
Tăng cường triệt phá các ổ nhóm sản xuất
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tấn công, phá các ổ nhóm sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) giả, đưa những kẻ phạm tội ra tòa.
Trong “Vụ án Trấn Giang”, Tòa án thành phố Trấn Giang đã xét xử và tuyên án 13 năm và 12,5 năm tù giam hai kẻ cầm đầu ổ sản xuất. Tòa sau đó tiếp tục xét xử 5 kẻ khác tiếp tay quảng cáo sai và tiêu thụ sản phẩm “Thượng phương ngự dụng” từ 2 năm đến 7 năm 6 tháng tù giam và phạt tiền rất nặng.
Trước đó, ngành hữu quan cũng liên tiếp ra các quy định nghiêm ngặt xử phạt các người nổi tiếng trên mạng, nhất là các nghệ sĩ tham gia quảng cáo, làm gương mặt đại diện cho các sản phẩm, nhấn mạnh nếu nghệ sĩ quảng cáo sai về hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tổn hại người tiêu dùng, sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới; nếu biết quảng cáo là sai sự thật nhưng vẫn cố tình giới thiệu sản phẩm, cũng phải chịu trách nhiệm liên quan.
Một loạt các nghệ sĩ trẻ như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn, Trương Triết Hạn và nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy từng bị phạt tiền và loại khỏi làng giải trí trong một thời gian.
Năm 2021, Trung Quốc đã sửa đổi Luật quảng cáo, trong đó Điều 18 quy định quảng cáo sản phẩm TPCN không được bao gồm các nội dung: khẳng định hoặc bảo đảm về công dụng, tính an toàn; liên quan đến tác dụng dự phòng, điều trị bệnh; tuyên bố hoặc ám chỉ sản phẩm được quảng cáo thiết yếu cho giữ sức khỏe.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng căn cứ vào để tấn công, triệt phá các ổ nhóm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm TPCN giả.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền cho hoạt động triệt phá các ổ nhóm sản xuất, tiêu thụ TPCN giả. Sau khi CCTV phát phóng sự điều tra về nạn sản xuất TPCN giả hôm 28/4, hầu hết các trang tin, báo điện tử lớn đều đăng bài tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng nhận biết, phát hiện, tố cáo, tham gia vào cuộc chiến chống TPCN giả.
Những bất cập trong công tác chống TPCN giả
"Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuyên biên giới" được Trung Quốc triển khai vào tháng 3/2025 lẽ ra phải có khả năng hiển thị nơi xuất xứ thực sự bằng cách quét mã vạch, nhưng phóng viên khi thử nghiệm thực tế đã phát hiện ra rằng một sản phẩm TPCN có vấn đề vẫn có thể hiển thị là "đã được chứng nhận đạt chuẩn". Được biết, một số thương nhân bất lương đã lợi dụng mã vạch mua ở nước ngoài và khoảng cách về thông tin để qua mặt được cơ quan chức năng.
Chuyên gia chống hàng giả nổi tiếng Vương Hải chỉ ra rằng: "Luật hiện hành áp dụng mức phạt tối đa là 2 triệu NDT đối với hành vi bán hàng giả, trong khi những thương gia vô đạo đức có doanh thu hàng tháng lên tới hơn 100 triệu NDT".
Ông đề xuất cần học tập chế độ bồi thường gấp 10 lần trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của nước ngoài và truy cứu trách nhiệm liên đới của nền tảng thương mại điện tử liên quan.

Chương trình thí điểm "đảo ngược trách nhiệm" do Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Thượng Hải khởi xướng gần đây yêu cầu các thương gia phải chứng minh tính xác thực của sản phẩm của họ, kết quả đã khiến 23 công ty liên quan đến hàng giả phải tự nguyện loại bỏ sản phẩm TPCN của họ khỏi kệ hàng.
Khuyến cáo người tiêu dùng tự bảo vệ mình
Do thị trường Trung Quốc có rất nhiều sản phẩm TPCN giả, nên cách thức ngăn chặn cũng hết sức phức tạp. Nhà chức trách khuyến cáo rằng, khi mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhập khẩu, người dân tránh để bị đánh lừa bởi các lô hàng từ kho ngoại quan.
Nếu mua sản phẩm TPCN trong nước, người tiêu dùng được khuyến cáo tìm logo có hình chiếc mũ xanh nhỏ, truy cập trực tiếp vào trang web chính thức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia và tìm kiếm tên sản phẩm. Nếu không tìm thấy số đăng ký thì rất có thể đó là lừa đảo.

Ảnh: NetEase.
Khi bắt gặp những thông tin tuyên truyền kiểu như "do nhóm đoạt giải Nobel phát triển" và "được chứng nhận bởi tạp chí quốc tế", người tiêu dùng được khuyến cáo truy cập vào trang web chính thức của các tạp chí Nature và Science để tìm kiếm. Một loại "thuốc chống lão hóa thần kỳ" được cho là đã được xuất hiện trên tạp chí Cell (Tế bào), nhưng thực tế nó chỉ tài trợ trà, nước uống cho một buổi hội nghị học thuật.
Người tiêu dùng cũng được khuyến cáo cảnh giác với cụm từ "chiết xuất tự nhiên", bởi nó có thể chỉ là hương liệu trộn lẫn. Thông thường, các "thành phần bí ẩn được cấp bằng sáng chế" không hề có bằng chứng để xác thực. Cụm từ “không chứa kim loại nặng” không có nghĩa là sản phẩm không có chất cấm nào được thêm vào.
Trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên xem giấy phép kinh doanh của cửa hàng, giấy phép kinh doanh TPCN và số phê duyệt trong thông tin chi tiết sản phẩm. Nếu người bán ẩn thông tin này, sản phẩm có khả năng có vấn đề.
Ngoài ra, sau khi nhận hàng, người tiêu dùng được khuyến cáo không vội vứt bỏ bao bì, lưu biên lai, biên lai giao hàng nhanh và hồ sơ trò chuyện dịch vụ khách hàng vào đám mây trên điện thoại di động.

Nếu thấy sản phẩm có vấn đề hoặc người bán quảng cáo sai sự thật, là những căn cứ quan trọng để bảo vệ quyền lợi người dùng, người tiêu dùng có thể gọi số 12315 để khiếu nại hoặc báo cáo tình hình cho cơ quan giám sát thị trường địa phương.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng nhắc lại rằng TPCN không có bất kỳ tác dụng chữa bệnh nào, mà chỉ có chức năng hỗ trợ sức khỏe con người. Thêm nữa, khi mua sản phẩm TPCN, phải chọn kênh chính thức, không nên tìm đến những đại lý bán giá rẻ. Cách tốt nhất là chọn những nền tảng lớn hoặc các kênh chính thức, ít nhất thì chúng cũng được các nền tảng này hỗ trợ.

Theo khuyến cáo của cơ quan hữu quan, người tiêu dùng không nên mua những loại được công ty khuyến nghị hoặc những loại bán rong ngoài phố. Hãy đến các hiệu thuốc lớn và hỏi rõ về nơi sản xuất. Không mù quáng lựa chọn hàng nhập khẩu nước ngoài. Nếu thấy các sản phẩm TPCN được quảng cáo có tác dụng kỳ diệu quá mức, hãy tin đó là quảng cáo sai sự thật.

Bài 2: Hàng giả tràn lan, dưỡng sinh thành hại thân, thuốc thành độc dược

Bài 1: Từ "tiên dược" hoàng gia đến hàng giả đội lốt nhập khẩu

KOL bán thực phẩm chức năng như thuốc chữa ung thư "thần kỳ", tuyên bố doanh thu 36 triệu USD
Theo NetEase, Toutiao