Cuộc gọi 5G này được các kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện trên mạng di động 5G mà Viettel đang thử nghiệm, với sự trợ giúp của hãng Ericsson (Thụy Điển). Qua thử nghiệm, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Trước đó, ngày 25/4, Viettel cũng đã phát sóng thử nghiệm thành công mạng 5G trên băng tần được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép. Tốc độ kết nối trong lần thử nghiệm đó đạt từ 600 - 700 Mbps, tương đương với tốc độ kết nối 5G của nhà mạng Verizon (Mỹ).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét về cột mốc thử nghiệm cuộc 5G đầu tiên tại Việt Nam
|
Chứng kiến việc thử nghiệm của Viettel, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu: "Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nền tảng thúc đẩy mọi lĩnh vực trong cuộc sống bởi vậy phải đi trước, phải được đầu tư trước.
Thử nghiệm 5G ngày hôm nay của Viettel phải tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao chất lượng mạng 5G trên toàn quốc, và chỉ rõ vai trò 5G trong mạng di động toàn cầu. Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Ở đó, Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam song hành với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ 5G. Do đồng hành cùng thế giới nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel gặp nhiều thách thức do những vấn đề phát sinh với 5G đều là những vấn đề mới đối với các chuyên gia thế giới.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT&TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại. Từ đó, Bộ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020.