xuống còn khoảng 100 ca/ngày. Là người theo sát tình hình dịch ở TP.HCM từ ngày đầu, ông có thể cho biết nguyên nhân nào đưa đến kết quả trên?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Có nhiều giải pháp đưa đến kết quả này. Nhưng yếu tố đầu tiên là hệ thống y tế tại các Trung tâm Hồi sức COVID-19 chỉ tập trung cứu chữa cho các ca nặng. Bác sĩ tuyến trên hỗ trợ hết sức cho các bệnh viện tuyến dưới qua các hội chẩn chuyên môn, đánh giá tình hình bệnh nhân. Thứ hai là các ca nặng được chuyển viện phù hợp trong hoàn cảnh có những thời điểm, ca bệnh phát sinh quá nhiều và tất cả các bệnh viện đều bị quá tải.

Thứ 3 là quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly đều được chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời ghi nhận những chuyển biến căng thẳng nhất và đưa các ca chuyển nặng đi điều trị kịp thời.

Đặc biệt, phải kể đến vai trò của các trạm y tế lưu động do Học viện Quân y triển khai cùng với các đội y tế lưu động tình nguyện trực tiếp hỗ trợ, cấp cứu bệnh nhân, chuyển ô xy cho bệnh nhân kịp thời.

Thứ 4 là thúc đẩy tiêm chủng, trong một thời gian ngắn đã bao phủ được một lượng lớn những người đã được tiêm vaccine mũi 1. Người đã được tiêm 1 hay 2 mũi đều có tác dụng bảo vệ rất tốt, kể cả tiêm xong bị nhiễm thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng đã ít đi rất nhiều.

Thứ 5 là, trong khoảng 5 tuần liền, TP.HCM đã triển khai xét nghiệm liên tục diện rộng, phát hiện ca nhiễm, can thiệp kịp thời. Phải biết được thông tin về F0, theo dõi, điều trị sớm, chuyển nặng thì đưa bệnh nhân nhập viện ngay. Đây là giải pháp phát hiện ca bệnh và cắt đứt nguồn lây, cho dù F0 tự cách ly tại nhà hay tập trung cũng đều ngăn chặn được nguồn lây.

Xét nghiệm diện rộng là cần thiết giúp giảm tử vong

*Thưa ông! Thời gian qua đã có ý kiến chuyên gia lên tiếng đề nghị tạm dừng xét nghiệm diện rộng ở TP.HCM, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục KCB Bộ Y tế
Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục KCB Bộ Y tế

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Cá nhân tôi đánh giá người nêu ý kiến đó chưa nhìn được toàn diện vấn đề. Chống dịch như chống giặc, muốn chống được thì phải tìm được, quản lý được, cách ly được, can thiệp sớm, theo dõi sát, sàng lọc, phân loại những trường hợp nguy cơ cao đưa đi theo dõi tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận, huyện. Những trường hợp nguy cơ thấp có thể để theo dõi tại nhà, sử dụng các gói thuốc điều trị sớm. Có như vậy mới giảm được số tử vong, đồng thời giảm nguy cơ lây cho người khác.

Nếu không xét nghiệm, sẽ không biết ai bị nhiễm, ai không. Có nhiều trường hợp không biết mình bị nhiễm, cho đến khi có triệu chứng, thậm chí chuyển nặng chỉ trong vài giờ. Và lúc đó can thiệp thì không kịp. Riêng căn bệnh này rất đặc biệt, chuyển nặng rất nhanh, với đối tượng có nguy cơ cao như có bệnh nền hoặc người già thì khi có triệu chứng sẽ dẫn đến suy hô hấp và tử vong rất cao. Trong khi nếu biết sớm, quản lý tốt, can thiệp ô xy kịp thời thì khả năng cứu được bệnh nhân tăng lên thấy rõ.

Giai đoạn đầu, khi chúng tôi phân tích về khả năng tử vong của bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM, có đến gần 40% ca tử vong trong 72 giờ đầu sau khi nhập viện. Thậm chí nhiều ca chưa kịp nhập viện đã tử vong. Điều đó có nghĩa là khi F0 được phát hiện đã chuyển biến quá nhanh.

Như vậy phải khẳng định việc xét nghiệm diện rộng là phương pháp tốt để phát hiện và can thiệp kịp thời, giúp giảm được tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Nếu không làm được như các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi thì TP.HCM chắc chắn chưa thể yên ổn như bây giờ.

*Ông đánh giá thế nào về việc vận hành mô hình bệnh viện đa tầng trong suốt quá trình TP.HCM chống dịch vừa rồi, thưa bác sĩ?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Mô hình bệnh viện đa tầng (hệ thống thu dung, điều trị 3 tầng) rất phù hợp với COVID-19 và tình huống cũng buộc phải triển khai như vậy. Các nhóm đối tượng có nguy cơ khác nhau được bố trí ở các tầng khác nhau. Bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng được thu dung ở các khu cách ly không cần tới một số lượng lớn nhân viên y tế mà chỉ sắp xếp vừa phải vẫn theo dõi được.

Nhóm bệnh nhân có triệu chứng ở mức độ trung bình và có nguy cơ thì phải được theo dõi ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận, huyện thì sẽ có điều kiện theo dõi sát và can thiệp kịp thời nếu có chuyển biến nặng.

Tầng 3 là tầng hồi sức, điều trị các ca nặng, nguy kịch phải có đủ phương tiện, thuốc, thiết bị cần thiết, nhân sự đáp ứng được yêu cầu. Sở dĩ phân ra 3 tầng như vậy vì nguồn lực có hạn, nên phải bố trí như vậy mới đáp ứng được yêu cầu khi số bệnh nhân phát sinh quá đông như TP.HCM.

Mô hình bệnh viện 3 tầng đã được triển khai thành công ở Bắc Giang. Thời điểm đó chúng ta mới chỉ có rất ít bệnh viện dã chiến và bệnh viện chuyển đổi công năng, trong đó có Đơn vị hồi sức. Khi dịch bệnh phát sinh “nóng” ở Bắc Giang, với số bệnh nhân đã lên đến vài ngàn thì không còn kịp xây dựng bệnh viện dã chiến nữa, buộc phải nghĩ đến các khu cách ly tập trung. Bộ Y tế đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang xây dựng các cơ sở thu dung điều trị ban đầu, sử dụng các ký túc xá của các trường, khu nhà ở xã hội, khu chung cư… với lực lượng y tế quản lý, theo dõi bệnh nhân.

Khái niệm "bệnh viện 3 tầng" điều trị bệnh nhân COVID-19 xuất phát từ thực tế chống dịch ở Bắc Giang". Đến khi TP.HCM trở thành vùng dịch với số lượng rất lớn bệnh nhân, thì cũng đã áp dụng mô hình này. Các khu nhà chung cư tái định cư tại nhiều quận huyện như quận 12, Bình Tân, Thủ Đức… đã trở thành bệnh viện dã chiến cho tầng điều trị đầu tiên. Sau đó, TP.HCM đã sử dụng thêm các trường học làm khu cách ly tập trung.

Giai đoạn căng thẳng nhất, khi số ca bệnh tăng quá nhiều, quá nhanh, buộc phải nghĩ đến chuyện cho F0 cách ly tại nhà với đối tượng nguy cơ thấp. Nhiều gia đình đã nhiễm toàn bộ các thành viên, đối tượng nào có nguy cơ cao thì mới chuyển đi điều trị tập trung.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt, gần 20 ngàn y bác sĩ ở các tỉnh phía Bắc đã vào hỗ trợ tâm dịch TP.HCM
Tất cả vì miền Nam ruột thịt, gần 20 ngàn y bác sĩ ở các tỉnh phía Bắc đã vào hỗ trợ tâm dịch TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa trực tiếp chỉ đạo điều trị COVID-19 trong tâm dịch

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa trực tiếp chỉ đạo điều trị COVID-19 trong tâm dịch

Các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 nơi tâm dịch TP.HCM
Các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 nơi tâm dịch TP.HCM

Sốc, sang chấn tâm lý là có thật

*Thưa bác sĩ, với giai đoạn khốc liệt của đợt dịch lần thứ 4 vừa rồi tại TP.HCM, về cả quy mô, số lượng, đối tượng mắc bệnh, tỷ lệ tử vong… đã khiến chính các bác sĩ và nhân viên y tế cũng bị sang chấn tâm lý?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Đợt dịch ở Bắc Giang có đặc trưng là dù số ca nhiễm cao nhưng cơ cấu thì tập trung ở đối tượng trẻ, là công nhân nhiều hơn số ca trong cộng đồng. Vì bệnh nhân trẻ hơn, dễ cách ly tập trung hơn, nên khắc phục dịch bệnh cũng dễ hơn. TP.HCM có tới 85% số ca tử vong là người từ 50 tuổi trở lên.

Với TP.HCM, thực tế quá khốc liệt, số ca bệnh quá lớn, lượng nhân sự dù bổ sung liên tục nhưng vẫn kiệt sức. Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ hơn 8 tiếng mỗi ngày, cường độ làm việc tăng lên đến hơn 200% so với lúc bình thường. Nhiều khi bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong ngay trước mắt mà không cứu được. Thực sự là không mấy bác sĩ, y tá, nhân viên y tế không bị sang chấn tâm lý. Bộ Y tế cũng đã phải tạo ra các chương trình hỗ trợ điều trị tâm lý cho nhân viên y tế, mời các bác sĩ tâm lý để hướng dẫn, tư vấn thêm cho chính đồng nghiệp của mình.

*Sau đợt khắc phục dịch bệnh khốc liệt cho vùng dịch phía Nam, đến giai đoạn này, khi TP.HCM bắt buộc phải nghĩ đến việc từng bước mở cửa trở lại từ ngày 1/10, theo ông, cần phải đặc biệt lưu ý gì để phòng, tránh nguy cơ cho giai đoạn sắp tới?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Y tế cũng khá lo ngại về vấn đề này. TP.HCM cũng đã lên kế hoạch chi tiết về lộ trình mở cửa. Phải rất thận trọng, vừa mở vừa theo dõi thêm xem diễn biến của các ca bệnh mới thế nào. Vẫn phải tiếp tục xét nghiệm diện rộng để sàng lọc, hệ thống y tế có thể thu hẹp bớt các bệnh viện dã chiến, tiết kiệm nguồn lực và nhân lực, dồn về các đơn vị điều trị, nhưng vẫn phải sẵn sàng mở lại nếu cần. Bắt buộc phải khôi phục hoạt động của các bệnh viện quận, huyện để cấp cứu, điều trị các bệnh thông thường.

Không chỉ riêng TP.HCM , với các vùng dịch khác cũng thế. Phải thích ứng với tình hình mới nhưng phải hết sức cảnh giác và luôn sẵn sàng để xử lý mọi tình huống tiếp theo, nhất là với các địa bàn mà tỷ lệ phủ vaccine còn đang thấp.

*Xin cảm ơn ông rất nhiều!