|
Ông Nguyễn Văn Bình |
Nói về câu chuyện không được trả lời chất vấn, Thống đốc Bình cho rằng tại kỳ họp cuối tại sao Quốc hội không hỏi chúng ta là vì Quốc hội muốn dành cho hệ thống ngân hàng một phần thưởng để ghi nhận những đóng góp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian vừa qua. Nếu chúng ta biết đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, nhất định sẽ vượt qua.
“Điều hành hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung không thể điều hành duy ý chí, mà cần điều hành bài bản. Nếu làm tốt và kiên định sẽ giúp hệ thống ngân hàng được củng cố, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Những gì diễn ra trong 5 năm qua cho thấy kết quả của bài trước là tiền đề thực hiện cho bài sau”, Thống đốc Bình nói.
Thống đốc Bình nhớ lại vào cuối năm 2011, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng thực sự khó khăn, vừa giảm lạm phát, ổn định thị trường, giảm lãi suất.
Thời điểm đó, lãi suất cho vay trên 20%, lạm phát 18,3% và giờ lạm phát đã được kiềm chế và năm 2015 chỉ còn 0,68%, lãi suất giảm mạnh xuống còn 6 – 9% cho vay ngắn hạn, 9 – 11% cho vay trung và dài hạn; tỷ giá ổn định cho tới bây giờ.
“Khi đạt được kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá tiến tới khôi phục thanh khoản hệ thống ngân hàng, trên cơ sở đó giảm mặt bằng lãi suất. Những gì đạt được trong 5 năm qua là tiền đề, bài học để triển khai trong 5 năm tới. Chúng ta hiện có trong tay Dự thảo,văn kiện của Đại hội Đảng khoá XII: Làm sao cho hoạt động ngân hàng gắn chặt với hoạt động chính trị, để ngành có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới”, Thống đốc Bình nói.
Người đứng đầu ngành ngân hàng nhấn mạnh trong những năm tới, chúng ta có những thuận lợi cơ bản.
“Chúng ta có kinh nghiệm trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta có kết quả đạt được trong 5 năm qua tạo tiền đề triển khai nhiệm vụ 5 năm sắp tới, vị thế của nền kinh tế tốt hơn.
Kinh tế quốc tế phục hồi, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước tạo ra những thuận lợi với Việt Nam, mặt bằng giá cả thế giới trong 2016 và những năm tiếp theo có thể duy trì ổn định”, Thống đốc Bình nói.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng không hoàn toàn lạc quan khi thừa nhận có những khó khăn nhất định đối với ngành hàng, đặc biệt trong hoạt động hệ thống ngân hàng, dư địa có thể triển khai chính sách ngày càng hạn hẹp.
“Năm qua, kiềm chế lạm phát dưới 5%. Dư địa giảm giá trong năm tới của thế giới nếu có thì cũng rất ít. Thuận lợi trong kiềm chế lạm phát từ yếu tố bên ngoài không có. Những bất ổn trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường tài chính luôn rình rập (Nhân dân tệ phá giá...) tác động đến hoạt động chính sách tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ở một chừng mực nào đó, khẳng định rằng việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 khó khăn hơn nhiều so với năm 2015 và 2014”, Thống đốc Bình cho biết.
Mặc dù nhiệm vụ 2016 và những năm tiếp theo với đất nước và ngành vô cùng to lớn, khó khăn thách thức nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng hoàn toàn tin tưởng rằng với những nỗ lực, cố gắng của tập thể trong nội bộ ngân hàng từ Trung ương đến địa phương làm rất tốt trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là những năm cuối nhiệm kỳ.
“Hoạt động gắn kết, tuân thủ ngày càng được nâng cao, tạo ra sức mạnh chung của toàn ngành. Ý thức trách nhiệm, lòng tự hào với ngành được nâng lên trong mỗi cá nhân”, Thống đốc Bình cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường càng hội nhập sâu thì vai trò, ý nghĩa của hệ thống ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng.
“Thấy trước được khó khăn thách thức, từ đó có dự báo hoạch định chính sách phù hợp, tổ chức triển khai cho thành hiện thực. Trong quá trình tổ chức, triển khai có thể còn nhiều khó khăn thách thức, từ bên ngoài và nội tại, từ dư luận xã hội nhưng nếu không kiên định, bền gan, chao đảo hay chỉ vì những cái “êm ái” trước mắt thì sẽ mất đi cả lộ trình lâu dài không những của ngành mà còn của cả nền kinh tế”, Thống đốc Bình nói.
Theo Bizlive