Trung Quốc tìm mọi cách để thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông

VietTimes -- Hơn 10 năm nữa, số lượng tàu chiến Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Những hệ thống vũ khí mới, lực lượng hải quân thông thường, các căn cứ hải quân, trạm phát điện nổi, đảo nhân tạo... sẽ giúp Trung Quốc thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: news.com.au
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: news.com.au

Hãng tin Reuters Anh ngày 1 tháng 3 đăng bài viết "Bắc Kinh đang thọc sườn Mỹ ở Biển Đông?" của tác giả Peter Apps.
Theo bài viết, gần đây, cụm tấn công tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Cách làm phô diễn sức mạnh và vai trò ảnh hưởng toàn cầu này đang được Hải quân Mỹ giỏi sử dụng - họ vừa trấn an các đồng minh vừa phát đi tín hiệu cho kẻ thù tiềm tàng.
Nhưng, trong trường hợp không bị thách thức, Washington còn có thể hành động như vậy trong thời gian bao lâu? Điều này ngày càng trở thành một vấn đề.
Một số chuyên gia quân sự dự đoán, chỉ cần hơn 10 năm nữa, số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc là kiểm soát rất nhiều vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và đẩy Mỹ rút khỏi đây. Một trong những kế hoạch phục vụ cho chiến lược này của Trung Quốc là phát triển sức mạnh quân sự.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tăng 54 tỷ USD trong chi tiêu của Lầu Năm Góc, việc duy trì vị thế bá chủ quân sự toàn cầu của Mỹ là hạt nhân của kế hoạch này. Nhưng, chỉ dựa vào điểm này sẽ không giúp cho Washington giữ được ưu thế về sức mạnh quân sự ở khu vực.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Trong 20 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng nhanh, cho dù mức tăng năm 2016 có giảm đi. Điều quan trọng hơn là Bắc Kinh cũng đang áp dụng rất nhiều chiến thuật để Mỹ không thể đưa ra phản ứng có hiệu quả thực sự.
Mặc dù trọng điểm sách lược của Washington ở châu Á luôn bảo đảm cho tàu sân bay của họ có thể hiện diện ở "sân sau" Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng luôn tìm mọi cách để cán cân chiến lược nghiêng theo phương hướng gây bất lợi cho đối thủ tiềm tàng.
Kế hoạch này của Bắc Kinh bao gồm tận dụng các hệ thống vũ khí mới và lực lượng hải quân thông thường với quy mô đáng kể; đồng thời còn sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác như xây dựng căn cứ hải quân, trạm phát điện nổi và xây đảo nhân tạo.
Một mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh là mở rộng năng lực quân sự của họ đến những nơi xa hơn - vươn tới các đảo, đá ngầm phía nam Biển Đông, áp sát Việt Nam, Philippines, Malaysia. Vùng biển của những đảo, đá ngầm này có thể tàng trữ tài nguyên phong phú.
Trung Quốc cũng ngày càng chú trọng sở hữu những tài sản quân sự có giá trị cao mà Mỹ từng dùng chúng để đối phó họ. Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc được cải tạo từ chiếc tàu chiến của Liên Xô, hiện ngày càng có giá trị, cho dù nó vẫn dùng cho huấn luyện là chính.
Tháng 12/2016, tàu sân bay Liêu Ninh đã bắt đầu tiến hành tuần tra tầm xa lần đầu tiên ở ngoài khu vực duyên hải của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc còn đang tự chế tạo tàu sân bay mới, thậm chí đang chế tạo cả tàu sân bay thứ ba.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện trên biển. Ảnh: Cankao
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện trên biển. Ảnh: Cankao

Bắc Kinh đang chế tạo nhiều hơn những tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo. Qua đây, Bắc Kinh rõ ràng đang nhắc nhở bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào rằng nếu ngang nhiên gây chiến sẽ thì nhận lấy hậu quả mang tính thảm họa.
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong 10 - 15 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu tới 500 tàu chiến, bao gồm 4 tàu sân bay, 100 tàu ngầm và các loại tác chiến có kích cỡ nhỏ nhưng công nghệ tiên tiến khác như tàu hộ vệ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tăng tổng số tàu chiến Mỹ lên khoảng 350 chiến, trong đó các tàu chiến có uy lực khá lớn sẽ chiến tỷ lệ lớn hơn, nhưng những tàu chiến này sẽ triển khai rải rác ở các nơi trên thế giới.
Thông qua tuần tra ở Biển Đông – một vùng biển có tranh chấp, tàu sân bay USS Carl Vinson tiếp tục phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng, một khi xảy ra chiến tranh thực sự thì chưa thể xác định chiếc tàu chiến khổng lồ này sống sót được bao lâu trước khi chìm xuống đáy biển.
Bất kể thế nào, tàu sân bay USS Carl Vinson rồi sẽ rời đi, cho dù những lực lượng khác sẽ tiếp tục ở lại. Còn người Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng...