Internet từ lâu đã được ca ngợi là yếu tố thúc đẩy sự cởi mở và trách nhiệm trong xã hội. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research) năm 2022, đa số người dân trên toàn thế giới đều đánh giá cao những lợi ích mà công nghệ mang lại. Đặc biệt, công dân các quốc gia ở Trung và Đông Âu như Ba Lan và Hungary thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò của mạng xã hội trong việc củng cố nền dân chủ, khi cho rằng nó giúp họ cập nhật thông tin về các sự kiện trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Mỹ lại là một ngoại lệ trong cuộc khảo sát này, trong đó 64% người dân cho rằng mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nền dân chủ và 79% tin rằng nó đã tạo ra sự chia rẽ chính trị sâu sắc hơn.
Kết quả này xuất hiện trong bối cảnh vai trò của mạng xã hội và Internet ngày càng bị chỉ trích tại Mỹ, khi ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tiêu cực của thông tin sai lệch trong chính trị. Đỉnh điểm của phong trào này có lẽ là khi thuyết âm mưu “Russiagate” (ám chỉ lời cáo buộc Nga can thiệp bầu cử) lên đến cao trào dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng các nhà lập pháp phương Tây vẫn tiếp tục lấy những lo ngại về nội dung trực tuyến để biện minh cho sự can thiệp của họ vào hoạt động của các nền tảng trực tuyến.
Việc bắt giữ ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, có thể được coi là diễn biến mới nhất trong xu hướng này. Đầu năm nay, ông Durov từng nói rằng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cố gắng tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật của ứng dụng nhắn tin mã hóa phổ biến của ông. Tiết lộ này đã khiến các quan chức phương Tây hết sức phẫn nộ.
“Những nỗ lực nhằm phá vỡ các kênh liên lạc và tự do ngôn luận trên toàn thế giới, theo tôi, là một xu hướng vô cùng nguy hiểm”, người dẫn chương trình Steve Gill phát biểu trên chương trình The Final Countdown do hãng thông tấn Sputnik của Nga thực hiện, nhận định.
“Chúng ta vừa thấy giám đốc điều hành của Rumble...bỏ trốn để tránh bị truy tố với những cáo buộc có thể đã được thêu dệt. Đây là một vấn đề lớn. Đó là một câu chuyện lớn. Và điều tôi thấy đáng chú ý là truyền thông Mỹ không chú ý nhiều đến sự việc này. Đáng ra họ nên chú ý”.
“Các cuộc điều tra dẫn đến cáo buộc rằng nền tảng nhắn tin Telegram đã bị lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận, buôn bán ma túy, rửa tiền, và nhiều tội phạm khác. Điều đáng chú ý là các nhà chức trách Pháp cho rằng ông Durov phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho bất kỳ hành vi lạm dụng nào diễn ra trên nền tảng này”, ông Gill cho hay.
"Điều đáng lưu ý là, ông Durov đã bị bắt giữ dựa trên những lời cáo buộc và hiện vẫn đang bị giam giữ, mặc dù ông chưa bị chính thức kết án về bất kỳ tội danh nào", nhà báo John Jackman nhấn mạnh.
Các nhà chức trách phương Tây từ lâu đã tỏ ra không hài lòng với Telegram, một nền tảng chống lại những biện pháp giám sát và kiểm duyệt nội dung mà các nền tảng khác như Facebook, Instagram, hay X phải tuân theo. Các cơ quan có thẩm quyền cáo buộc ứng dụng này vì đã tạo điều kiện cho nhiều hành vi tội phạm và lạm dụng.
Trong những năm gần đây, các chính phủ phương Tây đã tăng cường nỗ lực kiểm soát luồng thông tin trên mạng bằng cách áp đặt các chế độ kiểm duyệt. Các nhân vật như Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, và Elon Musk, CEO của X, đã phần nào chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền đối với các nền tảng của họ.
“Elon có gặp rắc rối không?”, Jackman đặt câu hỏi. “Câu trả lời là, nếu ông ấy vẫn tuân theo chính sách đối ngoại của Mỹ thì anh ấy sẽ không gặp vấn đề . Còn đối với Meta và Mark Zuckerberg, thì hoàn toàn không có vấn đề gì”.
“Một trong những điểm đáng chú ý trong vụ bắt giữ Durov là các nhà chức trách Pháp đã chờ đến khi ông hạ cánh mới thực hiện lệnh bắt giữ”, Jackman cho biết. “Ông ta hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về việc mình đang bị truy bắt. Rõ ràng là Pháp đã quyết tâm bắt giữ ông bằng mọi giá để đảm bảo không có cơ hội nào cho việc trốn thoát”.
Giám đốc điều hành Telegram bị bắt giữ tại Pháp
Pavel Durov: "Elon Musk phiên bản Nga" với 100 người con đẻ
Điện Kremlin bác tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Pavel Durov
Theo Sputnik