Chớ coi thường các dấu hiệu bất thường
Tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), ung thư lưỡi đã xuất hiện ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi, chiếm khoảng 10%. Mới đây, Bệnh viện Ung bướu đã tiếp nhận bệnh nhân P.V.A. (ngụ ở huyện Hóc Môn, TP.HCM), 19 tuổi với các vết loét ở lưỡi. Ban đầu, tưởng bị nhiệt miệng nên bệnh nhân mua thuốc về uống. Về sau, khi phát hiện có khối u nhô trên mặt lưỡi, A. mới đến bệnh viện và được chuẩn đoán mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3.
Trước đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ,20 tuổi, cũng bị ung thư lưỡi. Do tưởng bị nhiệt miệng nên bệnh nhân chủ quan không đến bệnh viên. Khi tới gặp bác sĩ khám thì bệnh đã nặng, phải phẫu thuật khá phức tạp và điều trị lâu dài.
Theo TS. BS. Bùi Xuân Trường - Trưởng khoa Ngoại 5, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - ung thư lưỡi hiên vẫn chưa rõ nguyên nhân. Nhưng có một số yếu tố có thể là nguyên nhân tác động đến căn bệnh này: Kém vệ sinh răng miệng; bệnh mãn tính về răng miệng: răng sâu, răng mẻ, răng mọc lệch, nha chu viêm… tạo nên những góc nhọn gây chấn thương vào lưỡi; uống rượu mạnh, hút thuốc lá, ăn trầu thuốc; hoặc có vấn đề dinh dưỡng như nghèo vitamin A.
TS. Bùi Xuân Trường cùng bệnh nhân A. đã phục hồi sau khi điều trị ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM).
|
Về cách nhận biết các dấu hiệu của ung thư lưỡi, TS. Bùi Xuân Trường chỉ ra, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ có cảm giác vướng, đau nhẹ. Những dấu hiệu dễ bị nhầm và bỏ qua: nhiệt miệng, đẹn, viêm miệng… Các triệu chứng trên xuất hiện dai dẳng, ngày càng nặng. Ngoài ra còn có một số vết loét, vết trợt hoặc một vùng dày lên, cứng và biến màu, cũng có thể chuyển sang màu trắng, màu đỏ tía ở lưỡi hay các dạng bướu chồi sùi giống như mụn cóc.
Sang giai đoạn 2, vết loét gây đau, chảy máu, tiết nhiều nước bọt, khó cử động lưỡi hoặc khó phát âm.
Giai đoạn 3, bệnh nhân có thể thấy bướu, chồi sùi hoặc loét xâm nhiễm. Bên vè lưỡi thường bị nhiều hơn. Trong giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện hạch. Hạch di căn có thể ở vùng dưới hàm, dưới cằm hay vùng bên cổ.
Đến giai đoạn cuối, các triệu chứng trở nên nặng hơn. Bệnh nhân sẽ mất trong tình trạng đau, chảy máu và bị chèn ép các đường ăn, đường thở, nhiễm trùng, suy kiệt.
Theo TS. Bùi Xuân Trường, trong giai đoạn tương đối sớm, khi khối bướu còn chưa di căn hạch, có hai lựa chọn điều trị: phẫu thuật hoặc xạ trị.
Ung thư lưỡi
|
Bác sĩ Xuân Trường chỉ rõ, đối với phẫu thuật nhằm vào khối bướu, bệnh nhân có thể bị cắt bờ khối bướu ít nhất 1,5 cm. Trong nhiều trường hợp khối bướu lớn cần phẫu thuật cắt một nửa hoăc cắt rộng hơn. Việc phẫu thuật để lại một khuyết hổng rất lớn trong miệng nên phải tạo hình lưỡi bằng cách: vạt tại chỗ, vạt từ xa, vi phẫu…
Phẫu thuật nhằm vào hạch, dù chưa thấy hạch thì cũng nạo hạch. Lấy hết hạch ở vùng dưới hàm, dưới cằm và cổ bên. Người ta gọi là nạo hạch phòng ngừa. Trong trường hợp, thấy hạch di căn thì bắt buộc nạo hết. Sau đó, tùy theo kết quả xét nghiệm sau mổ (khối bướu, hạch có di căn) để xạ trị thêm. Phẫu thuật là phương pháp được nhiều bệnh nhân lựa chọn, do ưu thế về kiểm soát bệnh, cũng như chức năng, thẩm mỹ tốt hơn.
Cách điều trị thứ hai là để nguyên và xạ trị, thay vì phẫu thuật. Xạ trị triệt để và xạ trị cả bướu, hạch. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân được xạ trị tạm bợ, kèm theo xạ trị và hóa trị.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Xuân Trường khuyến cáo: “Chế độ ăn uống cần phải có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin. Đặc biệt, không uống rượu, hút thuốc và giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thường xuyên kiểm tra miệng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường: vết trắng, vết đỏ, vết loét và kéo dài không dứt, nên đến bệnh viện ngay. Đôi khi sự cảnh giác có thể cứu được một mạng người”.