Vẫn chưa rõ liệu ông Putin có thực hiện chiến dịch tranh cử sắp tới hay không, nhưng rõ ràng với các cuộc khủng hoảng và khó khăn hiện nay, ông Putin cần hướng đi khác để cải thiện tình hình. Và có lẽ sự nhượng bộ trong lệnh trừng phạt gần đây đã thể hiện hướng tiếp cận khác của ông Putin.
Giới lãnh đạo Nga đang dần nhận ra rằng dự luật mà quốc hội Mỹ vừa phê chuẩn mới đây không chỉ nhằm thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà còn làm suy giảm vị thế của Nga trên trường quốc tế, xuống tình trạng bị bỏ rơi và cô lập như Iran và Triều Tiên.
Hồi năm ngoái, Mỹ đã đóng cửa hai trụ sở ngoại giao của Nga ở New York và Maryland, và Tổng thống Putin đã đề cập đến vấn đề này trong các cuộc gặp với Tổng thống Trump trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức.
Mới đây, Mátxcơva đã đưa ra tuyên bố cấm sử dụng nhà nghỉ của Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva, và đây được cho là một biện pháp chưa đủ mạnh để đáp trả biện pháp trừng phạt mà chính quyền Obama thi hành hồi tháng 12 năm ngoái, và cũng chẳng phải là biện pháp đối phó tương xứng với những lệnh trừng phạt bổ sung mới đây do Quốc hội Mỹ đưa ra.
Ông Putin rõ ràng là rất tức giận về việc Mỹ lợi dụng ưu thế địa chính trị, và có lẽ ông cũng đã tính toán sai lầm về ý định thúc đẩy hợp tác với Nga, do đó đáng ra điện Kremlin nên đưa ra động thái đáp trả mạnh mẽ hơn, trang Jamestown nhận định.
Chỉ duy nhất có một lĩnh vực được các lệnh trừng phạt Mỹ loại trừ, đó là hợp tác trong các chương trình không gian vũ trụ. Các đề xuất loại Mỹ ra khỏi các quỹ dự trữ tài chính Nga sẽ hầu như không ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD, nhưng lại có thể hủy hoại hệ thống tài chính của Nga. Chính sách mới của Mỹ đặc biệt hướng vào nạn tham nhũng ở Nga và hoạt động của các nhân vật chính trị có liên quan trực tiếp với Điện Kremlin, và Mátxcơva không có biện pháp bảo vệ nào trước các cuộc điều tra kiểu này.
Những nỗ lực làm sâu sắc bất đồng giữa Mỹ và EU có thể gây ra một số chia rẽ, nhưng chắc chắn Nga khó có thể hy vọng nước này sẽ gây ra một cuộc đối đầu trong lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ và EU.
Điều này có nghĩa là chính sách đối ngoại sẽ là công cụ chính để đối phó với Mỹ và ông Putin lại coi mình là bậc thầy về quản lý xung đột. Hãy cùng điểm qua các điểm nóng trên thế giới và xem xét vai trò của Nga.
Hiện nay, một trong số các cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất diễn ra ở Triều Tiên nhưng Trung Quốc đã kiểm soát nó, do đó Bộ Quốc phòng Nga gần như không thể xác nhận rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa không gây ra mối đe dọa nào. Trung Quốc cũng đang liên quan đến cuộc xung đột rất căng thẳng với Ấn Độ, nhưng Mátxcơva không có khả năng làm trung gian hòa giải trong cuộc đua tham vọng này.
Có thể Nga có cơ hội gây ảnh hưởng đến cuộc nội chiến Libya, nhưng Nga lại không thể can thiệp quân sự. Tình trạng bạo lực mất ổn định ở Venezuela là một cơ hội để ông Putin khẳng định lập trường, nhưng khu vực này lại quá xa tầm với của Mátxcơva. Nga cũng có thể từ bỏ Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn với Mỹ năm 1998, nhưng hệ quả của việc này sẽ gây phương hại đến các lợi ích chiến lược của Nga.
Do đó, Nga chỉ còn hai nơi để có thể tham gia vào cuộc xung đột đối đầu với lợi ích của Mỹ và phương Tây, đó là Syria và Ukraine. Hiệp định ngừng bắn ở miền nam Syria được ông Trump và ông Putin nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn được duy trì.
Ông Putin mới đây đã gặp gỡ Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki, nhân vật quan trọng trong chiến thuật gây ảnh hưởng tới Iraq của Iran. Nhân dịp này, ông Putin đã tìm kiếm cơ hội mới cho các hoạt động của Nga ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, ông Putin cũng ngần ngại khi bị coi là đồng minh của Iran vì điều này có thể tác động xấu tới thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu mỏ với Ả Rập Xê-út và các nước OPEC, mà thỏa thuận này lại hết sức quan trọng trong việc nâng giá dầu lên mức 50 USD/thùng. Syria cũng là nơi duy nhất diễn ra sự hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ, do đó việc cắt giảm quan hệ Nga- Mỹ ở đây sẽ là động thái phản tác dụng.
Đối với Ukraine, ông Kurt Volker, đặc phái viên mới bổ nhiệm của Mỹ về vấn đề Ukraine đã chứng kiến các cuộc đụng độ ở Donbass mới đây. Trong khi ông Putin bị phương Tây cáo buộc không hợp tác hòa giải trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Hiện nay, phương Tây cho rằng ba sư đoàn của Nga đã sẵn sàng tiến vào chiến trường này và phá vỡ tuyến phòng vệ của Ukraine ở Mariupol hoặc ở ngoại ô Donetsk. Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của Nga và Belarus mang tên Zapad 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới có thể là một động thái ngụy trang nhằm triển khai thêm lực lượng tới khu vực này. Nó có khả năng tạo ra sự thành công nho nhỏ về mặt chiến thuật, hướng tới đột phá về mặt chiến lược, Jamestown dự đoán.
Hơn nữa, mới đây một cuộc diễu hành hải quân lớn chưa từng thấy đã diễn ra ở St. Petersburg, với sự tham gia của tàu ngầm hạt nhân lớn nhất Dmitry Donskoy. Các tàu chiến của Trung Quốc cũng tham gia vào màn diễu hành này sau khi tập trận chung với Hạm đội Baltic của Nga. Ông Putin đã tham gia vào cuộc diễu hành với vai trò Tổng Tư lệnh và tái khẳng định vị thế cường quốc hải quân của Nga.
Trong đêm diễu hành hải quân tại cảng Tartus, Syria, ông Putin đã ký một sắc lệnh về đường lối chỉ đạo chính sách hải quân, nhấn mạnh sự chú trọng nỗ lực vào nhiệm vụ bảo đảm Hải quân Nga là hải quân mạnh thứ hai trên thế giới. Rất có thể, việc thể hiện sức mạnh hải quân là biện pháp giúp ông Putin lấy lại sự tự tin sau vụ thất bại trong quan hệ với ông Trump.
Vẫn chưa rõ liệu ông Putin có thực hiện chiến dịch tranh cử sắp tới hay không, nhưng rõ ràng với các cuộc khủng hoảng và khó khăn hiện nay, ông Putin cần hướng đi khác để cải thiện tình hình. Và có lẽ sự nhượng bộ trong lệnh trừng phạt gần đây đã thể hiện hướng tiếp cận khác của ông Putin.