TP.HCM lý giải thế nào về 150.000 ca F0 đang xin cấp mã số bổ sung?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sẽ giải quyết thế nào với 150.000 ca F0 sau test nhanh kháng nguyên COVID-19 mà TP.HCM đang xin Bộ Y tế cấp mã số bổ sung?
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu lý giải về 150.000 ca F0 qua test nhanh kháng nguyên COVID-19
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu lý giải về 150.000 ca F0 qua test nhanh kháng nguyên COVID-19

Chiều hôm qua, 27/9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, đã ký văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp mã số bổ sung cho 150.000 ca F0 sau test nhanh COVID-19. Tình trạng này lập tức gây nhiều thắc mắc.

Được biết, từ ngày 20/8 đến nay, TP.HCM chưa thông báo số ca có test nhanh dương tính, mà chỉ lấy mã số cho bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Hôm 30/8, TP.HCM đã xác định phát hiện hơn 54.000 ca F0 qua test nhanh kháng nguyên. Hiện nay, số ca F0 được xác định qua test nhanh cộng dồn đã lên đến 150.000 ca.

Chiều hôm nay ngày 28/9, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lên tiếng về sự việc. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định 150.000 người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19 chưa được Bộ Y tế cấp mã số đều có trong danh sách của TP.HCM, đã được ngành y tế tiếp nhận, lập danh sách và đã được theo dõi quá trình điều trị tại nhà.

TP.HCM đã được Bộ Y tế công bố hơn 370.000 ca bệnh, nếu bổ sung thêm 150.000 F0 qua test nhanh kháng nguyên, sẽ nâng tổng số bệnh nhân của thành phố lên hơn 522.000 ca nhiễm (tăng 40% so với số đã công bố). Tổng số bệnh nhân mới sẽ cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM không phải 4% như lâu nay mọi người vẫn nghĩ mà thấp hơn.

“Thực ra cho đến hiện nay TP.HCM dựa vào các con số thực F0 để thu dung, điều trị cũng như điều trị tại nhà. Trong bối cảnh vắc xin đã bao phủ thì con số mắc mới chỉ là một tiêu chí trong những tiêu chí để phân cấp các vùng nguy cơ theo bậc", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu giải thích.

Gia đình đang có F0 điều trị tại nhà được Sở Y tế và HCDC theo dõi, cấp phát thuốc điều trị - Ảnh: HCDC
Gia đình đang có F0 điều trị tại nhà được Sở Y tế và HCDC theo dõi, cấp phát thuốc điều trị - Ảnh: HCDC

Lý giải về 150.000 trường hợp F0 chưa được Bộ Y tế cấp mã số, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng và bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu đều cho hay theo quy định của Bộ Y tế, để xác định được một trường hợp là F0 thì phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số trường hợp mắc COVID-19 tăng rất nhanh. Trong bối cảnh như thế, ngành y tế nhanh chóng xác định những trường hợp test nhanh dương tính là một trường hợp mắc bệnh để tiếp nhận, điều trị kịp thời thay vì phải chờ kết quả RT-PCR.

Tại thời điểm căng thẳng về dịch bệnh, ngày 20/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng bộ phận thường trực phía Nam của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn gửi TP.HCM cho phép được ghi nhận những trường hợp test nhanh dương tính là F0.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng vừa có hướng dẫn về việc các F0 tự điều trị khỏi tại nhà. Đối với các trường hợp tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà và được trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc tổ trưởng tổ dân phố/ tổ nhân dân hoặc các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường Đại học Y khoa hoặc các tổ chức thiện nguyện đảm trách xác nhận là đúng thì được xem như đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Đối với các trường hợp khác (không được tổ chức hoặc cá nhân xác nhận) thì cần thì tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Được biết, Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng sớm có hướng dẫn TP.HCM vấn đề này, tuy nhiên sự việc làm dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều.

Các ca F0 qua test nhanh tự điều trị tại nhà đã khỏi bệnh, nếu được xếp vào nhóm có kháng thể, có thể sẽ được cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" để đi lại, làm việc, học tập... Nhưng test nhanh có tỉ lệ dương tính giả, chiếm khoảng 60%, thậm chí có địa phương chỉ ở mức 50%, sau khi qua xét nghiệm khẳng định bằng PCR mới xác định chính xác. Nên lưu ý, giả sử số người này sẽ được bỏ qua không cần chích ngừa nữa, thì sẽ có thể trở thành nguyên nhân bùng phát một đợt lây nhiễm mạnh mẽ mới mà TP.HCM tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới.