Trang tin “Người quan sát” của Trung Quốc dẫn lại tin của NBC cho biết, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ này tiết lộ, hôm cuối tuần Trung Quốc đã tiến hành lần phóng thử nghiệm đầu tiên vào và bắn ít nhất một quả tên lửa xuống biển. Vì lệnh cấm Biển Đông sẽ kéo dài đến ngày 3/7, quan chức này dự kiến quân đội Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm quân sự khác trước khi kết thúc lệnh cấm biển.
Quan chức này nói, vào cuối tuần qua, khi quân đội Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm, quân đội Mỹ như thường lệ đã triển khai các tàu chiến ở Biển Đông, nhưng họ không tiếp cận địa điểm thử nghiệm và cũng không ở trong tình trạng nguy hiểm. Quan chức nói thêm rằng lần thử nghiệm “khiến người ta lo ngại”.
Ảnh chụp vụ phóng thử tên lửa tầm xa DF-26 ngày 23/1/2019
|
Mặc dù quan chức này không đề cập đến kiểu loại của “tên lửa đạn đạo chống hạm”, nhưng theo “Báo cáo lực lượng quân sự Trung Quốc 2019” do Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình lên Thượng nghị viện, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện tin rằng quân chủng tên lửa Trung Quốc chỉ có loại tên lửa đạn đạo DF-21D có thể chống hạm, vì vậy rõ ràng quan chức này đã đề cập đến tên lửa đạn đạo DF-21D.
Theo báo cáo trên, DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn hơn 1.500 km, có thể nạp đạn nhanh chóng và có đầu đạn tháo rời di động, có thể tấn công các tài sản của Mỹ, bao gồm tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc hiện có ít nhất 60 phương tiện phóng và 150 tên lửa loại này.
Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng tên lửa phóng thử lần này là tên lửa đạn đạo loại DF-26. Tên lửa đạn đạo Dongfeng-26 (DF-26) là tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường và hạt nhân do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo. Nó có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu trên đất liền hoặc tàu cỡ lớn trên biển. Đây là loại tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung và tầm xa lớn thứ hai trên thế giới sau DF-21D.
Đội hình 4 tên lửa DF-26 tham gia diễu binh
|
DF-26 là loại tên lửa đạn đạo thông thường đầu tiên của Trung Quốc có tầm bắn tới đảo Guam và căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo này. Vì vậy, nó được các cư dân mạng dán nhãn là “Chuyển phát nhanh tới Guam” hay “Sát thủ đảo Guam”. Nó được lắp trên xe phóng thẳng đứng kiểu 12x12 (TEL) cơ động trên mặt đất (có lẽ là loại xe Taian HTF5680 thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc).
Trước đó, trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đã đăng cảnh báo hàng hải “Quỳnh hàng cảnh 0075”, nội dung là “Tiến hành tập trận quân sự” trên Biển Đông, cấm đi vào khu vực được đánh dấu vĩ độ và kinh độ bằng “phạm vi cấm huấn luyện quân sự cụ thể”: 1) 13 độ 48 phút vĩ độ Bắc, 114 độ 10 phút kinh độ Đông; 2) 12 độ 48 phút vĩ độ Bắc, 114 độ 10 phút kinh độ Đông; 3) 12 độ 48 phút vĩ độ Bắc, 116 độ 02 phút kinh độ Đông; 4) 13 độ 48 phút vĩ độ Bắc, 116 độ 02 phút kinh độ Đông.
Trang tin “Người quan sát” của Trung Quốc cho biết, theo cảnh báo điều hướng do cảnh sát biển đưa ra, đây là địa điểm cấm tàu bè, máy bay đi vào nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, phía nam quần đảo Hoàng Sa, cách miền nam Trung Quốc khoảng 1.000 km.
Khu vực Trung Quốc cấm biển được cho là nơi đặt bia để phóng thử tên lửa chống hạm tới
|
Ngày 12/2/2016, “Bản tin quân sự” của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin trong dịp Tết, một lữ đoàn tên lửa của quân đội Trung Quốc đã ngay lập tức cử một tiểu đoàn phóng thực hiện các yếu tố an ninh liên quan để tiến hành một cuộc tập trận mừng năm mới. Tin của CCTV nói, điều này cho thấy một đơn vị Chiến khu miền Nam Trung Quốc được trang bị DF-21D. Nếu một cuộc tập trận được thực hiện, tiểu đoàn phóng này có thể được phái đi bất cứ lúc nào để phóng thử DF-21D ra Biển Đông từ một địa điểm nhất định ở tỉnh Quảng Đông.
Phân tích chỉ ra rằng qua xem xét việc các đơn vị khác nhau của quân đội Trung Quốc đã được trang bị DF-21D từ nhiều năm nay, nếu cuộc thử nghiệm này là đúng, thì đây có thể không phải là cuộc “thực nghiệm nghiên cứu khoa học”, mà là “diễn tập sẵn sàng chiến đấu thực binh” và số lần bắn thử không thể chỉ là một quả.
Cũng có một số nhà phân tích cho rằng sự xuất hiện thường xuyên gần đây của các tàu sân bay các nước Mỹ, Pháp, Australia và Nhật Bản ở Biển Đông chắc chắn bị Trung Quốc coi là âm mưu thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này và cũng là sự diễn tập chiến thuật của họ để can thiệp vào sự kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực biển này trong tương lai. Vì vậy sự xuất hiện của các tàu sân bay phương Tây trên Biển Đông đã thu hút sự chú ý và không hài lòng của Trung Quốc. Lần này, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự ở vùng biển cách rất xa lục địa không chỉ thể hiện khả năng chiến đấu của hải quân Trung Quốc ở vùng biển xa đã được nâng cao, mà còn có tác dụng răn đe các lực lượng bên ngoài.
Xe chở kiêm bệ phóng di động tên lửa DF-21D huấn luyện triển khai ngay trên mặt quốc lộ
|
Tờ báo điện tử Sohu của Trung Quốc ngày 2/7 cũng đăng bài viết dẫn nguồn trang “Người quan sát” nói Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa cuối tuần trước. Sohu nói, 7 năm trước Trung Quốc đã lần đầu tiên phóng thử tên lửa chống hạm, quả tên lửa DF-21D đã đánh chìm chiếc tàu đo đạc biển cỡ vạn tấn “Viễn Vọng - 4” hết hạn phục vụ được hoán cải thành tàu bia mục tiêu. Trước đó, giới chuyên gia quân sự nước ngoài còn nghi ngờ về khả năng chống hạm của DF-21D, nhưng sau khi chứng kiến những hình ảnh chiếc tàu vạn tấn trúng tên lửa chìm xuống đáy biển, họ đã phải ngậm miệng và từ đó tên lửa DF-21D được gọi là “Sát thủ tàu sân bay”.
Tuy nhiên, Sohu cũng hoài nghi liệu đây có phải là vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D hay là loại DF-26 mới được đưa vào trang bị cho quân đội? Tầm bắn của DF-21D là 1.500 km và DF-26 có tầm bắn tới 4.000 km. Không biết tên lửa thử nghiệm trên biển là loại nào và không biết có tàu mục tiêu nào bị chìm hay không. Tuy nhiên, tại thời điểm nhạy cảm và quan trọng hiện nay, việc thử nghiệm bất kỳ tên lửa đạn đạo chống hạm nào cũng đều có giá trị chiến lược rất cao.
Bài báo của Sohu kết luận: “Trong những ngày gần đây, các vũ khí cao cấp của Trung Quốc đã liên tiếp xuất hiện. Ngoài sự phô diễn trong Ngày thành lập Hải quân của tàu sân bay, tàu khu trục cỡ vạn tấn 055D và tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094; hồi đầu tháng 6 tên lửa chiến lược JL-3 cũng đã được thử nghiệm thành công và lần này quân đội của chúng ta đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ra Nam Hải (tức Biển Đông)”.