Tiến sĩ Trần Du Lịch-Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung phát biểu tại sự kiện Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hôm ngày 1/3/2019 |
Từng tham gia xây dựng Nghị quyết 33 cho Đà Nẵng với vai trò là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủcách đây 20 năm, nay TS Trần Du Lịch lại có cơ hội cùng tổ chuyên gia kinh tế tư vấn cho Chính phủ xây dựng Nghị quyết 43 dành cho Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ sự kiện Tọa đàm mùa Xuân Đà Nẵng 2019, Tiến sĩ Trần Du Lịch đã giành cho VietTimes cuộc trả lời phỏng vấn liên quan đến những bước phát triển của Đà Nẵng trong thời gian qua, cũng như những chính sách định hướng cho Đà Nẵng trong tương lai.
Đà Nẵng đang tăng tốc!
Được biết, ông là một trong những chuyên gia kinh tế xây dựng Nghị quyết 33 cho Đà Nẵng cách đây 20 năm, và sau chừng đó năm, ông cũng lại là một trong những người xây dựng Nghị quyết 43 nhằm tạo dựng vị thế mới cho Đà Nẵng. Ông có thể cho biết tâm tư của ông tại sự kiện Tọa đàm mùa Xuân của Đà Nẵng lần này?
-Cuộc gặp mùa xuân năm nay, tôi được mời với vai trò là chuyên gia, trao đổi xung quanh các vấn đề liên quan. Ngắn gọn thế này, cuộc gặp năm nay khác với năm ngoái. Năm ngoái là khởi động, còn năm nay là tăng tốc và nếu có thể nữa thì là về đích. Có lẽ là như vậy, vì qua theo dõi, tôi thấy Đà Nẵng đang tăng tốc khá nhanh.
Tôi cũng xin chia sẻ thêm, có lẽ tôi có duyên với Đà Nẵng vì 20 năm trước, tôi cùng các chuyên gia tham gia xây dựng Nghị quyết 33 dành cho Đà Nẵng thì vừa rồi cũng tham gia xây dựng Nghị quyết 43 cho Đà Nẵng. Phải nói rằng, cái chúng ta nhìn thấy ở Đà Nẵng đó là những thành tựu lớn trong 20 năm qua.
Ông là người hiểu rõ nhất Nghị quyết 33 và Nghị quyết 43 dành cho Đà Nẵng, vậy ông có thể chia sẻ một vài điểm khác biệt của hai nghị quyết này?
-Nghị quyết 43 vừa rồi đã định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng theo 5 trụ cột, với vai trò là hạt nhân kinh tế trọng điểm miền trung, đầu tàu tạo hình và trong thời gian qua, Đà Nẵng đã thể hiện vai trò với nhiều hình thức khác nhau.
Đó là Đà Nẵng trở thành hạt nhân của kinh tế trọng điểm miền Trung và với hướng phát triển như vậy, tương lai Đà Nẵng sẽ phải là đàu tàu kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh khu vực Tây Nguyên… Nói gọn lại, Đà Nẵng phải trở thành đàu tàu trên 5 lĩnh vực kinh tế then chốt.
Đó là phát triển du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ Logictis; Phát triển Khu công nghê cao gắn với trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển các lĩnh vực công nghệ, kinh tế số, nội dung quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0; và cuối cùng là Đà Nẵng phải giữ vai trò phát triển được nông nghiệp công nghệ cao dù đất không nhiều, nhưng phải giữ được vai trò này, và đặc biệt là duy trì ngư nghiệp, liên quan đến truyền thống của người dân, góp phần giữ gìn an ninh biển đảo.
Trên 5 lĩnh vực như vậy, nếu tự thân Đà Nẵng sẽ rất hạn chế, nhưng Đà Nẵng gắn với kinh tế vùng, đặc biệt trước mắt là gắn với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi; trong tương lai gắn với Tây nguyên thì Đà Nẵng sẽ trở thành địa bàn phát triển rất nhiều triển vọng.
Mối quan hệ và vai trò hình thành chuỗi đô thị không chỉ nhìn trên diện tích nhỏ của riêng của Đà Nẵng mà phải nhìn rộng ra cả vùng đô thị xung quanh, lấy Đà Nẵng làm trung tâm, kéo dài từ Lăng Cô đến Nam Hội An, vào đến Tam Kỳ, thậm chí tận Chu Lai của Quảng Nam. Đây gọi là sự tương hỗ.
Vấn đề nữa là hiện nay, Chính phủ đang xây dựng 3 trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đà Nẵng, có sự phối hợp triển khai Khu Công nghệ cao thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo gắn với công nghệ cao và các ngành công nghệ IT, tạo đột phá cho Đà Nẵng trong tương lai;…
TS Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn VietTimes bên lề sự kiện Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm 1/3/2019
|
Phải cho Đà Nẵng một cơ chế
Trong số các nội dung mà Nghị quyết 43 đưa ra, theo ông vấn đề nào có tính then chốt mà cả địa phương và Trung ương cần thực hiện tốt vai trò của mình để Đà Nẵng về đích?
-Theo tôi để thực hiện vai trò đầu tàu, hạt nhân thì Nghị quyết 43 của Bộ chính trị phải cho Đà Nẵng làm thí điểm một số việc.
Đó là phải cho Đà Nẵng một cơ chế rõ ràng, minh bạch về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, từ đầu tư, xây dựng đến ngân sách, quy hoạch. Để làm sao cái gì Đà Nẵng biết rằng đó thuộc thẩm quyền của mình mà giải quyết cho nhà đầu tư và cái gì là không thuộc thẩm quyền của mình. Đây chính là cơ chế tự chủ, nó rất quan trọng. Nếu thực hiện được điều này thì Đà Nẵng sẽ phát triển.
Một vấn đề nữa đó là mô hình quản lý cảng xây dựng thống nhất dành cho đô thị cảng biển. Nghị Quyết 43 cho Đà Nẵng cơ chế đặc thù, phân cấp phân quyền, xây dựng mô hình quản lý cảng tổng hợp gắn với chính quyền nhà nước. Đây là mô hình phát huy vai trò chức năng quản lý của nhà nước cùng với doanh nghiệp trong việc phát triển cảng. Và cảng ở đây không chỉ là cảng biển mà có cả cảng hàng không.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với chức năng của Đà Nẵng và phù hợp với pháp luật để tạo cơ hội phát triển trở thành hạt nhân.
Như ông nói ở trên, năm 2018 là năm Đà Nẵng khởi động và năm 2019 Đà Nẵng đang tăng tốc, nếu tốt sẽ về đích. Vậy có lạc quan quá không thưa ông, sau những gì đã xảy ra với Đà Nẵng trong thời gian qua?
-Như tôi đã nói ở trên, đây là lần thứ hai Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa xuân. Năm 2018, Đà Nẵng làm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn tồn tại, cần phải được xử lý tốt để các doanh nghiệp yên tâm đàu tư.
Trong năm 2019, đã có những tín hiệu khả quan: số dự án đầu tư vào Đà Nẵng đang tăng lên, quy mô dự án, giá trị các dự án cũng đang ngày càng lớn.
Theo TS Trần Du Lịch, Đà Nẵng đang cần những cơ chế phân cấp, phân quyền, tự chủ phù hợp với quy định của luật pháp để tạo cơ hội phát triển.
|
Đã qua rồi những xáo trộn!
Ông vừa nói, năm 2018 Đà Nẵng khởi động vì trong bối cảnh còn nhiều khó khăn tồn tại cần xử lý, có những xáo trộn nhất định. Vậy ông có thể cho biết, đó là những xáo trộn gì, có phải tâm lý công chức, tâm lý dè dặt của doanh nghiệp sau những sự vụ ở Đà Nẵng?
-Những sự kiện trong thời gian qua có ảnh hưởng đến tâm lý công chức, doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm này thì mọi việc đã qua. Cuộc tọa đàm mùa xuân năm ngoái là để tạo không khí mới, còn cuộc tọa đàm năm nay mới tăng tốc và tương lai sẽ có hiệu quả, tạo được niềm tin. Lần này, với sự xuất hiện của rất nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án đầu tư được ký kết cho thấy doanh nghiệp đã có niềm tin lớn hơn với Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã từng chỉ ra những vấn đề khó khăn của Đà Nẵng tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua. Phải chăng điều này khiến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phải tổ chức Tọa đàm để tạo động lực trở lại vào năm 2018 và nay là lần thứ 2 không thưa ông?
Thật sự theo tôi, nếu có thì đó chỉ là một trong nhiều lý do. Còn chủ trương tổ chức Tọa đàm mùa xuân là vì Đà Nẵng muốn làm khác đi, thay vì như ở các địa phương khác tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư, thì Đà Nẵng có sáng kiến tổ chức tọa đàm, vừa thu hút đầu tư vừa giải quyết những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, nhất là đối thoại giữa chính quyền với nhà đầu tư.
Điều đó, tôi nôm na gọi là, một mũi tên trúng hai đích. Một là chính quyền thực hiện xúc tiến đầu tư. Hai là chính quyền bày ra để xem nhà đầu tư muốn làm cái gì, trao đổi với chính quyền và cứ vậy tọa đàm được tổ chức hàng năm để nhà đầu tư cũ vướng cái gì thì gửi cho chính quyền, chính quyền xử lý, còn nhà đầu tư mới muốn làm cái gì thì trình bày với chính quyền. Ví dụ như chia sẻ của của anh Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng outlet chẳng hạn. Đó là điều gợi mở chính quyền cần ý tưởng.
Một tinh thần trong Tọa đàm lần này rất hay, đó là Nhà nước chỉ quy hoạch những vấn đề lớn, còn những vấn đề nhỏ thì nhà nước sẽ lấy theo ý tưởng của nhà kinh doanh, từ đó sẽ gợi ý cho chính quyền định hướng quy hoạch phát triển. Đó là một cách làm hay.
- Xin cảm ơn ông!