VDCA thảo luận góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 14/8, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức thảo luận về tác động của Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 72/2013.

Đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp tham gia thảo luận trực tuyến và trực tiếp về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. VDCA sẽ thu thập ý kiến các doanh nghiệp và gửi những kiến nghị, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Nghị định.
Đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp tham gia thảo luận trực tuyến và trực tiếp về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. VDCA sẽ thu thập ý kiến các doanh nghiệp và gửi những kiến nghị, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Nghị định.

Trước đó, hôm 17/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet. Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan.

Nội dung dự thảo có nhiều vấn đề đáng bàn như việc định danh người dùng trên mạng xã hội qua số điện thoại, hay việc cắt Internet những người có hành vi vi phạm trên mạng.

Cân nhắc đề xuất cắt Internet đối với người vi phạm

Góp ý về đề xuất cắt Internet đối với những người vi phạm trên mạng, một số ý kiến tỏ ý băn khoăn và cho rằng việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo và đa chiều.

Có ý kiến cho rằng quy định nói trên làm phát sinh biện pháp xử phạt hành chính mới, chưa từng có tiền lệ. Về bản chất, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet là biện pháp để trừng phạt cá nhân có hành vi đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng mà chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, quy định này cũng đặt ra băn khoăn về tính tương xứng giữa hành vi vi phạm, hậu quả và biện pháp xử phạt. Liệu biện pháp xử phạt này có ý nghĩa giáo dục người vi phạm hay không, và có khả thi về mặt kỹ thuật để thực hiện trên thực tế không.

Theo ý kiến của một chuyên gia viễn thông, đối với các cá nhân vi phạm trên Internet, chúng ta không thể thực hiện những biện pháp quá cực đoan. Trong trường hợp những hành vi của người vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự, việc "tách" họ ra khỏi thế giới mạng là điều chưa phù hợp. Chưa kể nếu họ dùng chung Internet trong gia đình, việc cắt Internet sẽ khiến các thành viên khác trong gia đình bị ảnh hưởng?

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Kiêm Văn - Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã nêu ra tình huống người vi phạm bị cắt Internet/mạng di động thì họ sẽ xoay sở ra sao nếu muốn sử dụng app VNeID, hoặc họ sẽ làm cách nào để viết email công việc. Ông Văn cho rằng nên cho họ sử dụng một số dịch vụ thiết yếu thay vì chặn mọi truy cập Internet.

Đối với đề xuất trong dự thảo về việc định danh người dùng mạng xã hội bằng chính số điện thoại mà người đó sở hữu, vị chuyên gia này cho rằng hiện nay thông tin thuê bao di động cơ bản đã được làm sạch, các thuê bao rác đã bị thu hồi. Nếu gắn số điện thoại với tài khoản mạng xã hội thì có thể tạo ra một cổng đăng nhập duy nhất (single sign on) của mỗi người để đăng nhập vào mạng xã hội, diễn đàn, từ đó có thể xác minh được các hoạt động/lời bình luận của họ trên mạng. Đây có thể là một biện pháp tốt và có tính khả thi cao.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất VDCA và các cơ quan chức năng có tác động đến các mạng xã hội để những tài khoản đã được xác định bằng số điện thoại sẽ được gắn tick xanh. Các tài khoản tick xanh sẽ được bảo vệ khi tham gia trên môi trường mạng.

Cần một bộ quy định về nền tảng số

Tham gia vào buổi thảo luận, ông Nguyễn Quang Duy, đại diện công ty Sconnect Việt Nam - một công ty chuyên sản xuất nội dung cho trẻ em trên môi trường số - đã nêu lên 3 vấn đề mà ông thấy cần có giải pháp để giải quyết.

Thứ nhất là thị trường nội dung số Việt Nam đang bị thống trị bởi các nền tảng xuyên biên giới (công ty nước ngoài). Trong khi đó, dự thảo Nghị định lại chưa thấy đề cập đến nền tảng số mà lại dành hẳn một mục quy định về mạng xã hội, trong khi mạng xã hội chỉ là một phần cấu thành của nền tảng số, chưa bao quát được khi nền tảng số có những tính năng như chia sẻ video, chia sẻ ứng dụng.

Thứ hai, các app không phép hiện tràn lan trên các nền tảng số Việt Nam. Nhiều game không phép vẫn đang phát hành và thu hút người chơi tại Việt Nam. Điều này cũng chưa thấy có quy định rõ trong dự thảo.

Thứ ba, nạn đầu cơ về tên miền, fanpage, group dựa trên danh tiếng của doanh nghiệp, người nổi tiếng.

vt_gop y du thao Internet.jpg

Theo ông Nguyễn Quang Duy, dự thảo Nghị định cần sửa đổi theo hướng tăng cường quyền lực nhà nước đối với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Apple, Facebook, TikTok... để họ tuân thủ các quy định của Việt Nam, cũng như tăng cường kiểm soát đối với các game, ứng dụng không có giấy phép; ngăn chặn đầu cơ tên miền.

Điều quan trọng nhất, ông Duy cho rằng, cần có một bộ quy định toàn diện về nền tảng số. Những quy định này sẽ tạo ra sự ràng buộc đối với các nền tảng quốc tế, giúp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam một cách tốt hơn, đồng thời tránh tình trạng bảo hộ ngược.

Cần quy định thông thoáng hơn cho game online

Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết cách đây 1 tháng, VIRESA cùng các doanh nghiệp game online đã có buổi tham gia góp ý về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Với những kiến nghị mang tính thuyết phục, Chính phủ đã quyết định chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Ông Cường nói thêm rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang muốn thúc đẩy xã hội số, xây dựng nền kinh tế số, thì game online cũng là một ngành dịch vụ có thể góp phần phát triển kinh tế số.

Theo ông Cường, điều quan trọng là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 cần có những quy định thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp game online nội địa phát triển, bảo vệ doanh nghiệp trong nước, đồng thời quản lý hiệu quả ứng dụng xuyên biên giới để tránh thất thu thuế.

Trong lĩnh vực thể thao điện tử (eSports) sẽ có những vận động viên năng khiếu, vận động viên chuyên nghiệp, vận động viên trẻ, có các giải đấu cho các vận động viên theo trình độ và lứa tuổi. Ông Cường đề nghị đưa vào dự thảo quy định nếu vận động viên dưới 14 tuổi có sự bảo hộ của gia đình, trung tâm thể thao... thì vẫn được tham gia thi đấu.

Ngoài ra, theo ông Cường, một số cửa hàng game/trung tâm game đã trở thành địa điểm luyện tập thi đấu quốc tế bộ môn eSports. Do chênh lệch về múi giờ mà nhiều trận thi đấu quốc tế có thể diễn ra vào lúc 2h đến 3h sáng. Ông đề nghị quy định về giờ giấc thi đấu cũng cần được đưa vào dự thảo.

Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Hiện nay mỗi ngày có hàng triệu nội dung được đưa lên Internet. Nếu thực hiện tiền kiểm sẽ rất tốn thời gian và công sức của cơ quan quản lý, đồng thời làm chậm tốc độ cung cấp nội dung/dịch vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với những ứng dụng được đưa lên chợ/kho ứng dụng, việc thông qua cơ chế kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp nội dung số đã đề xuất cơ chế hậu kiểm. Những sai phạm hoàn toàn có thể được phát hiện và gỡ bỏ dễ dàng khi hậu kiểm.

Theo ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (trực thuộc VDCA), dự thảo vẫn còn nặng về các quy định hành chính. Ông kỳ vọng các quy định trong dự thảo cởi mở hơn, chuyển sang cơ chế dân sự thay vì hành chính kiểm soát. Ông Chung nói rằng những sản phẩm cung cấp trên Internet là thiên biến vạn hóa, thay đổi rất nhanh, nếu quy định hành chính cứng nhắc thì khó theo kịp. Ông ủng hộ giải pháp hậu kiểm đối với nội dung số.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ năng lực tiền kiểm/cấp phép rất khó thực hiện khi có hàng triệu nội dung đưa lên nhưng cơ quan chức năng chỉ cấp phép được vài trăm. Nếu tạo ra chính sách mà không tiền kiểm được thì làm hạn chế khả năng phát triển của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hậu kiểm rồi thì cơ chế nào để xóa hoặc block nội dung sai phạm. Ông Cường cho rằng sử dụng không đúng quyền hậu kiểm cũng có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đối với người thụ hưởng dịch vụ (user), ông Cường đặt câu hỏi liệu những user đó có được bảo vệ hay không. Chẳng hạn một số doanh nghiệp sở hữu game có đến hàng triệu người chơi, nếu một ngày doanh nghiệp đóng cửa thì người chơi có được bảo vệ tài sản số trong game không?

Theo ông Cường, có nhiều thứ không cần thiết phải quản lý, và thay vào đó, nguồn kinh phí của Nhà nước nên được sử dụng vào một số lĩnh vực chủ yếu, không nên mở rộng dàn trải. Do đó dự thảo sửa đổi nên có biện pháp nới lỏng hơn nghị định cũ.

Bà Triệu Thị Thu Lan, Trưởng phòng quản lý rủi ro công nghệ, Trưởng nhóm Tư vấn thị trường khu vực Hà Nội, công ty KPMG, đã phân tích rằng quy định trong dự thảo về thời gian 48 giờ doanh nghiệp phải xử lý các sai phạm/vấn đề phát sinh là tương đối khó cho doanh nghiệp. Bà cho rằng dự thảo nghị định cần xem lại quy định về các mốc thời gian làm sao cho có tính khả thi.

Ngoài ra, sau khi Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành, có một số điều khoản mà dự thảo Nghị định lần này chồng lấn với quy định trong Nghị định 13. Bà Lan đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những hướng dẫn cụ thể hơn hoặc sửa đổi để Nghị định mới phù hợp với những quy định trong Nghị định 13.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho rằng trong dự thảo Nghị định có những điểm chưa nhất quán với Luật hiện hành. Chẳng hạn như Luật Viễn thông đã cho phép các doanh nghiệp OTT được miễn trừ báo cáo nội dung (doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với nội dung mình đưa lên), nhưng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 lại yêu cầu nghiệp có nghĩa vụ báo cáo nội dung, tức là cơ quan chức năng sẽ thực hiện tiền kiểm.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, ông Vũ Kiêm Văn cho biết tất cả ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được VDCA ghi nhận, tổng hợp và sẽ gửi góp ý đến cơ quan soạn thảo Nghị định. Ông Văn thông báo trong thời gian tới VDCA sẽ phối hợp với VCCI tổ chức một hội thảo có quy mô lớn hơn với sự có mặt của cơ quan quản lý để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp xung quanh Dự thảo Nghị định mới này.

Ngày 8/8, trong cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đã đề cập đến tính khả thi của đề xuất "cắt Internet" với người vi phạm trên mạng. Bà Huyền cho rằng đây chỉ là giải pháp bổ sung, chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Tuy nhiên, bà cũng nói rằng cắt Internet "là biện pháp mạnh và cần thiết trong một số tình huống" đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, đặc biệt dưới hình thức livestream.

Theo đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi biểu tình, xúc phạm cá nhân... Một số thông báo trước khi thực hiện livestream, nhưng cũng có nhiều trường hợp livestream bất ngờ với nội dung "rất khó kiểm soát".

Do đó, theo bà Huyền, để tăng cường hiệu quả xử lý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung biện pháp để xử lý nhanh.

Cơ quan soạn thảo cũng đang lấy ý kiến của các bên liên quan, trên cơ sở thống nhất các quy định. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với doanh nghiệp Internet xây dựng quy trình triển khai thực tế./.