Sha Zukang – cựu Đại sứ Trung Quốc chuyên trách giải giáp vũ trang tại LHQ ở Geneva trong những năm 1990 và giờ đã nghỉ hưu – cũng nói rằng “chỉ là vấn đề về thời gian” trước khi Trung Quốc tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ trang cùng với Mỹ và Nga, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ông đưa ra phát biểu trên tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Bắc Kinh hồi tuần trước để đánh dấu 20 năm ngày thành lập Hiệp hội Kiểm soát và Giải giáp Vũ trang Trung Quốc.
Theo đoạn ghi âm bài phát biểu của Sha, được công bố hôm 22/9, vị chuyên gia này nói rằng Trung Quốc đã giành được “vị thế cao về đạo đức” khi cam kết sẽ không là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ tình huống nào, kể từ lần đầu tiên nước này sở hữu sức mạnh hạt nhân vào năm 1964.
Trung Quốc lên án hành động “khiêu khích” trên Biển Đông sau khi cấm cửa tàu chiến Đức
Nhưng ông nói rằng giờ là lúc để Bắc Kinh “tinh chỉnh” lại chính sách đó, như một biện pháp để đối phó với sức ép quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực, nhấn mạnh rằng Mỹ đã coi Trung Quốc như một đối thủ lớn, thậm chí là kẻ địch.
“Sức ép chiến lược nhằm vào Trung Quốc đang tăng dần, trong lúc Mỹ đã xây dựng thêm nhiều khối liên minh quân sự mới và tăng cường hiện diện quân sự sát nách chúng ta” – Sha nói.
Trung Quốc nên duy trì lời cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước đối với phần lớn các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân; Sha nói. Nhưng chính sách này “có thể không cần áp dụng với Mỹ, trừ khi Trung Quốc và Mỹ đàm phán và có biên bản ghi nhớ về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, hoặc trừ khi Mỹ ngừng ngay mọi biện pháp tiêu cực nhằm gây ảnh hưởng tới các lực lượng chiến lược của Trung Quốc”.
Phát ngôn của ông Sha được đưa ra sau khi Mỹ, Australia và Anh hồi tuần trước đưa ra tuyên bố bất ngờ về khối liên minh AUKUS, trong đó Australia sẽ trở thành đất nước thứ hai sau Anh được chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm nguyên tử của Mỹ. Trung Quốc đã chỉ trích thỏa thuận này là “cực kỳ vô trách nhiệm” và cảnh báo rằng nó có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Truyền thông Đức: liệu Philippines sẽ có tổng thống mới thân Mỹ, chống Trung Quốc?
Trong bài phát biểu trước hơn 200 chuyên gia kiểm soát vũ trang của Trung Quốc tham gia hội nghị ngày 15/9, Sha nói rằng Bắc Kinh nên đặt ra các quy định riêng về xuất khẩu tên lửa thay vì tham gia vào Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) do Mỹ khởi xướng. Ông nói rằng Mỹ đã sử dụng cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương này để biện minh cho sự tăng cường hiện diện quân sự của họ trong khu vực.
“Trong những năm gần đây, Mỹ tiếp tục gỡ bỏ các hạn chế về triển khai tên lửa ở các nước như Hàn Quốc, nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan và vạch ra nhiều kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung mặt đất ở các nước láng giềng của chúng ta. Những hành động này tăng cường sức mạnh khối liên minh quân sự xung quanh chúng ta và tăng cường thế kìm hãm chiến lược nhằm vào Trung Quốc” – Sha nói.
“Mỹ đang tạo ra nhiều trường hợp được miễn trừ khỏi cơ chế MTCR, áp dụng tiêu chuẩn kép và đe dọa nghiêm trọng tới các lợi ích an ninh của chúng ta” – Sha nói thêm.
MTCR được đưa ra vào năm 1987 bởi nhóm gồm 7 quốc gia và sau đó mở rộng ra 35 nước thành viên. Trung Quốc không phải một thành viên nhưng vào đầu những năm 1990, họ nhất trí với Mỹ rằng sẽ tuân theo cơ chế này.
Ông Sha cũng hối thúc Bắc Kinh áp dụng quan điểm cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán đa phương về hiệp định hạt nhân với Iran và Triều Tiên – hiện đang lâm thế bế tắc, khi mà Mỹ từ chối gỡ cấm vận cho cả hai nước này.
“Liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, trong khi Trung Quốc, Nga và châu Âu vẫn giữ vững cam kết…ý kiến của tôi là, nếu như Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, mọi người cũng nên rút khỏi thỏa thuận” – Sha nói.
Trung Quốc từng kêu gọi nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên sau khi nước này dỡ bỏ khu phức hợp ở Yongbyon năm 2019, nhưng Mỹ bác bỏ đề xuất này do quan ngại Triều Tiên sẽ có ít động lực để giải giáp hạt nhân hơn.