Vùng đất S. Kidman & Co sở hữu chiếm khoảng 1% lục địa Úc. Tập đoàn Trung Quốc bao gồm công ty Dakang Australia Holdings của Trung Quốc và công ty Australian Rural Capital (ARC) của Úc sẵn sàng trả 307,7 triệu USD.
Đã có hai luận cứ chống lại thỏa thuận bán công ty Kidman cho Trung Quốc. Luận cứ thứ nhất liên quan đến diện tích đất rất lớn mà công ty Kidman sở hữu tại 12 khu vực khác nhau trên "lục địa xanh". Tuy nhiên, phía Trung Quốc không bận tâm đến vấn đề đó. Luận cứ "chống lại" thứ hai có liên quan đến thực tế rằng, một trong những khu vực với các đồng cỏ và trang trại của công ty nằm sát thao trường thử nghiệm tên lửa Woomera của Úc. Kết quả là vùng đất nông nghiệp trong khu vực này không ghi vào hợp đồng trọn gói. Tức là, tập đoàn Trung Quốc mua lại 80% cổ phần công ty S.Kidman. Và 20% cổ phần còn lại thuộc quyền sở hữu của công ty Australian Rural Capital.
Trong khi đó, giới lãnh đạo và các chính trị gia Australia bày tỏ sự lo ngại rằng, giao dịch này sẽ gây thiệt hại cho lợi ích an ninh quốc gia của Úc.
Chính bởi vậy nước này đã ngăn chặn nhiều dự thảo thỏa thuận với các doanh nghiệp Trung Quốc về thâu tóm tài sản ở Australia. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài Sputnik, chuyên gia Trung Quốc Chen Fenin, lãnh đạo Trung tâm Kinh tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại, cũng lưu ý đến điều đó:
"Xu thế ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các thị trường nước ngoài phản ánh lý thuyết phổ biến ở nước ngoài về "mối đe dọa từ phía Trung Quốc". Họ lo ngại rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá vỡ cuộc sống thoải mái của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Ở đây nói về tất cả các ngành công nghiệp, trong bất cứ ngành nào Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa. Khi người Trung Quốc mua bất động sản ở nước ngoài thì các công ty địa phương tuyên bố rằng giá bất động sản có thể tăng lên đáng kể. Khi người Trung Quốc muốn mua cổ phần, thì ngay lập tức có tin rằng, tài sản này không thể được bán cho người nước ngoài. Ngoài ra, ở nước ngoài đã dấy lên luồng ý kiến lo ngại về việc Trung Quốc sẽ mua lại những thương hiệu nổi tiếng nhất.
Tuy nhiên, việc mua lại và thâu tóm các doanh nghiệp là một xu hướng toàn cầu không thể tránh khỏi, đó là một bước đi cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế thế giới. Ví dụ, các công ty năng lượng và dầu mỏ của châu Âu và Mỹ đang tích cực tham gia các quá trình thâu tóm và sáp nhập. Điều này được giải thích bởi việc, trong quá trình phát triển mỗi doanh nghiệp đi qua giai đoạn sáp nhập và thâu tóm để nâng cao sức cạnh tranh.
Sự lo ngại của một số nước là dễ hiểu, nhưng, các lệnh cấm không thể ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các thị trường nước ngoài, vì đây là một quá trình kinh tế khách quan".
Theo Sputnik