5 điểm quan trọng trong khuyến nghị mà Việt Nam và ASEAN đưa ra để quản lý mạng xã hội và các phương tiện truyền thông là gì?

VietTimes -- Ngày 14/11/2019 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị "Nghiên cứu phát triển các chính sách, hướng dẫn pháp lý về mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ở các nước ASEAN". Ngoài nước chủ nhà Việt Nam còn có các đại biểu của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào và Campuchia cùng đại diện của UNESCO và Hàn Quốc. 
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam với báo cáo về hiện trạng các mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới tại Việt Nam
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam với báo cáo về hiện trạng các mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới tại Việt Nam

Hội nghị do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chủ trì tổ chức trong khuôn khổ dự án "Nghiên cứu phát triển các chính sách, hướng dẫn pháp lý về mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới ở các nước ASEAN". 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Triệu Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đánh giá cao nội dung của hội nghị và sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ cũng như các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế trong việc tổ chức thành công hội nghị này. 

Hội nghị đã nghe đại diện NIICS trình bày báo cáo nghiên cứu về phát triển các chính sách, hướng dẫn pháp lý về mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới ở các nước ASEAN. Khu vực ASEAN với 653,9 triệu dân, 837,9 triệu thuê bao di động, 415 triệu thuê bao Internet, 401 mạng xã hội đang rất cần những môi trường pháp lý đặc thù để quản lý về mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới. Đó chính là những nội dung mà hội nghị phải thảo luận và đi đến nhất trí cao. 

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh kỷ niệm
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh kỷ niệm

Tổng kết hội nghị, ông Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng NIICS cho biết, các đại biểu tham dự đã thống nhất chung một khuyến nghị 5 điểm:

- Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới. 

- Cùng báo cáo lên Ban thư ký ASEAN về tiêu chí đánh giá mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới để UNESCO hỗ trợ. 

- Xây dựng các mạng xã hội bằng bản ngữ của các nước thành viên bằng công cụ dịch thuật tự động. 

- Thiết lập kênh trao đổi về những thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng nước thành viên để buộc các mạng xã hội toàn cầu như Facebook, Twitter... phải gỡ bỏ. 

- Xây dựng các trung tâm tự xử lý các tin giả (fake news) như Việt Nam và Thái Lan đã triển khai và có sự kết nối chung.