Chiến tranh đất hiếm – sự lựa chọn của Trung Quốc?
Bài bình luận của Nhân dân Nhật báo ngày 29.5 ký tên “Ngũ Nguyệt Hà” (Sen tháng 5) nhan đề “Đừng trách là không báo trước! Mỹ chớ nên đánh giá thấp năng lực trả đũa của Trung Quốc”. Bài báo viết: “Mỹ muốn lợi dụng sản phẩm được chế tạo từ đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc quyết không cho phép. Hiện nay Mỹ hoàn toàn đánh giá quá cao khả năng thao túng chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, họ có thể không biết khi đang chìm đắm trong niềm hân hoan tự sướng, nhưng khi tỉnh lại nhất định sẽ tự vả vào miệng mình. Ngành hữu quan Trung Quốc đã nhiều lần nghiêm khắc tuyên bố, chuỗi ngành nghề hai nước Trung – Mỹ gắn kết chặt chẽ với nhau, có tính hỗ trợ mạnh, hợp tác thì cùng có lợi, đấu thì cùng tổn thương, chiến tranh thương mại không có người thắng; khuyến cáo Mỹ không nên xem nhẹ năng lực bảo vệ quyền tự thân phát triển của Trung Quốc, đừng trách chúng ta không nói trước!”.
Đất hiếm được coi là thứ vũ khí độc đáo của Trung Quốc nhưng họ sẽ phải thận trọng sử dụng để tránh quan hệ Trung - Mỹ đi tới chỗ không thể cứu vãn
|
Bài báo đưa ngành công nghiệp quan trọng nhất trong mậu dịch Trung – Mỹ vào sự lựa chọn để Trung Quốc trả đũa lại Mỹ, thực tế là gửi tới Mỹ tối hậu thư thách đấu. Trước đó, sau khi cuộc đối thoại ở Washington tan vỡ, hai bên cùng khởi động lại cuộc chiến thuế quan; ông Tập Cận Bình. người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc hôm 20.5 đã xuất hiện tại thành phố Cán Châu, tỉnh Giang Tây thị sát Công ty công nghệ Kim Lực chuyên sản xuất đất hiếm. Đây được cho là động thái mang tính đe dọa rất mạnh mẽ.
Trung Quốc có nguồn tài nguyên đất hiếm rất phong phú. Tư liệu công khai cho thấy, trữ lượng chiếm 36%, sản lượng chiếm tới 90% toàn thế giới; trong khi đó Mỹ phải dựa vào 80% đất hiếm nhập khẩu, đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong cả công nghiệp quân sự và dân sự. Từ sau chuyến đi của ông Tập, đất hiếm bắt đầu được nói đến liên tục trên truyền thông chính thống.
Ngày 28.5, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ra tuyên bố đe dọa: “Nếu ai muốn lợi dụng sản phẩm được làm từ đất hiếm mà chúng ta xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc thì nhân dân khu Xô-Viết cũ Cán Nam và nhân dân Trung Quốc không cho phép”. Cùng ngày hôm đó, lời lẽ này đã được Tân Hoa xã sử dụng trong bài bình luận “Lợi dụng sản phẩm chế tạo từ đất hiếm của Trung Quốc để kìm hãm Trung Quốc ư? Đừng có mơ!”.
Qua đó có thể thấy một tín hiệu rõ ràng, trong số những công cụ trả đũa, Trung Quốc có thể phát động cuộc chiến tranh đất hiếm, cắt đứt việc cung ứng đất hiếm cho Mỹ. Thực tế, chính phủ Trung Quốc có vẻ rất thận trọng đối với cuộc chiến tranh đất hiếm, cố gắng không dùng đến nó để tránh quan hệ Trung – Mỹ đi đến chỗ không thể cứu vãn. Chỉ trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Donald Trump lấy danh nghĩa “an ninh quốc gia” phát động việc bao vây phong tỏa các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, lại còn lợi dụng các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và Tây Tạng để gây khó dễ cho Trung Quốc, buộc Trung Quốc không còn đường lùi, chỉ còn cách lựa chọn là nghênh chiến. “Đừng trách không báo trước” cho thấy chính phủ Trung Quốc không thể trông đợi gì, hoặc giả ảo tưởng gì về chính phủ Donald Trump được nữa.
Đây là lần thứ 3 trong lịch sử Nhân dân Nhật báo cảnh báo một nước khác "Đừng trách là không báo trước" liệu sẽ xảy ra cuộc chiến tranh như 2 lần trước?
|
“Đừng trách là không báo trước” – lời tuyên chiến chính thức?
Theo trang tin Đa Chiều, từ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, các cơ quan truyền thông cấp cao nhất của Trung Quốc rất ít khi sử dụng cụm từ “vật vị ngôn chi bất dự” (đừng trách là không báo trước) trong các thời điểm lịch sử quan trọng; nổi tiếng nhất là đưa ra lời cảnh báo trước 2 lần phát động chiến tranh với bên ngoài.
Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột biên giới xung quanh chủ quyền Tây Tạng, ngày 22.9 năm đó, Nhân dân Nhật báo đăng trên trang nhất bài xã luận, cảnh báo Ấn Độ rút quân ngay khỏi biên giới, nếu không “phía Ấn Độ phải tự chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước thương vong dưới hỏa lực tự vệ của Trung Quốc”, 1 tháng sau đó, cuộc Chiến tranh Trung - Ấn bùng nổ.
Lần thứ hai vào thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền, quan hệ Trung – Việt xấu đi nhanh chóng, ngày 25.12.1978, Nhân dân Nhật báo cũng đăng trên trang 3 bài xã luận “Sự nhẫn nại của chúng ta là có giới hạn”, đe dọa “nghiêm khắc trừng phạt” Việt Nam, bài báo cũng sử dụng cụm từ “vật vị ngôn chi bất dự” (đừng trách là không báo trước”; gần 2 tháng sau, ngày 17.2.1979 Trung Quốc phát động chiến tranh chống Việt Nam, cuộc xung đột sau đó kéo dài đến tận cuối những năm 1980.
Lần này là lần thứ 3 trong lịch sử, Nhân dân Nhật báo sử dụng cụm từ này, liệu có phải ván cờ cuối cùng giữa hai bên Trung – Mỹ đã được bày ra trước mắt? Giờ đây, chính phủ Trung Quốc từ trên xuống dưới đã bắt đầu ở vào tình trạng lâm chiến. Có lý do để tin rằng chính phủ Trung Quốc gần đây đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất, quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ hoàn toàn gián đoạn. Đó sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài có thể vượt quá sự tưởng tượng của mọi người, cuối cùng khó tồn tại khả năng cho phép sự thỏa hiệp.
Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế Trung Quốc ra thông báo miễn giảm thuế thu nhập cho các công ty thiết kế chip và sản xuất phần mềm
|
Ráo riết chuẩn bị cả trong, ngoài nước
Về đối nội, chính phủ Trung Quốc đang tích cực loại bỏ tình trạng kinh tế trượt dốc do chiến tranh mậu dịch, người lao động không có đủ việc làm, chuỗi ngành nghề công nghệ cao liên quan đến chip bị ảnh hưởng xấu do các đòn trừng phạt của Mỹ. Từ năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã dần dần xúc tiến việc giảm thuế cho các công ty và tiến hành điều chỉnh lại kết cấu ngành nghề theo “6 ổn định”. “Văn kiện Trung ương số 1 năm 2019” tuyên bố “Kế hoạch chấn hưng đậu tương” để giảm bớt việc nhập khẩu đậu phải phụ thuộc nghiêm trọng vào đậu tương của Mỹ. Ngày 22.5, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế vụ Trung Quốc ra thông cáo chung về việc miễn giảm thuế thu nhập cho các công ty nghiên cứu sản xuất chip và phần mềm...
Về mặt đối ngoại, Trung Quốc đang tìm kiếm các đồng minh chính trị và đối tác mậu dịch mới để thay thế. Từ ngày 26 đến 28.5, Phó chủ tịch nhà nước Vương Kỳ Sơn đi thăm “người anh em chí cốt” Pakistan. Ông Tập Cận Bình sau ngày 10.5 (tức sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 11 tại Washington) đã liên tiếp hội kiến các nguyên thủ và chính khách quan trọng của nhiều quốc gia nằm ven “Vành đai, con đường” như Hy Lạp, Srilanka, Singapore, Campuchia, Brazil...và bày tỏ Trung Quốc tiếp tục mở cửa, kiên định lập trường cải cách. Tin mới nhất từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Nga từ ngày 5 đến 7.6 và tham dự Diến đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg lần thứ 23.
Bài báo của Ngũ Nguyệt Hà "Mỹ chớ nên coi thường năng lực trả đũa của Trung Quốc" được lan truyền rộng rãi
|
Cuộc chiến dư luận leo thang toàn diện
Trước đây ít lâu, trong chính giới Trung Quốc đã xuất hiện những tiếng nói kêu gọi toàn dân chuẩn bị tốt cuộc kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh khắc phục khó khăn. Ông Tập Cận Bình khi đi khảo sát khu sản xuất đất hiếm ở Giang Tây đã đến đặt vòng hoa tại bia kỷ niệm nơi xuất phát cuộc Vạn lý Trường chinh 25 ngàn dặm để tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang khi xưa. Giới quan sát bên ngoài bình luận: Trung Quốc cần một khẩu hiệu chủ nghĩa dân tộc để thống nhất ý chí, kiên định niềm tin.
Đa Chiều cho rằng, đương nhiên trong lịch sử Trung Quốc không phải chỉ có 3 lần sử dụng cụm từ nghiêm khắc “vật vị ngôn chi bất dự”; hơn nữa lần này Nhân dân Nhật báo chỉ sử dụng bút danh “Ngũ Nguyệt Hà” viết đăng ở mục Diễn đàn quốc tế chứ không phải ở cấp độ xã luận. Trước đó, hôm 20,5, “Ngũ Nguyệt Hà” cũng đã ký tên ở bài “Quan hệ quốc tế sao có thể lui trở lại thời đại dã man” với lời lẽ gay gắt, chỉ trích việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể bị quản chế (Entity List) là “cực kỳ hoang đường bá đạo! Đó là dùng thủ đoạn bá quyền trắng trợn can dự vào chuỗi sản xuất hình thành tự nhiên trên toàn cầu; có thể coi đây là hành vi dã man nhất trong lịch sử quan hệ mậu dịch quốc tế”.
Nếu “Ngũ Nguyệt Hà” không đủ để đại diện cho tiếng nói chống Mỹ mạnh nhất của Trung Quốc thì 9 bài bình luận với chủ đề “Mỹ tất sẽ thất bại” ký tên Trung Thanh (Tiếng nói của Trung Quốc) đăng trên Nhân dân Nhật báo (bản xuất bản ở ngoài nước) hiển nhiên mang đầy đủ tính quyền uy.
1 trong số "cửu bình" của Trung Thanh trên Nhân dân Nhật báo (trong khung màu đỏ)
|
Đa Chiều cho biết, hình thức bình luận mang tên “cửu bình” này đến nay mới chỉ 2 lần xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Lần thứ nhất là sau khi có Báo cáo bí mật về Stalin tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô; từ tháng 9.1963 đến tháng 7.1964, Nhân dân Nhật báo đã liên tiếp đăng 9 bài bình luận “Nguyên nhân và sự bất đồng giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và chúng ta – Thư ngỏ bàn về Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô”. Đây là 9 bài bình luận dưới dạng thư ngỏ phê phán “chủ nghĩa xét lại Liên Xô”, tranh giành quyền phát ngôn của phong trào cộng sản quốc tế. Sau đó tuy luận chiến kết thúc, nhưng quan hệ Trung – Xô lâm vào cục diện đối kháng lâu dài, dần dần dẫn đến cục diện năm 1979 Trung Quốc xích lại gần Mỹ, Trung – Xô đối đầu nhau trên thế giới.
Lần này, chỉ từ ngày 23 đến 31.5, “Trung Thanh” đã liên tiếp đăng 9 bài bình luận với các tiêu đề: “Trật tự quốc tế không cho phép làm bừa theo ý mình – coi thường quy tắc ắt sẽ thất bại”, “Hợp tác công bằng là lựa chọn đúng đắn duy nhất – đối đầu tất sẽ thất bại”, “Cuồng phong bão táp không lật nghiêng được đại dương – đi ngược xu thế tất sẽ thất bại”, “Bá quyền công nghệ chính là ngăn cản tiến bộ phát triển – cự tuyệt cạnh tranh tất sẽ thất bại”, “ Chơi trò cường quyền nhất định cô lập – cho mình là nhất ắt sẽ thất bại”, “ ‘Ngoại trừ nước Mỹ’ là thuyết chọn lọc gây hại văn minh – song trùng tiêu chuẩn ắt sẽ thất bại”, “Phá sản tín nhiệm là phá sản lớn nhất – nói mà bất tín ắt sẽ thất bại”, “Lẽ nào va đầu vào tường mới chịu quay đầu – làm theo ý mình tất sẽ thất bại” và “Tính toán hết cách cũng bằng không – tự nhận thông minh ắt sẽ thất bại”. Những bài viết này cảnh cáo chính phủ Donald Trump nếu cứ đi vào con đường tối tăm là chọn con đường tự hại mình, con đường này nhất định dẫn đến điểm cuối là thất bại.
Việc Công ty Huawei bị Mỹ trừng phạt có thể dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Trung - Mỹ
|
Đa Chiều kết luận: dĩ nhiên, phía sau việc nâng cấp cuộc chiến dư luận, Trung Quốc cũng đã có sự tự điều chỉnh và động tác phản đòn thực chất. Vào ngày cuối cùng của tháng 5, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đối đầu trực diện, xác lập chế độ “danh sách thực thể không đáng tin cậy” đối với các công ty và cá nhân nước ngoài tương tự như “Entity List” của Mỹ. Đám mây chiến tranh đã bao phủ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thu Thủy (Theo Đa Chiều, 3.6)