Dù các cử tri đều băn khoăn về những “góc khuất” tồn tại trong thị trường vàng, nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng tỏ ra rất tự tin khi đã dẹp được “con ngựa bất kham” vàng lâu nay.
Trước lo lắng của cử tri, thời gian qua việc thực hiện chính sách bình ổn thị trường vàng không theo quy luật, nên không có tác dụng. Giá vàng trong nước luôn có độ chênh lệch lớn với giá thế giới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trấn an: Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Trong suốt một thời gian dài trước đây, thị trường vàng Việt Nam luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng đã được xác lập (Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), thời gian qua NHNN đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng và các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của giá vàng đến tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ.
“Năm 2013, trong bối cảnh thị trường vàng đang biến động phức tạp, NHNN đã kịp thời bình ổn, dẫn dắt thị trường thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng, nhờ vậy thị trường vàng trong nước đã phát huy vai trò tự điều tiết, dần trở lại trạng thái cân bằng và ổn định”- Thống đốc nhắc lại động thái điều hành của cơ quan quản lý tiền tệ.
Sang năm 2014, mặc dù giá vàng thế giới biến động lớn và phức tạp (có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), nhưng thị trường vàng trong nước tiếp tục duy trì được xu hướng ổn định, thị trường vàng tự điều tiết, cung cầu vàng miếng tương đối cân bằng, không còn các cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội. Do đó, NHNN không phải thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường thông qua đấu thầu bán vàng miếng.
Với những động thái được cho là “mạnh tay” với thị trường vàng, Thống đốc Bình cho rằng, kỷ cương thị trường vàng đã được xác lập, sắp xếp lại.
“Nhờ đó, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lạm phát đã được kiểm soát”- người đứng đầu NHNN tự tin.
Dẫn chứng con số cụ thể, tư lệnh ngành ngân hàng cho biết, đến nay NHNN đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được NHNN cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng tại gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao, toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn”- Thống đốc Bình lạc quan.
Riêng về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, ông Bình cũng thừa nhận là có, song mức chênh lệch này cao tại một số thời điểm là do thị trường vàng thế giới biến động mạnh trong khi thị trường vàng trong nước vẫn duy trì được xu hướng ổn định.
“Tuy có chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nhưng không xảy ra các yếu tố gây bất ổn thị trường, nhu cầu mua, bán vàng miếng đã giảm mạnh, không còn hiện tượng bán ra hay mua vào ồ ạt gây xáo trộn thị trường như giai đoạn trước đây”- ông Bình chia sẻ.
Từ đầu năm 2015 đến nay xu hướng chênh lệch giá giữa hai thị trường trong nước và thế giới đã giảm nhiệt đáng kể so với trước. Mức chênh cao nhất ghi nhận trên thị trường có thời điểm là trên 4 triệu đồng/lượng, so với mức 7-8 triệu đồng/lượng vào những thời kỳ thị trường "sốt nóng" trước đây. Hiện, dù giá vàng thế giới đang có biến động mạnh, trên ngưỡng 1.200 USD/ounce, nhưng do giá đồng đô la Mỹ đang trong xu hướng đi lên, nên khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới giảm lùi về mức dưới 3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, khó có thể thu hẹp ngay chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trong ngắn hạn. Bởi, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, ở chừng mực nào đó sẽ có tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô vì tạo ra biến động lớn về giá vàng trong nước, tạo điều kiện cho yếu tố đầu cơ xuất hiện.
Vẫn theo người đứng đầu ngành ngân hàng, mục tiêu chống “vàng hóa” trong nền kinh tế, đảm bảo thị trường vàng diễn biến ổn định, đảm bảo biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô… vẫn sẽ là mục tiêu xuyên suốt mà cơ quan điều hành theo đuổi trong thời gian tới.
Theo Infonet