Vấn đề truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với dược liệu không đảm bảo an toàn đã trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu, nên các cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, dược liệu.
Xác định vai trò của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, làm tiền đề cho việc định vị chất lượng và thương hiệu sản phẩm Việt.
Triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ KH&CN đã công bố khoảng 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia nhằm trao đổi và khai thác thông tin giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị đều theo chuẩn của GS1.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cho biết, vấn đề truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường, nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.
“Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nông sản, dược liệu thì truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
"Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế”- ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Đối với sản phẩm dược liệu, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. Để đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc dược liệu, thuốc cổ truyền: Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của các dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền và các tiêu chuẩn về dược liệu và thuốc cổ truyền; đồng thời xây dựng trang tra cứu và truy xuất nguồn gốc dược liệu nhằm tiến tới định vị sản phẩm dược liệu Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ở cấp độ địa phương, nhiều tỉnh thành đã chủ động xây dựng các quy định về định danh, truy xuất nguồn gốc dược liệu nhằm để đảm bảo nguồn gốc dược liệu và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, nhận thức được giá trị của dược liệu nói chung và cây Sâm Ngọc Linh nói riêng, Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án của Trung ương và địa phương, trong đó tập trung quy hoạch vùng trồng và lập hồ sơ quản lý cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng đối với diện tích Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm theo quy định.
"Trên cơ sở đó, đến nay đã có 7 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Đồng thời, địa phương đã đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam góp phần đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế"- ông Bửu cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương đã được cấp các mã số vùng trồng để quản lý và thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật. Hiện đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Đây là một trong những bước đi để phục vụ công tác định danh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm Việt.