Sự ra đời của mạng điện thoại di động 5G có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng dự báo thời tiết. Đó là lời cảnh báo của các nhà khí tượng học trên khắp thế giới. Họ nói rằng hệ thống không dây thế hệ tiếp theo, hiện bắt đầu được triển khai trên toàn cầu, có khả năng làm nhiễu loạn các thiết bị vệ tinh mà họ sử dụng để theo dõi sự thay đổi của khí quyển.
Sự can nhiễu này có thể làm giảm khả năng dự báo chính xác về những cơn bão lớn và sẽ khiến cho những thiệt hại về người và tài sản trở nên trầm trọng hơn.
“Cách thức 5G được triển khai có thể ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng dự báo của chúng tôi về những cơn bão lớn”, ông Tony McNally, nhà khoa học thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng châu Âu ở Reading cho biết. “Nó có thể khiến cho nhiều người thiệt mạng hơn. Chúng tôi rất quan ngại về điều này”.
Sự quan ngại mà các nhà khí tượng học thế giới bày tỏ bắt nguồn từ việc tần số vô tuyến mà mạng 5G sử dụng có thể gây nhiễu các vệ tinh quan trắc thời tiết.
Các thiết bị quan trắc trên các vệ tinh sẽ theo dõi bầu khí quyển và nghiên cứu các biến số như hơi nước, mưa, tuyết, mây và lượng băng - tất cả các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời tiết của chúng ta.
Vậy vì sao các thiết bị quan trắc lại bị ảnh hưởng bởi 5G?
Một ví dụ là tần số 23,8 gigahertz (GHz). Hơi nước phát ra tín hiệu ở tần số này. Dữ liệu về hơi nước được theo dõi và đo bằng vệ tinh thời tiết. Các nhà dự báo thời tiết sau đó sử dụng dữ liệu này để đưa các dự báo về tình hình tiến triển và hướng đi của cơn bão.
“Những dữ liệu như vậy rất quan trọng với chúng tôi để đưa ra các dự báo”, nhà khoa học Niels Bormann cho biết/ “Nếu chúng tôi mất khả năng dự báo thời tiết thì nhiều rủi ro sẽ xảy ra”.
Vấn đề là một số mạng 5G có thể truyền dữ liệu ở tần số gần với tần số phát ra từ hơi nước, và do đó sẽ tạo ra tín hiệu trông rất giống sự hiện diện của hơi nước trong bầu khí quyển.
“Chúng tôi không thể phân biệt đâu là tín hiệu 5G, đâu là hơi nước. Điều này sẽ khiến cho dự báo trở nên không chính xác”, ông Bormann nói.
Tính cấp thiết của vấn đề càng được nhân lên khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ và các cơ quan tương đương ở các quốc gia khác đã bắt đầu bán đấu giá các tần số gần với tần số 23,8 GHz cho các nhà cung cấp mạng 5G tương lai.
Ngoài ra, các tần số khác được sử dụng để thăm dò thời tiết như 36-37 GHz (dùng để nghiên cứu mưa và tuyết), 50 GHz (dùng để đo nhiệt độ khí quyển) và 86-92 GHz (phân tích mây và băng), cũng đang được bán đấu giá ở Mỹ.
Vẫn còn phải xem liệu các quốc gia khác có bán các tần số này ở quốc gia của họ hay không. Vấn đề này sẽ được tranh luận tại một hội nghị toàn cầu tổ chức tại Ai Cập vào cuối năm nay.
Các nhà dự báo thời tiết nói rằng động thái của Mỹ đang làm tổn hại khả năng thu thập dữ liệu thời tiết của họ, và hứa sẽ vận động các quốc gia khác hạn chế sử dụng tần số quan trọng để duy trì khả năng đưa ra dự báo chính xác. Họ cáo buộc các nhà mạng chỉ biết đến lợi ích kinh doanh và các nhà quản lý đã không bảo vệ được các tần số tự nhiên thiết yếu để quan trắc Trái đất từ không gian.
“Chúng ta càng đi sai bao nhiêu, thì tác động xấu càng lớn bấy nhiêu”, Jordan Gerth, giáo sư đang công tác tại Đại học Wisconsin-Madison cho biết. “Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu”.