Trung Quốc vận dụng chiến lược “con dao hai lưỡi” trong thương chiến với Mỹ

VietTimes -- Trung Quốc có thể đưa ra hành động liều lĩnh hơn nhiều người tưởng tượng để giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại và từ đó làm giảm khả năng đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump - theo các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ở St Petersburg, Nga hôm 7/6/2019 (Ảnh: CNBC)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ở St Petersburg, Nga hôm 7/6/2019 (Ảnh: CNBC)

Từ việc ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ cho tới vũ khí hóa đồng NDT - đều là những biện pháp cứng rắn có khả năng đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc vào chỗ rủi ro - là điềm báo trước cho thấy Trung Quốc sẵn lòng chơi tất tay, xét về mặt kinh tế, để đạt được một thỏa thuận thương mại dài hạn có lợi cho họ.

"Nhiều nhà đầu tư nêu quan điểm rằng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận suy thoái trong kinh tế (có khả năng khiến kinh tế toàn cầu suy thoái) để ngăn chặn viễn cảnh Tổng thống Trump đắc cử" - Naka Matsuzawa, chiến lược gia về tỷ lệ lãi suất của hãng tài chính Nomura nói sau khi có cuộc gặp với các khách hàng châu Á.

Để đáp trả lời đe dọa áp thuế đầy bất ngờ mà ông Trump đưa ra hồi tuần trước, Trung Quốc lập tức ngừng mua nông sản Mỹ, một động thái đặc biệt gây tổn hại tới các hộ nông dân Mỹ ở khu vực Trung Tây - các bang quan trọng có thể giúp ông Trump tái đắc cử trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020.

"Trung Quốc cũng có thể giảm sâu thêm lượng hàng nông sản nhập từ Mỹ, sử dụng nó như đòn tấn công làm suy yếu sự ủng hộ của cộng đồng cử tri vùng nông thôn đối với ông Trump, ngay trước kỳ bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11/2020" - Mark Haefele, Giám đốc đầu tư toàn cầu của UBS, cho hay.

Trong động thái mới nhất nhằm vũ khí hóa đồng NDT, Trung Quốc đã chấp nhận rủi ro lớn bởi việc hạ giá đồng tiền trong nước sẽ dẫn tới "chảy máu" nguồn vốn, nhưng nó cũng khiến ông Trump nhức đầu bởi ông thường xuyên phản đối việc để đồng USD tăng giá.

"Trung Quốc có thể đang chờ đợi sự thay đổi tầng lớp lãnh đạo ở Washington" - David Bianco, Giám đốc đầu tư của tập đoàn DWS, nhận định - "Nếu cần thiết, Trung Quốc có thể phản ứng bằng các biện pháp được thiết kế để trực tiếp nhằm vào chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, dù phải đối mặt với rủi ro gây tổn hại tương đương tới nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính".

Và ông Trump thừa hiểu về dự định trên của Trung Quốc. Mới đây, ông cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận thương mại bất lợi hơn nếu như ông tái đắc cử.

Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn có thể phản tác dụng. Do các biện pháp cứng rắn mà Washington đang áp dụng với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, nên Tổng thống Mỹ đời tiếp theo có thể áp dụng quan điểm tương tự như ông Trump hiện tại - theo ông Matsuzawa.

Thêm vào đó, suy giảm đà tăng trưởng kinh tế là điều rất nguy hiểm bởi nó gây bất ổn cho Trung Quốc, trong khi họ vốn đang phải đau đầu đối phó với làn sóng biểu tình dân chủ ở Hồng Kông. Mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong Quý 2 năm nay được ghi nhận là mức tăng thấp nhất trong vòng 27 năm.

"Xu hướng giảm của đà tăng trưởng Trung Quốc đồng nghĩa rằng vấn đề giảm phát-nợ có thể xảy ra" - ông Matsuzawa nói.

Thông thường, nếu đà tăng trưởng giảm sâu hơn, chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải đưa ra một gói kích thích lớn để nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhưng cũng có khả năng họ sẽ không hành động quá mạnh bạo như đã từng làm trong quá khứ.

Hôm đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã dập tắt một số lời đồn đoán cho rằng họ quyết định cắt giảm tỷ lệ lãi suất đối với các khoản vay và tiền gửi bằng đồng NDT của các thể chế tài chính. Trong thông báo đăng trên ứng dụng nhắn tin WeChat, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói rằng thông tin trên thất thiệt và họ đã báo vụ việc cho phía cảnh sát để điều tra.

Theo CNBC