Thế kỷ 21 sẽ là “Thế kỷ Mỹ” hay là “Thế kỷ Trung Quốc”?
Theo nhận định của giới phân tích, trong 70 năm qua Mỹ luôn chiếm vị trí đứng đầu thế giới do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là vị trí độc tôn của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Nhờ vị thế này mà Mỹ theo đuổi tham vọng biến quá trình toàn cầu hóa thành quá trình “Mỹ hóa thế giới”. Hiện nay, nhiều chuyên gia nêu câu hỏi: Mỹ có thể duy trì vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế và chính trị thế giới đến khi nào? Trung tâm tài chính, kinh tế, khoa học và quân sự liệu có đang dịch chuyển từ Washington sang Bắc Kinh? Liệu kỷ nguyên “Pax Americana” còn tồn tại được hay không và sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? So sánh những ưu thế và hạn chế của Mỹ và Trung Quốc có thể góp phần trả lời được những câu hỏi này.
Có hai nhóm chuyên gia đưa ra nhận định khác nhau về vị thế của Mỹ và Trung Quốc trên thế giới.
Nhóm thứ nhất cho rằng không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ. Do đó, “Kỷ nguyên Mỹ” sẽ tới hồi kết và Thế kỷ 21 sẽ là “Thế kỷ Trung Quốc”. Ngay cả Zbigniew Brzezinski - cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, một nhân vật được coi là "giáo trưởng" trong giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ, cũng tin rằng Trung Quốc đang làm lu mờ vai trò của Mỹ và sẽ trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Những người thuộc nhóm này chỉ khác nhau nhận định về thời điểm Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trên vũ đài chính trị thế giới. Trong đó, một số người đã đưa ra dự báo rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2015. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cũng từng đưa ra dự báo tới năm 2016 Trung Quốc với GDP chiếm 18% GDP của thế giới và sẽ vượt Mỹ, còn GDP của Mỹ chiếm 17,7%, kém Trung Quốc 0,3%. Ngân hàng Thế giới dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2020 và tới năm 2030, kinh tế Trung Quốc lớn gấp đôi Mỹ.
Nhóm thứ hai cho rằng, trong thế kỷ 21 Mỹ vẫn là siêu cường và “Kỷ nguyên Mỹ” còn lâu mới tới hồi kết, còn Trung Quốc sẽ nỗ lực đuổi kịp Mỹ. Đại diện cho nhóm này có Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye. Nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng tuyên bố rằng ông không tin rằng vị thế của Mỹ bị hạ xuống vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Ông Rom Romney, người đã từng là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tin chắc rằng Thế kỷ 21 sẽ vẫn là “Thế kỷ Mỹ” chứ không phải là “Thế kỷ Trung Quốc”.
Để thấy được dự báo của hai nhóm trên đây có cơ sở tới mức nào, các chuyên gia đã tập hợp những ưu thế và hạn chế của Mỹ và Trung Quốc.
Ưu thế chiến lược của Mỹ so với Trung Quốc:
(1) Mỹ là quốc gia có tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất thế giới như đồng, chì, uranium, vàng, bạc, thủy ngân, niken, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và gỗ. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên và do đó họ phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn nguyên liệu thô và năng lượng.
(2) Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có thể tự sản xuất gần như mọi loại sản phẩm, từ tàu vũ trụ, tàu sân bay, hầu hết các loại vũ khí “thông minh”, đến các hàng hóa nhu yếu phẩm tiêu dùng. Thế giới đã từng một thời sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu “Made In America”. Trong quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh, Mỹ nhường cho Trung Quốc chức năng sản xuất hàng tiêu dùng vì thế mà Trung Quốc nhanh giàu lên. Nếu cần, Mỹ sẽ nhanh chóng quay trở lại kỷ nguyên “Made In America”.
(3) Năng suất lao động của Mỹ vượt Trung Quốc gần 15 lần. Với năng suất lao động như vậy, Trung Quốc vẫn còn rất xa so với vị thế dẫn đầu nền kinh tế thế giới.
(4) GDP của Mỹ (khoảng 20.000 tỷ USD), lớn gấp 1,8 lần GDP của Trung Quốc. Lưu ý rằng, vào năm 1980, GDP của Mỹ vượt Trung Quốc tới 14 lần.
(5) GDP tình bình quân đầu người của Mỹ gần 62.000 USD, còn của Trung Quốc gần 18.000 USD, khác biệt gần 3,4 lần. Mức thu nhập tối thiểu hàng năm của người dân Trung Quốc khoảng 200 USD, còn của Mỹ gần 17.000 USD, chênh nhau 85 lần.
(6) Thông qua hệ thống tài chính dựa trên USD, Mỹ kiểm soát nền tài chính thế giới. Trong đó, Mỹ chiếm 70% khối lượng giao dịch tài chính của toàn thế giới trong khi GDP của Mỹ chỉ chiếm 20% GDP toàn cầu. Đến năm 2020, USD vẫn duy trì vị thế thống trị nền kinh tế thế giới.
(7) Sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc, trong đó ngân sách quân sự của Mỹ trên 700 tỷ USD, còn của Trung Quốc chỉ gần 200 tỷ USD. Mỹ có hàng trăm căn cứ quân sự trên thế giới, còn Trung Quốc chỉ có vài căn cứ. Mỹ chiếm 45% thị phần thị trường vũ khí toàn cầu, đứng đầu thế giới, còn Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 4, sau Mỹ, Nga và Pháp.
(8) Mỹ đứng đầu thế giới về đổi mới công nghệ, trước hết là lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, phát minh, sáng chế. Mỹ chiếm vị trí số 1 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển (chiếm 3,2 GDP). Còn đầu tư của Trung Quốc cho lĩnh vực này chỉ là 1,7 GDP. Mỹ có ưu thế vượt trội trong lĩnh vực khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ với một nửa số vệ tinh của toàn thế giới và chiếm 80% đầu tư cho công nghệ vũ trụ toàn cầu. Mỹ dẫn đầu thế giới trong khám phá hệ thống mặt trời.
(9) Mạng Internet: Mỹ Internet hóa 98% dân số, còn Trung Quốc mới ở mức 38%.
(10) Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về công nghệ thông tin.
Ưu thế chiến thuật của Trung Quốc so với Mỹ:
(1) Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc luôn ở mức cao. Trong 10 năm gần đây, GDP của Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10,3% mỗi năm. Gần đây, tuy GDP của Trung Quốc có giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất thế giới.
(2) Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và sắp tới đây sẽ còn là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với nhịp độ tăng 20-30% mỗi năm.
(3) Trung Quốc là quốc gia sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới (Mỹ giữ ngôi vị này gần 100 năm)
(4) Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ (sở hữu 26% tổng nợ nước ngoài của Mỹ). Trung Quốc là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trong đó có hơn 3.000 tỷ USD, với 2.650 tỷ dự trữ ngoại hối bằng vàng. Trung Quốc đã từng nhiều lần đe dọa sẽ khởi động việc bán trái phiếu của chính phủ Mỹ trong trường hợp khủng hoảng và sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ.
(5) Trung Quốc có ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, có thể sản xuất hầu hết các loại sản phẩm công nghiệp. Trung Quốc đứng đầu thế giới từ sản xuất gạo đến điện thoại di động và ô tô, xe máy. Trung Quốc chỉ thua kém đáng kể so với Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ.
(6) Trung Quốc có số dân lớn thứ 2 thế giới, với 1,3 tỷ người, chỉ đứng sau Ấn Độ, nhiều gấp 4,3 lần dân số Mỹ.
(7) Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có hệ thống giáo dục tiên tiến ngang với các nước phát triển cao. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở Mỹ đang bị lạc hậu và xuống cấp so với nhiều nước. Đến năm 2025, Mỹ sẽ thiếu kỹ sư, các chuyên gia và nhà khoa học. Mỹ đứng ở vị trí 12 trong số các nước phát triển về số cử nhân đại học. Một nửa nghiên cứu sinh ở Mỹ là người nước ngoài sẽ trở về nước sau khi kết thúc khóa nghiên cứu.
(8) Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về số lượng bằng phát minh và sáng chế.
(9) Trung Quốc sáng chế siêu máy tính mạnh nhất thế giới Tianhe-1A, không thua kém Mỹ.
(11) Trung Quốc chiếm vị trí số 1 trên thị trường năng lượng mặt trời và vi trí số 2 về năng lượng gió.
(12) Đến năm 2020-2030, Trung Quốc đứng đầu thế giới về khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản.
Hạn chế mang tính chiến thuật của nền kinh tế Mỹ:
(1) Nợ công của Mỹ ngày một lớn, gần 20.000 tỷ USD trong năm 2018.
(2) Mỹ đang đứng trước thách thức phải tái công nghiệp hóa. Trong điều kiện hòa bình và không có chiến tranh, Mỹ đã phải đóng cửa 75% nhà máy có số lượng công nhân trên 500 người. Để tái công nghiệp hóa trong thế kỷ 21, Mỹ sẽ phải đóng cửa 66.000 nhà máy và xí nghiêp công nghiệp.
(3) Nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ rất thấp, trong nhiều năm chỉ đạt xấp xỉ trên dưới 1,0%. Sau khi Donald Trump lên cầm quyền, mức độ tăng trưởng của Mỹ được cải thiện đáng kể, đạt trên 3% trong năm 2018.
(4) Khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa các tầng lớp dân cư ở Mỹ. Cách đây 20 năm, khoảng cách này là 70 lần, còn hiện nay lên tới 325 lần. Trong đó, 1% dân số Mỹ chiếm 25% thu nhập quốc dân.
(5) Mỹ kém xa Trung Quốc trong hoạt động đầu từ ra nước ngoài, trước hết ở các nước đang phát triển
Hạn chế mang tính chiến thuật của kinh tế Trung Quốc:
(1) Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bẫy thu nhập trung bình. Theo Ngân hàng thế giới, nếu Trung Quốc không tiến hành cải cách thì đến năm 2030 họ sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
(2) Trung Quốc chưa thể sớm hóa giải được tình trạng nghèo đói. Ở Trung Quốc hiện có 128 triệu người sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập trung bình dưới 1 USD/ ngày.
(3) Năng suất xuất khẩu của Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ. Có tới 55% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU.
Tài liệu tham khảo:
[1] B чем правда и вымыслы о слабости США и силе Китая? https://ru.exrus.eu/B-chem-pravda-i-vymysly-o-slabosti-SShA-i-sile-Kitaya-id4fa385e66ccc19776a0001be
[2] Трамп проигрывает битву за реиндустриализацию Америки. https://www.fondsk.ru/news/2018/12/20/tramp-proigryvaet-bitvu-za-reindustrializaciju-ameriki-47324.html