Ủy viên đảng Dân chủ của Hoa Kỳ, bà Jessica Rosenworcel, cùng với một số nhóm doanh nhân công nghệ, nói rằng việc tăng thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình triển khai 5G tại Mỹ.
Trong một tweet vào thứ Sáu (10/5), bà Jessica Rosenworcel nói rằng mức thuế tăng hơn gấp đôi chỉ sau một đêm sẽ gây tổn hại cho tương lai ngành công nghệ. Bà Rosenworcel là thành viên duy nhất của đảng Dân chủ có chân trong Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).
Bà cũng nói thêm rằng việc tăng thuế sẽ có tác động tiêu cực đến kế hoạch của các nhà mạng Mỹ trong việc xây dựng mạng 5G, và làm chậm lại quá trình đổi mới công nghệ.
"Tất cả các thiết bị của mạng không dây 5G và IoT - từ modem, ăng ten cho đến chất bán dẫn - đều phải chịu mức thuế mới", bà nói. "Điều đó không tốt cho người tiêu dùng, cho sự đổi mới hoặc sự dẫn đầu công nghệ của Hoa Kỳ".
Các ý kiến được đưa ra khi ông Trump ra lệnh tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá khoảng 200 tỷ USD từ Trung Quốc - một động thái mà nhiều người trong ngành công nghệ đã cảnh báo rằng sẽ làm tổn thương người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Việc tăng thuế đã có hiệu lực từ thứ Sáu (10/5) khi chính quyền Mỹ vẫn đang tiếp tục đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc ở Washington DC.
Bà Jessica Rosenworcel đã từng bày tỏ mối quan ngại tương tự vào tháng 9 năm ngoái sau khi Tổng thống Trump khởi xướng mức thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Cuộc chiến thương mại của chính quyền Mỹ với Trung Quốc có nguy cơ làm tăng chi phí cơ sở hạ tầng không dây lên hàng trăm triệu USD vào thời điểm quan trọng trong cuộc đua tới 5G", bà nói.
Bà Rosenworcel không đơn độc trong những lời chỉ trích của mình. Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông (TIA), đại diện cho nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp mạng lưới thông tin liên lạc công nghệ cao, đã đưa ra một tuyên bố hồi đầu tuần này rằng các mức thuế "sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh công nghệ của chúng tôi so với các nước khác, làm tổn thương nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ".
Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA) – đơn vị tổ chức triển lãm CES hàng năm và là đại diện cho ngành công nghiệp tiêu dùng Hoa Kỳ, gọi động thái này là "thảm họa" và cho biết thuế quan khiến cho người phải trả giá là Mỹ chứ không phải là Trung Quốc.
"Thuế quan đơn giản là thuế”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CTA Gary Shapiro nói trong một tuyên bố. "Và họ được trả giá bởi người tiêu dùng, công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ chứ không phải bởi người Trung Quốc".
Vì sao thuế quan lại ảnh hưởng đến Mỹ?
Mặc dù các nhà mạng lớn của Mỹ không sử dụng thiết bị của Trung Quốc để xây dựng mạng lưới của họ, điều đó không có nghĩa là thuế quan sẽ không có tác động tiêu cực. Bà Rosenworcel, ông Gary Shapiro và những chính trị gia khác đã chỉ ra rằng nhiều thành phần như chất bán dẫn hoặc modem, có thể được phát triển ở Mỹ và được sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc, sẽ phải chịu mức thuế 25% khi nhập trở lại Hoa Kỳ.
Vì lý do này, ông Shapiro cho biết cuộc chiến thương mại của Trump đã giúp Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đua tới 5G, vì mức thuế 10% áp đặt năm ngoái đã khiến các doanh nghiệp Mỹ phải trả giá.
"Trong chưa đầy một năm theo các mức thuế này, ngành công nghiệp công nghệ Mỹ đã trả thêm hơn 745 triệu USD cho các sản phẩm liên quan đến 5G," ông nói.
Gary Shapiro nói thêm, ông đồng ý với chính quyền rằng phải có thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để bảo vệ sở hữu trí tuệ. "Nhưng tăng thuế suất hoặc áp thuế mới không phải là một chiến thuật đàm phán chiến thắng".
Cuộc đua toàn cầu cho 5G
5G - thế hệ thứ năm của công nghệ di động, là bước tiến lớn tiếp theo trong công nghệ không dây. Nó được ca ngợi là nền tảng cho các xu hướng lớn khác như xe tự lái, thực tế ảo, vạn vật kết nối.
Các nhà mạng Mỹ đã đẩy mạnh vào 5G. Năm ngoái, Verizon đã bắt đầu dịch vụ băng thông rộng tại nhà 5G ở mức độ giới hạn. Năm nay họ đã ra mắt dịch vụ 5G di động. Mạng 5G của AT&T đã đi vào hoạt động tại một số thành phố được chọn vào tháng 12 và nhà mạng này đã liên tục triển khai các trạm phát bổ sung trong năm nay. Sprint và T-Mobile cũng dự kiến sẽ bắt đầu triển khai 5G.
Cuộc đua 5G cũng đang diễn ra ngoài Hoa Kỳ. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Mỹ có thể bị tụt lại phía sau. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Analysys Mason công bố vào tháng trước, Trung Quốc đã có sự kết hợp tốt nhất giữa các nhà mạng không dây với sự hỗ trợ của chính phủ. Các nhà mạng nước này đa đầu tư rất nhiều tiền của cho nghiên cứu phát triển 5G và có kế hoạch triển khai rõ ràng vào năm 2020.
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, thì Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia đi đầu trên toàn cầu trong lĩnh vực 5G, theo Analysys Mason.