Kiev thực sự lo ngại kịch bản Afghanistan sẽ xảy ra với chính mình. Mới đây chính quyền Ukraine đã từ chối đề nghị Mỹ cấp quy chế đồng minh chủ chốt của NATO cho mình. Vì quy chế này đã không giúp gì cho Afghanistan trước sự trỗi dậy thần tốc của Taliban. Việc gia nhập châu Âu của Ukraine cũng gặp nhiều sóng gió. Một số chính trị gia của châu Âu cho rằng phải vài năm nữa, Ukraine mới có thể đạt được giấc mơ châu Âu của mình.
Hy vọng vào NATO…tắt dần
Trả lời phỏng vấn với CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Mỹ, tôi đã đưa ra vấn đề gia nhập NATO của Ukraine, Tổng thống Joe Biden nói: Ukraine xứng đáng có một vị trí trong NATO, thế nhưng việc này một mình tôi không thể đưa ra quyết định được”.
Từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng 2014, Brussels và Washington đã ít nhất là 7 lần được nghe những đề nghị tha thiết của Ukraine được gia nhập các tổ chức này. Tính đến thời điểm này, cả EU và NATO vẫn “cửa đóng then cài” với Ukraine. Ukraine thậm chí còn chưa nhận được quy chế “hành động tư cách thành viên” - giai đoạn chuyển tiếp để gia nhập NATO.
Ngay người dân Ukraine cũng chưa sẵn sàng đón nhận những điều nhỏ mọn hơn. Hôm 8/9 vừa qua, Hội đồng Tối cao Ukraine đã bác bỏ sáng kiến đề nghị Mỹ cung cấp quy chế đồng minh chủ chốt ngoài NATO cho Ukraine. Các thành viên Đảng “Phụng sự nhân dân” của Tổng thống Ukraine cho rằng quy chế này chỉ làm tổn hại Ukraine. Afghanistan đã được Mỹ trao cho quy chế đồng minh chủ chốt ngoài NATO, nhưng điều này chẳng giúp gì được cho chính phủ Afghanistan trước cuộc tấn công thần tốc của Taliban (tổ chức bị cấm hoạt động ở Nga).
Tổng thống Ukraine nhớ lại cuộc đàm phán với Tổng thống Biden trong chuyến công du mới đây của mình tới Nhà Trắng: “Ông Joe Biden đã an ủi tôi rằng số phận Afghanistan sẽ không lặp lại ở Ukraine, Ukraine không bị phụ thuộc vào Mỹ như Afghanistan, Ukraine là một đất nước rộng lớn, làm sao mà trong vòng chỉ có 4, 5 hoặc 7 ngày là có thể đánh chiếm Ukraine được”.
Tổng thống Ukraine: Chiến tranh với Nga “có thể xảy ra”
Đường vào EU còn lắm chông gai
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba mới đây phát biểu, trấn an mọi người rằng: Ukraine là một nước Trung Âu, làm sao có thể sống thiếu châu Âu được? Quan điểm này của Dmytro Kuleba không nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid bất ngờ tuyên bố: “Con đường đến châu Âu của Ukraine phải mất vài năm ánh sáng nữa, một ngày đẹp trời tôi rất muốn chứng kiến Ukraine là thành viên của EU, nhưng trong suốt thời gian 5 năm ở cương vị tổng thống của tôi, Kiev chưa đạt được một tiến triển nào trên con đường cải tổ của mình”.
Nói về thực trạng doanh nghiệp ở Ukraine, Tổng thống Kersti Kaljulaid cho biết thêm: “Mới đây, giám đốc một doanh nghiệp có nói với tôi rằng, khi công ty của anh ta chuẩn bị ký một hợp đồng quan trọng ở Ukraine, một luật sư đã tiếp cận vị giám đốc doanh nghiệp này, và đề nghị : để quá trình hợp đồng được suôn sẻ, công ty phải nhượng lại một phần cổ phần. Vậy nên, có ai đó hỏi tại sao Ukraine vẫn nằm ngoài EU? Câu trả lời là gì, chắc mọi người đã rõ”.
Việc Tổng thống Kaljulaid nói thẳng, nói thật có lẽ cũng là vì nhiệm kỳ của bà sắp kết thúc, không còn gì để mất, những lời lẽ đó tác động rất mạnh đến giới lãnh đạo Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba phàn nàn: “Tôi rất ngạc nhiên trước những lời nói của Tổng thống Estonia. Khi trao đổi với tôi, bà ấy đã tỏ ra rất lạc quan. Không hiểu điều gì đã thôi thúc bà ta phát ngôn như vậy - những quan điểm đi ngược lại với quan hệ hữu nghị hai nước. Các nước phương Tây lợi dụng vấn đề cải cách để từ chối công nhận tư cách thành viên châu Âu của Ukraine, khi chúng tôi đưa ra câu hỏi phải làm gì để đạt được tư cách đó, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là: các anh phải tiếp tục làm việc đi. Tôi thực sự mệt mỏi trước việc Ukraine đã bị khái niệm cải cách ngáng đường, và không công nhận một sự thực là chưa gia nhập châu Âu, không phải là do Ukraine chưa sẵn sàng, mà là do các nước châu Âu chưa sẵn sàng tiếp nhận Ukraine mà thôi”.
Phó giám đốc Viện các quốc gia độc lập (SNG) Vladimir Zharikhin cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho Ukraine chưa thể gia nhập EU. Giới chức châu Âu có quan điểm rằng: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập châu Âu trước Ukraine, bao giờ thì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của EU? Câu trả lời là: “không bao giờ””.
Quả thực, Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên gia nhập EU sớm hơn nhiều so với Ukraine. Có khoảng thời gian, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU đã đến rất gần. Thế nhưng, thực trạng quan hệ hiện nay giữa Ankara và Brussels đang rơi vào bế tắc. Vấn đề gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên nguội lạnh ở cả hai phía. Tuy vậy, ý tưởng ban đầu của cả hai bên vẫn còn nguyên giá trị. Vậy nên, nếu Ukraine được kết nạp vào EU trước, thì điều này sẽ dẫn đến những phiền toái khôn lường – và đó là điều không ai mong đợi.
Ông Zharikhin cho biết thêm: “Đức và Pháp là hai quốc gia chủ chốt của EU hoàn toàn không ủng hộ giải pháp kết nạp Ukraine. Lý do là vì Ukraine là quốc gia đông dân ở Đông Âu, nếu trở thành thành viên của EU, khi cần biểu quyết các vấn đề quan trọng, kết quả bầu cử sẽ thiên về các nước Đông Âu, đứng đầu là Ba Lan, điều này cả hai quốc gia Đức và Pháp đang hết sức né tránh, bởi vì hiện nay, giữa Brussels và các nước Đông Âu vốn đã có rất nhiều vấn đề, hầu như tháng nào cũng xảy ra các vụ bê bối trong quan hệ giữa Brussels với Warsaw và Budapest, thêm Ukraine vào nữa, tình hình không biết sẽ đi về đâu. EU rất nản lòng khi mường tượng ra viễn cảnh này”.
Zharikhin kết luận: “Thật không ngoa khi Tổng thống Estonia nói rằng “phải mất vài năm ánh sáng nữa thì Ukraine mới chạm tay tới châu Âu”. Khi đàm phán, mọi người hay viện dẫn tiến trình cải cách của Ukraine vẫn dậm chân tại chỗ - đó chỉ là một phần của sự thật, và không phải là nguyên nhân chủ yếu”.