Hiện nay, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất hỗ trợ đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó bao gồm các nước ở Thái Bình Dương; và nhiều nước xem các khoản tiền cho vay của Trung Quốc như cách tốt nhất để phát triển nền kinh tế của họ. Giới phê bình thì nói rằng các khoản vay của Trung Quốc có thể đẩy các nước này vào bẫy nợ - cáo buộc mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ.
Mỹ và Australia hiện là hai nước đặc biệt quan ngại về vai trò đang lớn dần của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương. Thủ tướng Australia Scott Morrison trong tuần tới cũng có chuyến thăm tới quần đảo Solomon.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuojc gặp với Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai tại Đại sảnh đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh và nói rằng Trung Quốc luôn duy trì nguyên tắc ngay thẳng, tạo dựng niềm tin và mang lại kết quả tốt để tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương - Bộ Ngoại giao nước này nói trong một tuyên bố đưa ra cuối hôm thứ Ba.
"Chúng tôi không có lợi ích cá nhân trên các quốc đảo này, và không tìm kiếm cái gọi là "tầm ảnh hưởng"" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lại lời ông Tập - "Các nước, dù là lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là các thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế".
Trung Quốc cũng phản đối "chủ nghĩa bá quyền nước lớn", ông Tập nói, thêm rằng Bắc Kinh sẵn lòng tăng cường hợp tác phát triển công nghệ trong nông nghiệp với Vanuatu, tiếp tục khuyến khích các công ty trong nước đầu tư ở nước này. Vanuatu và Trung Quốc bác bỏ một số thông tin cho rằng Bắc Kinh muốn thiết lập sự hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Vanuatu.