Trung Quốc “chơi dao”?
Sáng 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (RMB) so với đồng USD xuống 1,9%.
Với mức điều chỉnh trên, lần đầu tiên sau gần 20 năm, tính từ lúc hợp nhất các cơ quan và tổ chức thị trường ngoại hối vào tháng 1/1994, Trung Quốc mới lại phá giá đồng nội tệ mạnh tay đến vậy.
Là quốc gia láng giềng, đồng thời lại là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, những diễn biến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chắc chắn sẽ nhiều ít tác động tới Việt Nam. Và trước động thái quyết liệt của PBoC, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: “RMB phá giá, VND có nguy?”.
“Tất nhiên là có ảnh hưởng nhưng muốn biết tác động đến đâu thì cần phải tính toán cụ thể. Song, tôi nghĩ rằng cũng chỉ là ít thôi, bởi 1,9% cũng không phải là quá lớn ”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với phóng viên.
Theo vị chuyên gia kỳ cựu này, xét một cách thấu đáo, quyết định vừa rồi của NHTW Trung Quốc là dễ hiểu và hoàn toàn không bất ngờ, bởi, như các con số thống kê đã được Bắc Kinh công bố, tăng trưởng GDP thực tế của nước này đang thấp hơn mục tiêu 7% mà Chính phủ đã đề ra. Các chỉ số kinh tế quan trọng như kim ngạch xuất khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp… đều giảm nhanh hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, sức ép đến từ cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán cũng càng khiến nhân dân tệ chịu thêm sức ép.
“Do đó, việc phá giá đồng tệ cũng chỉ là một trong những công cụ mà Trung Quốc nghĩ rằng sẽ có thể phần nào giúp nước này hạn chế chiều suy thoái kinh tế mà họ không mong muốn”, TS. Thành bình luận và nhận định, “Nhưng họ cũng đang làm một cách khá thận trọng bởi phá giá bao giờ cũng là “con dao hai lưỡi””.
Áp lực cho VND
Liên quan đến những tác động từ quyết định hạ giá đồng RMB và diễn biến suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, theo phân tích, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ 2 điểm sau:
Trước tiên, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm xuất phát từ việc giảm nhu cầu nội địa, giảm nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là hàng nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang phần lớn xuất khẩu sang quốc gia này.
Cùng với đó, việc hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn khi đồng nhân dân tệ mất giá sẽ khiến nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam thậm chí sẽ càng thêm trầm trọng. Hiện tại, theo số liệu mà Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) công bố, thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 16,7 tỷ USD. Trong khi đó Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) lại công bố thặng dư 20,3 tỷ USD với Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 (GSO công bố VN xuất khẩu 7,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 24,4 tỷ USD; GAC công bố TQ xuất khẩu 31 tỷ USD, nhập khẩu 10,7 tỷ USD).
Thứ hai, quyết định của Bắc Kinh cũng sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường còn lại sẽ chịu áp lực đáng kể do hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường này khá tương đồng với Trung Quốc. Và không chỉ có Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực cũng đang thực thi chính sách đồng tiền yếu.
Những yếu tố này sẽ ít nhiều gây ra những áp lực nhất định cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hạ giá đồng VND giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn phải chịu những sức ép đáng kể do: (1) biến động ngày một nóng của USD trước kì họp FOMC tháng 9 trong bối cảnh kinh tế Mỹ dần đi vào quỹ đạo mong muốn của FED, (2) lãi suất VND theo chủ trương hạ lãi suất cho vay từ 0.5-1% đầu năm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ làm đồng VND suy yếu.
Mới đây, trong một buổi trao đổi với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã bất ngờ công bố “kho” dự trữ.
Theo đó, “Dự trữ ngoại hối của chúng ta đến cuối tháng 7-2015 đã đạt 37 tỉ đô la Mỹ. Đây là số dự trữ bằng ngoại tệ, tiền tươi thóc thật, bấm nút một cái là có ngay. Còn nếu tính cả các khoản khác như vàng, tiền gửi của Kho bạc, của các tổ chức tín dụng ở Ngân hàng Nhà nước (không phải bằng tiền đồng)... thì khoảng 40 tỉ đô la Mỹ. Hiện riêng vàng chúng ta có 10 tấn”, người đứng đầu NHNN tiết lộ.
Đề cập đến việc liệu NHNN có giữ nguyên cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay, ông Bình cho biết mục tiêu 2% sẽ được giữ vững. “Một số ý kiến cho rằng nếu năm nay chúng tôi giữ điều chỉnh tỷ giá ở mức 2%, thì năm sau tỷ giá giống như chiếc lò xo bị nén lâu ngày có thể bật mạnh. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Thứ nhất chúng ta có lực ngoại tệ để can thiệp khi cần và sẵn sàng can thiệp. Thứ hai chúng tôi điều hành tỷ giá trong một lộ trình dài có sử dụng đồng bộ các công cụ như lãi suất, cung tiền, tỷ giá, chứ không tách rời chúng” – ông Bình nhấn mạnh.
Theo ANTT