|
Bộ trưởng Tài chính Ukraina Serhiy Marchenko. Ảnh: Getty. |
Kiev đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trực tiếp tài trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine, thông qua việc phân bổ một phần cố định trong GDP của từng nước để hỗ trợ quân đội nước này.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách, theo đuổi mục tiêu làm trung gian hòa giải thay vì tăng cường viện trợ.
Theo bài đăng trên Facebook hôm 22/5, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko đã trình bày đề xuất tại cuộc họp bộ trưởng tài chính G7 tổ chức trong tuần này tại Canada.
“Chúng tôi đề xuất các đối tác cùng tham gia tài trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraine, điều này trên thực tế sẽ tích hợp họ vào cấu trúc phòng thủ của châu Âu”, ông Marchenko viết.
Ông cho biết chi phí này “chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP của EU” và có thể được phân bổ giữa các quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến. Kiev muốn khởi động chương trình này từ năm 2026, với khoản đóng góp được tính vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.
Lời kêu gọi của ông Marchenko được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với áp lực tài khóa gia tăng và triển vọng viện trợ quốc tế trở nên bất định. Hôm thứ Ba trong tuần, nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak tiết lộ rằng ngân sách năm 2025 của Ukraine đang thiếu hụt từ 400 đến 500 tỷ hryvnia (tương đương 9,6 đến 12 tỷ USD) để duy trì lực lượng vũ trang.
Nghị sĩ Nina Yuzhanina cảnh báo rằng mức độ hỗ trợ quân sự hiện đã đến ngưỡng nguy hiểm và kêu gọi cắt giảm chi tiêu công trong nước để tái phân bổ nguồn lực cho quốc phòng.
Nợ công ngày càng chồng chất của Ukraine cũng đang gây lo ngại. Tổng nợ quốc gia đã tiệm cận mức 171 tỷ USD, trong khi nợ công gần đạt 100% GDP. Đầu tháng này, ông Marchenko thừa nhận rằng Ukraine sẽ không thể trả nợ nước ngoài trong vòng 30 năm tới, nhưng vẫn có kế hoạch tiếp tục vay mượn.
Kể từ khi xung đột với Nga leo thang năm 2022, Ukraine đã nhận được hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo từ Mỹ, EU và các nhà tài trợ khác. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Brussels đang vấp phải chỉ trích từ một số quốc gia thành viên, bao gồm Hungary và Slovakia.
Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, mới đây đã ký một thỏa thuận tài nguyên thiên nhiên với Kiev nhằm bù đắp các khoản viện trợ tài chính. Thỏa thuận do Tổng thống Trump thúc đẩy này cho phép Mỹ tiếp cận ưu đãi với các tài nguyên khoáng sản của Ukraine mà không đi kèm cam kết bảo đảm an ninh.
Ông Trump, người nhiều lần kêu gọi chấm dứt xung đột nhanh chóng, cam kết sẽ làm trung gian hòa giải thay vì tiếp tục đẩy mạnh viện trợ quân sự. Các nghị sĩ Ukraine cảnh báo rằng gói viện trợ được phê duyệt dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden sẽ cạn kiệt vào mùa Hè năm nay, trong khi chưa có cuộc đàm phán nào về các gói viện trợ tiếp theo từ Mỹ được tiến hành.
Nga nhiều lần lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài cuộc chiến mà không thay đổi kết cục, đồng thời tạo thêm gánh nặng tài chính cho người đóng thuế phương Tây.