Vì sao Hàn Quốc dẫn đầu về phát triển robot?

Niềm tin vào những yếu tố phi nhân khiến người dân Hàn Quốc cởi mở hơn với robot.
Nguồn ảnh: Journaltimes
Nguồn ảnh: Journaltimes

Xếp thứ 2 thế giới về robot

Tại sân bay quốc tế Incheon (ICN) nằm ở ngoại vi thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một nhóm robot sẽ giúp bạn tìm được cửa lên máy bay hay dẫn bạn đến phòng chờ gần nhất. Ngoài ra còn ứng xử đúng mực, các robot này nói được bốn ngôn ngữ.

Hướng dẫn viên robot ở sân bay, do Tập đoàn điện tử LG Electronics phát triển, đã làm việc bên cạnh con người kể từ cuối tháng 7/2017. Có chiều cao 1,4 mét, chúng có thể tự thân di chuyển trên phần đế có gắn bánh xe, hiển thị một màn hình LCD cung cấp thông tin và xác định phương hướng bằng camera, sóng siêu âm, laser và cảm ứng mép rìa. Chúng cũng có thể nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ.

Năm 2016, Hàn Quốc đã bán ra hơn 41.000 robot, xếp thứ hai trên thế giới, theo Liên minh Quốc tế về Robot IFR. Nước này có độ tập trung robot công nghiệp cao nhất trên thế giới. Trong ngành công nghiệp sản xuất thì cứ mỗi 10.000 công nhân lại có đến 631 người máy, theo IFR. Và trong ngành công nghiệp ô-tô, cứ mỗi 10.000 công nhân lại có 2.145 robot.

Vì sao Hàn Quốc dẫn đầu về phát triển robot? ảnh 1

Ở Mỹ, theo một khảo sát mới đây của Pew, thì 72% người Mỹ rất lo ngại hoặc phần nào đó lo ngại về tương lai tự động hóa. Nhiều người cảm thấy lo sợ rằng robot không chỉ cướp việc làm của họ mà còn phát triển được trí tuệ siêu đẳng mà không gì có thể ngăn cản được, tiến hành đảo chính và trong số phận như trong truyện kinh dị Frankenstein, sẽ hủy diệt chính người đã tạo ra chúng.

Niềm tin từ đạo Thần

Người dân Hàn Quốc lại không hề hoảng sợ như thế. Từ lâu, theo niềm tin của đạo Thần Triều Tiên, không có gì là lạ khi cho rằng một con chim bay ngang qua có thể mang linh hồn được đầu thai của người chú đã qua đời của bạn, hay thậm chí một vật kỷ niệm nhiều ý nghĩa hoặc một nhạc cụ được đặc biệt yêu mến có thể cũng có linh hồn thiêng liêng của chúng. Tất cả những điều này khiến cho ý nghĩa về những thứ phi nhân - chẳng hạn như robot - có đặc tính của con người không phải là nguyên nhân gây ra sự cảnh giác trong xã hội Hàn Quốc.

"Cũng là điều hợp lý khi các đặc điểm vật linh của đạo Thần phù hợp với người máy vốn không phải là sinh vật nhưng mang các đặc điểm của con người," Dong-kyu Kim, một học giả về đạo Thần tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Sogang, cho biết.

Như thế, truyền thống tâm linh cả ngàn năm có thể đã khiến cho người dân Hàn Quốc cởi mở hơn về mặt xã hội và văn hóa đối với các thiết bị tự động hơn người dân ở các nước phương Tây. Với thái độ chấp nhận này, Hàn Quốc đã trở thành một nơi ươm mầm và là thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các phát minh cao cấp về người máy.

Người dân Hàn Quốc luôn ý thức được sự cần thiết của ngành công nghiệp robot.

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo bằng cách đặt ngành công nghiệp sản xuất lên phía trước và ở trung tâm. Điều này đã dẫn đến yêu cầu cần phải phát triển lĩnh vực công nghệ cao và một lực lượng lao động có trình độ cao - hai điều này đã giúp cho Hàn Quốc viết nên câu chuyện thành công về kinh tế ngày nay. Hàn Quốc đã được xếp hạng là quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong bốn năm liên tục, theo Chỉ số Sáng tạo Bloomberg và quốc gia này chi tiền nhiều hơn bất cứ nước nào khác cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2014, tính theo tỷ lệ trên GDP, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.

Rành về công nghệ, có tính cộng đồng và hết sức thực dụng, người Hàn Quốc có lẽ háo hức hơn nhiều thị trường khác trong việc xem trí tuệ nhân tạo là một phần của giải pháp chứ không phải vấn đề. Thay vì lo lắng về ngày tận thế do trí tuệ nhân tạo gây ra, họ đang suy nghĩ bằng cách nào robot sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên tốt hơn và giúp đỡ giải quyết một loạt các vấn đề xã hội từ những vấn đề rất nhỏ cho đến vấn đề lớn đang hiển hiện trước mắt.

Ví dụ như hãng LG đang làm việc để phát minh ra nhiều loại robot khác nhau vừa có thể tối ưu hóa công việc nhà - từ máy cắt cỏ tự động cho đến các thiết bị gia dụng thông minh - vừa phục vụ ở các môi trường khác chẳng hạn như khách sạn, khu mua sắm, trung tâm du lịch và các địa điểm công cộng khác.

Những ứng dụng của robot trong tương lai cũng có thể giúp cho Hàn Quốc không chỉ thay thế lực lượng lao động vốn đang già đi và nghỉ hưu nhanh chóng mà còn chăm sóc cho những lao động này.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/vi-sao-han-quoc-dan-dau-ve-phat-trien-robot-3321733/